Đề xuất có đường phố, trường học mang tên danh nhân Lưu Đình Chất

P.V
08/07/2024 - 13:28
Đề xuất có đường phố, trường học mang tên danh nhân Lưu Đình Chất

Tượng thờ danh nhân Lưu Đình Chất

Đưa tên danh nhân Lưu Đình Chất (1566-1627) vào quỹ tên đường cũng như trường học ở Thanh Hóa là đề xuất của các nhà sử học tại cuộc hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của vị đại quan triều Lê trung hưng.

Hội thảo "Vai trò của Danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về ông" vừa diễn ra tại Thanh Hóa, quy tụ các nhà nghiên cứu Hán Nôm, lịch sử từ Viện Sử học Việt Nam, Viện Văn học Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa… với 30 tham luận. Hội thảo nhằm đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ cuộc đời, sự nghiệp, công trạng, vai trò của danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc. Từ đó, nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về ông trong bối cảnh hiện nay.

Danh nhân Lưu Đình Chất sinh ra trong gia tộc lớn họ Lưu ở Thanh Hóa, là hậu duệ đời thứ 21 của Thái sư Lưu Cơ - vị khai quốc công thần nhà Đinh. Theo sử liệu, ông đỗ đạt khá muộn, khi đã 42 tuổi, do ông sinh ra và lớn lên trong thời loạn nên việc học hành thi cử gặp nhiều khó khăn.

Năm 1616, Lưu Đình Chất được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh. Trong chuyến đi này, Lưu Đình Chất bằng tài ngoại giao khéo léo đã chú trọng gia tăng tình hòa hiếu với không chỉ nhà Minh mà mở rộng giao hảo với sứ thần Cao Ly. Sau khi đi sứ trở về, ông được thăng chức Hữu Thị lang Bộ Lại, tước hầu. Về việc này, sách Hoằng Hóa phong vật dành cho ông nhiều lời khen ngợi: "Dĩnh ngộ hơn người, văn chương nổi tiếng ở đời… Đi sứ phương Bắc, vịnh thơ thù tạc, ứng đáp, thanh danh vang động Yên Kinh".

Các đại biểu tham dự Hội thảo về danh nhân Lưu Đình Chất

Các đại biểu tham dự Hội thảo về danh nhân Lưu Đình Chất

Theo TS. Phạm Văn Ánh: "Đối với người được chọn làm Chánh sứ sang Trung Hoa, một trong những tiêu chí hàng đầu là phải có tài "chuyên đối", tức khả năng ứng đối một cách sắc bén, linh động, thỏa đáng; sự ứng đối đó không chỉ bằng lời nói, mà còn phải bằng thơ văn. Nói cách khác, người làm Chánh sứ phải có tài văn chương. Có thể thấy, mặc dù Toàn Việt thi lục chỉ chép lại được 18 bài thơ sứ trình của Lưu Đình Chất, song ngần ấy cũng đủ để người đọc thấy được phẩm chất, tài năng thơ ca và phần nào là tài năng ngoại giao của ông".

Năm 1614, tiến sĩ Lưu Đình Chất được ban chức Dinh điền Chánh sứ vùng biển Giao Thủy, Nam Định, đã xuất tiền đắp đê, lấn biển, lập ra 12 làng.

Đánh giá về Lưu Đình Chất, nhà sử học Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí đã dành sự khen ngợi: "Từ đời Hoằng Định đến Dương Hòa, Thịnh Đức là lúc triều đình lắm việc, phải sửa chính ở trong, dẹp loạn ở ngoài… Ông Lưu Đình Chất ở Quỳ Chử bày tỏ mưu hay, bổ ích rất nhiều".

Với nhiều đóng góp quan trọng, Lưu Đình Chất được triều đình phong kiến Lê - Trịnh thăng Đô ngự sử, rồi Tá lý công thần, Thượng thư Bộ hộ, Tham tụng (Tể tướng), Thiếu bảo tước Phúc Quận công. Năm 1627 ông mất, thọ 62 tuổi, được truy tặng Thiếu sư. Ông được thờ phụng tại đình Đông Khê, Nhà thờ họ Lưu ở thôn Đông Khê (Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) và tại 2 cụm Di tích cấp quốc gia đền - chùa Hà Cát và Diêm Điền (Giao Thủy, Nam Định).

Khu mộ của danh nhân Lưu Đình Chất tại Thanh Hóa

Khu mộ của danh nhân Lưu Đình Chất tại Thanh Hóa

Tại Hội thảo "Vai trò của Danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về ông", các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất hướng tới việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản danh nhân Lưu Đình Chất, trong đó nhấn mạnh việc đưa tên ông vào quỹ tên đường, trường học ở Thanh Hóa và Nam Định.

TS. Lê Ngọc Tạo và nhiều tác giả khác đề nghị: Cần đổi tên cho 1 trường học hiện nay (có thể là trường THPT Hoằng Hóa 2, hay trường THCS, trường Tiểu học xã Hoằng Quỳ) mang tên Lưu Đình Chất. Trong ngân hàng tên đường phố của Hoằng Hóa hay thành phố Thanh Hóa phải có tên danh nhân Lưu Đình Chất. Trong nội dung Lễ hội Bút nghiên thường niên của huyện Hoằng Hóa nên tăng cường nội dung giáo dục tấm gương của các danh nhân tiêu biểu của quê hương, trong đó có Lưu Đình Chất. Tương tự, TS. Nguyễn Thị Vân và TS. Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất đưa nhân vật Lưu Đình Chất vào môn Giáo dục địa phương và các Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường học.

Trong khi đó, các đại biểu Trần Quang Minh và Lê Thị Thanh Thủy bày tỏ mong muốn có đường phố và trường học mang tên danh nhân Lưu Đình Chất tại Nam Định - vùng đất mà ông đã để lại dấu ấn lớn trong việc lấn biển, lập làng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm