pnvnonline@phunuvietnam.vn
Để quá trình lão hóa diễn ra khỏe mạnh, người trung niên cần đặc biệt chú ý vấn đề này
Dưới đây là 7 lời khuyên giúp lão hóa khỏe mạnh mà người trung tuổi có thể tham khảo:
1. Kiểm soát chế độ ăn uống
Nghe thì có vẻ hiển nhiên nhưng một chế độ ăn uống cân bằng là rất quan trọng để có một sức khỏe tốt, tràn đầy năng lượng và ngăn ngừa bệnh tật.
Chế độ ăn lý tưởng cho quá trình lão hóa khỏe mạnh là gì? Đó là một chế độ ăn:
- Ít chất béo bão hòa
- Nhiều trái cây và rau quả
- Ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt
- Bổ sung omega-3 từ cá
- Thịt nạc, hạn chế thịt đỏ, ưu tiên thịt trắng
- Sữa ít béo,..
Và đừng quên bổ sung nước đầy đủ để tránh tình trạng mất nước, khiến người trung tuổi và cả người già dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, bồn chồn. Tốt nhất, hãy tránh xa các loại đồ uống có gas. Nếu có thói quen uống rượu, hãy uống ít hơn 2 ngày một tuần để gan có thời gian phục hồi và thải độc.
2. Chăm sóc răng
Đánh răng hai lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa sau bữa ăn giúp ngăn ngừa bệnh về nướu hiệu quả nhờ việc loại bỏ các mảnh vụn thức ăn còn sót lại giữa các kẽ răng. Khi thấy nướu bị đau hoặc chảy máu, cần thăm khám sớm vì chảy máu nướu có thể liên quan tới các bệnh mãn tính như tiểu đường, đột quỵ, bệnh tim hay viêm thấp dạng khớp.
Ngoài ra, dù ở bất cứ độ tuổi nào thì việc kiểm tra sức khỏe răng miệng định kì đều cần thiết.
3. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục hàng ngày giúp bạn duy trì sức bền, củng cố khối lượng cơ, xương bị mất do lão hóa gây ra. Điều này cũng góp phần giảm nguy cơ béo phì, bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và thậm chí là ung thư.
Ngoài ra, nếu gặp phải các vấn đề về giấc ngủ thì việc tập luyện có thể sẽ hữu ích trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Hãy bắt đầu từ các bài tập nhỏ, đơn giản và nâng cường độ lên khi cảm thấy đủ điều kiện sức khỏe.
4. Làm các kiểm tra đánh giá sức khỏe
Khi già đi, thính giác và thị lực có thể bị ảnh hưởng. Vì vậy điều quan trọng là phải kiểm tra chúng thường xuyên. Suy giảm thính lực thường gặp ở người lớn tuổi, nếu như phải nghe tivi hay radio ở âm lượng quá lớn hay gặp khó khăn trong việc điều chỉnh tông giọng khi giao tiếp thì bạn cần tìm tới các cơ sở y tế để được thăm khám.
Với người trên 70 tuổi trở lên cần kiểm tra mắt ít nhất 1 năm 1 lần và 2 lần/năm nếu như dưới 70 tuổi. Suy giảm thị lực có ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống, đặc biệt là nguy cơ ngã phải nhập viện.
5. Bổ sung vitamin D
Ít người biết được rằng mình có đang thiếu vitamin D hay không. Việc thiếu vitamin D có ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình trạng suy giảm nhận thức, các vấn đề về xương và bệnh tim mạch.
Với người gặp khó khăn trong việc hấp thụ vitamin D từ thực phẩm thì thực phẩm chức năng cũng có thể được bác sĩ gợi ý khi thăm khám.
6. Chăm sóc đôi chân
Vệ sinh bàn chân sạch sẽ hàng ngày, bôi kem dưỡng ẩm, sử dụng giày dép vừa vặn, cắt tỉa móng chân gọn gàng,... là một số lưu ý chăm sóc đôi chân cho người trung tuổi, nhất là người đang gặp biến chứng bàn chân tiểu đường.
Nếu như cảm thấy bàn chân bị đau nhức, nóng, lạnh, có mụn thịt, móng quặp,... thì cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để được can thiệp.
7. Đừng ngại ngần nói chuyện với bác sĩ
Nhiều người trung tuổi thường ngại ngần khi nói chuyện với bác sĩ về các vấn đề sức khỏe của bản thân, đặc biệt là về sự thay đổi của các chức năng tình dục. Điều này sẽ dẫn tới các bệnh không được phát hiện sớm và gây khó khăn, giảm tỷ lệ điều trị khỏi ở người bệnh.
Mặc dù lão hóa là quá trình tự nhiên nhưng có những dấu hiệu sức khỏe mà bạn không nên chủ quan:
- Suy nhược cơ thể
- Chóng mặt
- Thở gấp, hụt hơi
- Nặng ngực
- Ngứa hoặc tê ran một bên cơ thể
- Mất thăng bằng
- Khó nuốt hoặc khó nói
- Đổ quá nhiều mồ hôi
- Suy giảm thị lực đột ngột hoặc mắt mờ
- Sưng tấy rõ rệt ngay cả khi không có vết thương hở nào
- Lú lẫn
- Vết thương lâu lành (hoặc dường như không lành).
Ngoài ra có các vấn đề khác như bỏ thuốc lá; giữ kết nối với bạn bè và gia đình hay ngủ đủ giấc cũng là những lời khuyên để bạn chuẩn bị cho quá trình lão hóa khỏe mạnh.