Đề xuất tăng độ tuổi nhận trẻ từ 6 tháng tuổi

21/05/2019 - 16:32
Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) hiện quy định độ tuổi các cơ sở giáo dục mầm non, nhóm trẻ có thể nhận trẻ đi học từ 3 tháng tuổi. Quy định này không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu khi cho rằng bất khả thi do chưa đủ tốt về cơ sở vật chất, năng lực giáo viên và sự an toàn của trẻ.

Góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) vào sáng 21/5, đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (TP.HCM) khẳng định rằng, sẽ cực kỳ khó khăn khi áp dụng quy định các nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập nhận trẻ từ 3 tháng tuổi. Ngay cả trẻ 6 hoặc 12 tháng tuổi, theo ghi nhận thực tế hiện nay vốn đã thấy hiếm gặp.

Theo nữ đại biểu, trong điều kiện hiện nay nhiều trường nhận trẻ 6 tháng tuổi hoặc dưới 12 tháng tuổi nhưng cũng là thí điểm và số trẻ cũng rất ít, hiếm để có thể nhận các cháu trong độ tuổi này, vì điều kiện cơ sở vật chất của trường, vì sự an toàn của trẻ và kỹ năng của giáo viên.

img_0044-1024x783-1024x783.jpg
Nhiều ĐBQH cho rằng nhận trẻ từ 3 tháng tuổi là bất khả thi. Ảnh minh họa 

“Ngoài ra, Bộ luật Lao động cũng quy định là lao động nữ được nghỉ thai sản trong thời gian từ 6 tháng. Do vậy, trong điều kiện về sơ sở vật chất, về giáo viên nếu chúng ta quy định từ 3 tháng tôi cho rằng khó khả thi. Tôi đề xuất là nên từ 6 tháng cho phù hợp với các luật khác” – đại biểu Yến đề nghị.

Cũng liên quan đến độ tuổi đi học, đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cho rằng điều 23 của dự luật quy định mục tiêu giáo dục mầm non, trẻ mầm non theo quy định là “từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi”. Luật đề ra mục tiêu của giáo dục mầm non là phát triển toàn diện trẻ em mầm non về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp 1.

Dẫn lời Bác Hồ từng nói: "Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan", đại biểu Trí Thức cho rằng việc Luật đặt lên vai trẻ em 3 tháng tuổi là trí tuệ và thẩm mĩ, dường như đang kỳ vọng quá nhiều vào trẻ em mới chỉ từ 3 tháng tuổi.

“Bây giờ nếu đặt mẹ các em với hoa hậu hoàn vũ thì chắc chắn các em sẽ chọn mẹ chứ không chọn hoa hậu hoàn vũ, vậy chẳng nhẽ thẩm mỹ của các em lại thấp kém? Đấy chính là tính nhân văn, cao cả mà dân tộc ta đã hun đúc lên từ bé cho các em chứ không phải là trí tuệ là hàng đầu” – ông thẳng thắn.

Báo cáo giải trình tiếp thu, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cho rằng, quá trình lấy ý kiến đã ghi nhận việc một số đại biểu đề nghị tăng độ tuổi nhận trẻ mầm non từ 6, 9 hoặc 12 tháng tuổi để phù hợp với thực tiễn.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã khẳng định giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam.

Về độ tuổi nhận trẻ, UBTVQH nhận thấy Điều 157 Bộ Luật lao động quy định: Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng, thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Trong thực tế, có những trường hợp lao động nữ đi làm khi con mới được 04 tháng tuổi và có nhu cầu gửi con đến cơ sở giáo dục mầm non.

“Chính vì vậy, việc quy định của Dự thảo Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý để những cơ sở giáo dục mầm non đủ điều kiện có thể nhận trẻ từ 03 tháng tuổi, đáp ứng nhu cầu thực tế. Do vậy, chúng tôi xin được giữ như quy định hiện hành” – ông Bình khẳng định lại

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm