Đề phòng tác dụng phụ của các thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng

QN
21/12/2020 - 10:16
Đề phòng tác dụng phụ của các thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng
Hiện nay, trong điều trị bệnh tay chân miệng thì các thuốc điều trị triệu chứng vẫn là những thuốc chính được sử dụng. Tuy nhiên, khi sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng thì người bệnh cần hết sức lưu ý các tác dụng phụ của thuốc để có thể phòng tránh, phát hiện và xử lý kịp thời.

Cho đến hiện nay, do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc điều trị bệnh tay chân miệng vẫn chủ yếu được tiến hành bằng các loại thuốc điều trị triệu chứng nhằm làm giảm biểu hiện của bệnh cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng, bệnh nhân có thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ tác dụng phụ khác nhau. Do đó, nắm vững các tác dụng phụ có thể gặp là cơ sở để có thể phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi chúng xảy ra.

Tác dụng phụ có thể gặp của một số loại thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng:

1. Tác dụng phụ thuốc hạ sốt giảm đau

Để giảm đau, hạ sốt cho bệnh nhân tay chân miệng thì hai loại thuốc chính thường được dùng là paracetamol và ibuprofen.

>> Tại sao bệnh tay chân miệng lại gây sốt? Các biện pháp hỗ trợ hạ sốt cho trẻ

- Tác dụng phụ của paracetamol: Paracetamol là loại thuốc giảm đau tác động vào đầu cuối của chuỗi phản ứng gây đau do đó nên nó giảm đau do mọi nguyên nhân khác nhau, đồng thời nó cũng có hiệu quả giảm thân nhiệt tốt khi bị sốt nhưng không làm hạ thân nhiệt ở người bình thường. Do đó, nó rất thường hay được sử dụng làm thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng với mục đích giảm đau và hạ sốt cho bệnh nhân.

Với liều sử dụng thông thường, gần như tất cả paracetamol đều sẽ được chuyển hóa tại gan thành các sản phẩm không độc và đào thải ra ngoài, vì thế khi sử dụng đúng liều chỉ định thì paracetamol là thuốc ít độc và ít gây tác dụng phụ.

Các trường hợp ngộ độc paracetamol chủ yếu xảy ra do sử dụng liều lượng lớn paracetamol trong một thời gian ngắn vượt quá khả năng khử độc của gan. Hậu quả của việc sử dụng quá liều paracetamol có thể gặp bao gồm kích động, mê sảng, tím tái, hay tình trạng hoại tử tế bào gan (men gan tăng cao).

- Thuốc Ibuprofen: Ibuprofen là thuốc thuộc nhóm giảm đau kháng viêm không steroid cũng có thể được sử dụng với liều thấp để giảm đau và hạ sốt cho bệnh nhân tay chân miệng. Tuy nhiên do có nhiều tác dụng phụ, hay gặp kể đến như buồn nôn, nôn, viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, chán ăn, rối loạn nhu động ruột, dị ứng thuốc,... Thậm chí có thể gây nên các tình trạng nguy hiểm khác như tổn thương gan, tổn thương thận, hoặc các bất thường huyết học.

Đề phòng tác dụng phụ của các thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng - Ảnh 1.

Các thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng nhóm hạ sốt cần phải sử dụng hết sức thận trọng (Ảnh: Internet)

2. Các loại thuốc điều chỉnh nước, điện giải

Thuốc điều chỉnh nước, điện giải cũng là thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng rất thường được sử dụng cho bệnh nhân để bù lại lượng muối và dịch bị mất đi do sốt hoặc nôn mửa. Trong các trường hợp nhẹ thì bệnh nhân thường sử dụng oresol để bù nước và sử dụng dịch truyền cho các trường hợp bệnh nhân bị nặng.

Khi sử dụng các thuốc bù nước quá mức có thể gây dư nước và rối loạn điện giải trong cơ thể làm xuất hiện các dấu hiệu tác dụng phụ như nôn mửa, phù nề các khu vực mô liên kết lỏng lẻo (mi mắt,...), hoặc nặng hơn thì người bệnh có thể xuất hiện các biểu hiện thần kinh như co giật, chóng mặt, cáu gắt,...

Còn nếu bệnh nhân được bù nước, điện giải bằng đường tĩnh mạch thông qua các dung dịch truyền thì người bệnh còn có thể gặp các tác dụng phụ khác như sưng đau tại vị trí đâm kim, nhiễm khuẩn tại chỗ tiêm truyền, phù phổi cấp, thuyên tắc khí,...

Đề phòng tác dụng phụ của các thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng - Ảnh 2.

Sử dụng dung dịch bù nước, điện giải không đúng cách có thể gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm (Ảnh: Internet)

3. Thuốc chống cho giật

Phenolbarbital là thuốc chống co giật được sử dụng phổ biến nhất để làm thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng. Thuốc thường được sử dụng điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh từ mức độ 2a trở lên.

Thuốc có tác động lên hệ thần kinh trung ương, do đó hầu hết các tác dụng phụ do phenolbarbital biểu hiện cũng có liên quan đến các vấn đề về thần kinh. Những tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc phenolbarbital làm thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng kể đến đến như buồn ngủ, rung giật nhãn cầu, mất điều hòa thực hiện động tác, lú lẫn, kích thích,...

Trong một số trường hợp khác, bệnh nhân sử dụng phenolbarbital làm thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng có thể cũng sẽ gặp phải dị ứng thuốc, hội chứng Lyell, đau khớp, viêm xương,...

4. Thuốc cắt cơn co giật

Co giật là tình trạng rất nguy hiểm, do đó các thuốc cắt cơn co giật là những thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng có vai trò rất quan trọng. Hai loại thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng thường được dùng trên thực tế để cắt cơn co giật cho bệnh nhân là midazolam và diazepam.

Đề phòng tác dụng phụ của các thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng - Ảnh 3.

Buồn ngủ, ức chế hô hấp,... là những tác dụng phụ hay gặp khi dùng thuốc cắt cơn co giật trong điều trị bệnh tay chân miệng (Ảnh: Internet)

- Tác dụng phụ của midazolam: Những tác dụng phụ chủ yếu khi sử dụng midazolam bao gồm buồn ngủ, ức chế trung tâm hô hấp làm bệnh nhân thở chậm hơn hoặc thậm chí ngừng thở đối với một số ít bệnh nhân, tăng nhịp tim, giảm sức cản thành mạch,...

- Tác dụng phụ khi sử dụng diazepam: Bệnh nhân có thể gặp phải buồn ngủ, chóng mặt, đau đầu, khó tập trung, mất điều hòa động tác, ảo giác, hung hăng, các biểu hiện tổn thương gan (vàng da, vàng mắt, men gan tăng),... là những tác dụng phụ có thể gặp khi dùng diazepam làm thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng.

Qua đây có thể thấy, việc sử dụng các loại thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng có thể giúp ích rất lớn trong làm giảm biểu hiện bệnh, nhưng cũng có thể gây nên nhiều tác dụng phụ khác nhau. Do đó, người bệnh cần tuân thủ tốt các chỉ định của bác sĩ để ngăn chặn các tác dụng phụ và thận trọng khi sử dụng thuốc giúp phát hiện và xử lý sớm nếu có tác dụng phụ xảy ra.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm