Đến đảo chuột túi bàn chuyện nữ quyền

Thục Hạnh
22/01/2020 - 20:25
Đến đảo chuột túi bàn chuyện nữ quyền
Vào buổi chiều cuối đông có cầu vồng rực rỡ trên đảo Kangaroo, miền Nam nước Úc, những phụ nữ của vùng đất cách Việt Nam gần hai chục giờ bay kể cho tôi nghe công việc thường ngày. Không vĩ đại, to tát mà bền bỉ như đá tảng lát nên con đường nữ quyền, càng đi càng sáng bóng.

Alana Whennen - Giám đốc trung tâm Chim cánh cụt Penneshaw

Đến đảo chuột túi bàn chuyện nữ quyền - Ảnh 1.

Alana Whennen

Đảo Kangaroo có diện tích lớn gấp 4 lần Hongkong nhưng "cư dân" ở đây chủ yếu là chuột túi, sư tử biển, cá heo, chim biển, thú mỏ vịt, thiên nga đen cùng hàng trăm loài thực vật quý hiếm. Năm 24 tuổi, tôi bắt đầu mở tour Thăm chim cánh cụt, chuột túi wallaby và các thú hoang dã vào ban đêm (từ tháng 11/2018). Mỗi hành trình chỉ kéo dài hơn 1 giờ nhưng thực sự là trải nghiệm độc đáo, đặc biệt là với trẻ em. Trong đêm thanh vắng, ta lắng nghe được bước chân của động vật hoang dã, ngắm đôi mắt sáng rực và nghe từng nhịp thở của chúng. Tôi rất vui vì có thể hướng dẫn du khách hiểu thêm về cuộc sống của chim cánh cụt,  rắn, nhện, các loài chim biển và cùng du khách khám phá một thế giới mà ban ngày rất khó thấu cảm trọn vẹn. Mục đích của tour là giáo dục tình yêu thiên nhiên, trải nghiệm và chia sẻ kiến thức về thế giới hoang dã tuyệt đẹp để từ đó mọi người cùng trân trọng, bảo tồn.

Maxine McSherry - Hiệu trưởng Trường giáo dục cộng đồng

Đến đảo chuột túi bàn chuyện nữ quyền - Ảnh 2.

Maxine McSherry

 Sống giữa cộng đồng nông thôn khô cằn và cách biệt, gần 700 học sinh (từ 4 đến 18 tuổi) và 110 giáo viên (90% là phụ nữ) của trường cảm nhận được cơ hội đặc biệt để gắn kết nhà trường, các cơ quan công quyền, chủ sử dụng lao động với gia đình học sinh. Giáo dục cộng đồng, giáo dục suốt đời được đặc biệt chú trọng. Theo đó, những chủ nhân tương lai của đảo may mắn được thấm đẫm trong thiên nhiên và  lịch sử giàu có, độc nhất vô nhị nơi đây. Chúng tôi có chương trình giáo dục đặc biệt về môi trường nơi các nhà khoa học cùng học sinh xây dựng nội dung các giờ học thực tế về cá heo, kangaroo, sư tử biển và nhiều loài đặc hữu. Các buổi học thường xuyên được tổ chức ở Công viên quốc gia, Trung tâm hỗ trợ cuộc sống hoang dã, vịnh Seal cùng các hang động nổi tiếng trên đảo. Mỗi lớp đều được đặt tên theo các con vật mà các em muốn tìm hiểu và học sinh có thể mang thú cưng đến lớp. Các em là lực lượng quan trọng tham gia trồng cây phủ xanh đảo. Trường cung cấp lao động tương lai cho chính Công viên quốc gia và các dự án bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững trước làn sóng du khách hiện nay.

Với các giáo viên từ đất liền đến giảng dạy phải sống xa gia đình, chúng tôi luôn đón tiếp nồng nhiệt, cùng nhau làm việc nhóm, hỗ trợ, hướng dẫn tinh thần, động viên và truyền động lực. Các cô giáo có con nhỏ được tạo điều kiện dạy từ 2 đến 3 buổi mỗi tuần, giờ dạy cũng linh hoạt. Nhiều giáo viên đã lập gia đình và định cư lâu dài. Đảo thực sự trở thành quê hương của họ. Chính quyền và mỗi người dân đều hỗ trợ chúng tôi rất nhiều nhằm tạo môi trường giáo dục thân thiện nhất với trẻ nhỏ.

Jennie Teasdale của đầm phá Pelican

Đến đảo chuột túi bàn chuyện nữ quyền - Ảnh 3.

Jennie Teasdale

Tôi và Bob Teasdale gặp nhau 53 năm trước trong trường đại học. Tình yêu và hạnh phúc của chúng tôi là cùng nhau cống hiến qua các dự án phát triển ở rất nhiều nơi trên thế giới. Hai mươi năm trước, chúng tôi quyết định gắn bó với khu đầm phá Pelican trên đảo Kangraroo, nơi vốn không có màu xanh và đất đai bạc màu vì sỏi đá. Để thay đổi, 12 năm trước chúng tôi bắt đầu xây dựng ngôi nhà sinh học sử dụng toàn bộ năng lượng và vật liệu sạch từ thiên nhiên, nuôi trồng organic.  Cả ngôi nhà là một vòng tuần hoàn, hoàn toàn thân thiện với môi trường. Sau 3 năm xây dựng ngôi nhà, vợ chồng tôi lại cùng nhau trồng hơn 10 ngàn cây xanh, biến ngôi nhà trắng bên hồ này thành hình mẫu về một cuộc sống bền vững - nơi hướng đạo cho lớp trẻ về tình yêu và cách thức sống hoà hợp với thiên nhiên. Càng hiểu hơn về đảo, tôi càng khâm phục những người dân bản địa kiên cường, họ đã truyền cảm hứng vô tận cho những cuốn sách của tôi về cách sống và cách hạnh phúc thực sự.

Đảo Kangaroo từng bị mệnh danh là đảo của Thần Chết hay nơi ẩn náu của những bà vợ tội lỗi khỏi cơn cuồng nộ của chồng. Nơi đây, hơn 200 năm trước chứng kiến bao tủi nhục của những phụ nữ thổ dân bị bắt cóc từ đại lục và đảo Tasmania ra làm nô lệ tình dục cho những người da trắng đi săn cá voi và hải cẩu. Ít nhất ba phụ nữ Ngarrindjeri đã thiệt mạng cùng những đứa trẻ trong hành trình chạy trốn khỏi địa ngục trần gian này.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm