Đề xuất cho mỗi công chức TPHCM vay 600 triệu đồng để mua nhà

22/01/2018 - 18:39
Tại cuộc tiếp xúc với cử tri TPHCM mới đây, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Quỹ phát triển nhà ở TPHCM, cho biết, sắp tới cơ quan này sẽ đề xuất chính quyền thành phố cho mỗi công chức được vay tới 600 triệu đồng để mua nhà ở.
1.jpg
Một khu nhà cho giáo viên thu nhập thấp tại quận 6, TPHCM

 

Được biết, theo giá thị trường thì một căn nhà có diện tích khoảng 20m2 ở quận vùng ven TPHCM cũng đã có giá khoảng 1,2-1,3 tỉ đồng, nên mức vay 500 triệu đồng là khá ít ỏi. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất thành phố nâng mức cho vay để tạo điều kiện cho cán bộ công chức sớm có chỗ ở ổn định.

Không chỉ nguồn nhà ở xã hội của thành phố hiện còn quá ít so với nhu cầu, mà vấn đề pháp lý để được vay tiền mua nhà từ Quỹ phát triển nhà ở thành phố hiện cũng rất khó khăn. Chẳng hạn như yêu cầu cơ quan phải xác nhận người lao động chưa có nhà mới đủ điều kiện xin vay, trong khi cơ quan không thể quản lý được hết vấn đề này nên thường chỉ căn cứ theo xác nhận của địa phương.

3.jpg
Mô hình một căn hộ giá rẻ mà TPHCM dự định sẽ phát triển trong thời gian tới

 

Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch HĐND TPHCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm băn khoăn về chuyện làm cách nào để xác nhận được chính xác người vay đã có nhà hay chưa vì "đã ký xác nhận là phải chịu trách nhiệm!”. Để tháo gỡ vấn đề này, giám đốc Quỹ phát triển nhà ở thành phố cho rằng, tới đây phải áp dụng công nghệ thông tin và xây dựng được dữ liệu chung về nhà ở trên cả nước thì mới xác định chính xác được.

Ông Thạch cũng cho biết thêm: "Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất tăng mức vay lên 600 triệu đồng. Dĩ nhiên mức này cũng chưa thể đáp ứng hết nguyện vọng của cán bộ công chức nhưng thực sự nguồn lực của thành phố vẫn còn có hạn".

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị nên nghiên cứu theo hướng đặt ra nhiều mức, chứ không chỉ cào bằng 500 triệu hay 600 triệu đồng, vì mức độ khó khăn của cán bộ công chức là khác nhau. Ngoài ra, theo bà Tâm, cũng có thể đề nghị kéo dài thời gian cho vay để giảm bớt áp lực trả nợ cho người vay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm