Đề xuất 6 tỉnh, thành được tiếp tục cơ chế đặc thù sau sáp nhập

Hải Yến
19/05/2025 - 15:01
Đề xuất 6 tỉnh, thành được tiếp tục cơ chế đặc thù sau sáp nhập

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk, TPHCM và Cần Thơ được Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù sau sáp nhập địa phương.

Ngày 19/5, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình Quốc hội tờ trình về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế đặc thù tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Nghị quyết 60 của Trung ương khóa XIII nêu rõ việc tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp, gồm: cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, thành phố). Cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động. Sau sáp nhập, số lượng đơn vị hành chính giảm từ 63 tỉnh, thành phố còn 34.

Chính phủ nhận định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng Tài chính, đến nay, cả nước có 10 địa phương, gồm Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Buôn Ma Thuột, TP.HCM và Cần Thơ đang được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo các luật, nghị quyết riêng của Quốc hội.

Trong số này, có 6 địa phương sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ tổ chức lại chính quyền địa phương theo 2 cấp, gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk (liên quan đến TP Buôn Ma Thuột), TPHCM và Cần Thơ.

Đề xuất 6 tỉnh, thành được tiếp tục cơ chế đặc thù sau sáp nhập- Ảnh 1.

Ngày 19/5, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình Quốc hội tờ trình về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế đặc thù tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy

Sự ảnh hưởng này do việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, kết thúc hoạt động cấp huyện dẫn tới thay đổi về ranh giới địa lý, phạm vi quản lý cũng như quy mô dân số, địa vị pháp lý… của các địa phương.

Do đó, Chính phủ đề xuất có quy định chuyển tiếp việc tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đang được thực hiện tại các địa phương thuộc diện sắp xếp. Việc này nhằm đảm bảo tính liên tục, ổn định quy định pháp luật, trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương này.

"Việc duy trì các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương đang áp dụng, sau khi sáp nhập và sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp sẽ tạo điều kiện để tạo động lực tăng trưởng mới, sức bật cho các địa phương", Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Theo ông, việc này cũng tránh tạo khoảng trống pháp lý cho địa phương sau sắp xếp trong xử lý các vấn đề liên quan dự án đầu tư, nghĩa vụ tài chính…

Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép các địa phương sau sáp nhập gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM và Cần Thơ, được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trước đây.

Riêng các xã, phường mới tương ứng tại địa bàn TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) sau sắp xếp cấp xã tiếp tục được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện.

Sau khi việc sắp xếp đơn vị hành chính hai cấp hoàn thành, Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá các cơ chế đặc thù này để điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tế, tình hình mới hoặc luật hóa để áp dụng trong toàn quốc.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nhận định việc cho phép chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế, đặc thù tại địa phương sau sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ đơn thuần là mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế, mà còn liên quan đến nhiều mặt về kinh tế, ngân sách. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá tác động chính sách bảo đảm giữ nguyên tắc cân đối thu chi theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước.

Ngoài ra, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị với các thành phố áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù sáp nhập vào các tỉnh, cần xác định lại tỷ lệ điều tiết để hạch toán, phân chia ngân sách Trung ương - địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm