"Để triển khai mô hình phù hợp, cần nắm chắc hội viên"

Mộc Miên
14/11/2024 - 14:32
"Để triển khai mô hình phù hợp, cần nắm chắc hội viên"

Chị Huỳnh Thị Liên (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với hội viên, phụ nữ địa phương

Đó là chia sẻ của chị Huỳnh Thị Liên (31 tuổi), Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Tham gia công tác Hội từ năm 2016, đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội từ năm 2020, với phương châm tìm hiểu và nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ trên địa bàn, chị Liên đã có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả cao. Trong đó, có thể kể đến sáng kiến "Kết nối tiêu thụ nông sản giúp dân".

Là xã cù lao nên Tân Thuận Đông có nhiều thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt, canh tác cây ăn trái. Vào đầu năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến cho việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản của người nông dân, trong đó có hội viên, phụ nữ trên địa bàn, gặp khó khăn. 

Các loại nông sản như xoài, cam, nhãn, rau cải… bị ùn ứ, rớt giá. Từ thực tế này, chị Liên đã tham mưu với Đảng ủy xã, phối hợp với các đoàn thể trên địa bàn thành lập mô hình "Kết nối tiêu thụ nông sản giúp dân" với 10 thành viên.

Ngay khi thành lập mô hình, chị Liên đã chủ động triển khai đến các chi, tổ rà soát số lượng nông sản tồn đọng. Mặt khác, chị cũng trực tiếp xuống từng ấp rà soát, nắm chắc số lượng và chất lượng mặt hàng nông sản của từng hộ để tư vấn mức giá phù hợp đưa ra thị trường tiêu thụ. 

Cùng với đó, các thành viên của mô hình đã liên hệ tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm bằng cách kết nối thương lái thông qua nhiều hình thức. 

Khi có người đặt hàng, các thành viên của mô hình bàn bạc, thống nhất lựa chọn vườn nào cần tiêu thụ trước và chuyển thông tin người mua để nhà vườn quyết định; đồng thời hỗ trợ xe vận chuyển nông sản đến tay người mua khi việc lưu thông bị hạn chế trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. 

"Để triển khai mô hình phù hợp, cần nắm chắc hội viên"- Ảnh 1.

Hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản giúp người dân, phụ nữ xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)

Qua hơn 6 tháng triển khai, bản thân chị Liên đã hỗ trợ đăng hơn 20 thông tin bán nông sản của các hộ nông dân trong xã, qua đó kết nối tiêu thụ cho 52 hộ với trên 200 tấn nông sản, mang lại doanh thu trên 2 tỷ đồng, gấp 0,5 lần so với hộ nông dân tự bán.

Theo chị Liên, khi dịch Covid-19 được khống chế, việc buôn bán trở lại bình thường thì mô hình cũng được thay đổi để phù hợp với tình hình. Theo đó, mô hình tập trung hướng dẫn người nông dân, hội viên, phụ nữ ứng dụng công nghệ thông tin trong tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều phần việc như: 

Làm các video quảng bá nông sản đăng trên mạng xã hội; tập huấn và triển khai thực hiện việc bán nông sản trên sàn thương mại điện tử; hướng dẫn hội viên, phụ nữ trồng theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị nông sản.

Không chỉ triển khai thành lập, duy trì được nhiều mô hình hiệu quả, chị Huỳnh Thị Liên còn tổ chức thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn. Đơn cử là việc tổ chức 2 "Phiên chợ nghĩa tình cù lao", gồm 2.000 sản phẩm 0 đồng với tổng kinh phí 100 triệu đồng; vận động cất mới 9 "Mái ấm tình thương", tổng trị giá hơn 790 triệu đồng; thực hiện chương trình "Áo trắng yêu thương - Cùng em đến trường", trao tặng 85 suất học bổng cho học sinh nghèo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm