Ở mỗi điểm đảo, chúng tôi lại cảm nhận sức sống mãnh liệt, ý chí kiên cường bám trụ giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương. Một Đá Lớn C hiên ngang trên bãi ngầm san hô giữa mênh mông biển trời nhưng không bao giờ cô độc. Một Nam Yết ngút ngàn xanh, là nơi ươm giống, sẻ chia cây xanh cho toàn quần đảo Trường Sa. Sinh Tồn đầy sức sống như tên gọi bởi nơi đây ngoài biển, nắng, gió còn có tiếng cười trẻ thơ, tiếng ê a của lớp học, nuôi dưỡng những mầm xanh kiên trung và bất khuất.
Rồi chúng tôi đến Cô-Lin, nơi mà bao ánh mắt cứ đổ dồn về hướng Gạc Ma kề sát đấy với bao nhớ thương xen lẫn phẫn uất, nơi 64 chiến sĩ đã ngã xuống, thân xác các anh đã hòa trong biển mặn hàng đêm sóng vẫn cuộn trào. Cô-Lin vẫn là nơi của những ánh mắt không bao giờ rời khỏi Gạc Ma máu thịt.
Bước lên Thuyền Chài C, lòng chúng tôi như nhẹ tênh bởi hình ảnh người chiến sĩ ngoài những giây phút làm nhiệm vụ lại chăm chút từng chậu lan, nâng niu chiếc lồng chim... Nắng gió khắc nghiệt của đại dương như dịu lại bởi màu xanh mơn mởn của những luống rau mà các chiến sĩ đã chắt chiu từng giọt nước ngọt vun trồng.
Đến An Bang, chúng tôi lại một lần nữa cảm nhận những bàn tay ấm, những cánh tay nối tình cảm quân - dân. Bởi đặc thù nơi đây sóng đánh ngược ra rất mạnh nên canô khó tiếp cận, buộc phải có một lực lượng chiến sĩ trầm mình trong nước kéo giữ canô vào bờ để các thành viên đoàn công tác bước lên đảo.
Tiếp cận đảo Đá Tây A, ấn tượng đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh âu thuyền thật lớn, trải dài bao quanh. Nó như vòng tay của mẹ đầy bao dung và uy dũng, chở che ôm lấy những người con vào lòng. Đây là nơi để các ngư dân đánh bắt xa bờ có thể an tâm vào tránh nạn mỗi khi có sóng to, gió lớn hay giông bão. Là nơi duy nhất trên quần đảo Trường Sa có thể tiếp nước ngọt miễn phí cho thuyền qua lại, tiếp xăng, dầu, nước đá ướp cá cho những thuyền đánh bắt trong khu vực. Tại đây còn có nhiều hoạt động cứu nạn trên biển... Đảo Đá Tây A như điểm hội tụ cho tình quân - dân, nơi mang lại cho những ngư dân sự an tâm để duy trì hoạt động sản xuất, mưu sinh.
Những dâng trào ở đảo Đá Tây A vào buổi sáng còn chưa lắng dịu thì cảm xúc ấy lại bùng lên khi chúng tôi đặt chân trên Trường Sa Lớn - đảo như người anh cả, thủ phủ của quần đảo Trường Sa. Đây như nơi hội tụ của sức sống, của sự kiên cường. Tiếp đón chúng tôi còn có Chi hội Phụ nữ Trường Sa, ở đâu có phụ nữ thì ở đấy lại râm ran tiếng cười trẻ thơ cùng bao ánh mắt thơ ngây, trong trẻo. Câu nói của Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Đỗ Thị Thu Thảo trong buổi gặp gỡ chị em phụ nữ Trường Sa: “Đến nơi nào có hội viên phụ nữ thì mình đều phải quan tâm và chia sẻ” như thêm một lần nhắc lại sự khăng khít, thắm đượm tình cảm quân dân giữa đất liền và đảo xa.
Thời gian trải nghiệm quý giá trên đảo làm chúng tôi càng hiểu hơn tâm sự mà một chiến sĩ Trường Sa chia sẻ trước đó. Trong ánh mắt đầy kiêu hãnh, em cho chúng tôi biết đã chạm được vào ước mơ của mình, ước mơ trở thành người lính Trường Sa bảo vệ biển đảo quê hương. Em kể, khi 10 tuổi, tình cờ nghe được ca khúc “Gần lắm Trường Sa ơi” do NSƯT Thanh Thúy thể hiện trên truyền hình. Ca khúc với giai điệu và ca từ tha thiết thấm đẫm tình yêu cao cả, sự hào hùng đã gieo vào trong em niềm khát khao trở thành lính đảo. Rồi sau khóa học tại quân ngũ, em được chọn để trở thành lính đảo. Em chia sẻ, ngày được chọn làm lính Trường Sa cũng là ngày em cảm nhận cuộc đời mình thật ý nghĩa!
Buổi tối chia tay đảo, điểm đảo cuối cùng, chúng tôi không nén được sự bồi hồi, bịn rịn. Dù giữa biển trời đêm, trong ánh trăng dịu nhẹ, chúng tôi vẫn thấy rõ từng giọt nước mắt lăn dài trên má những thành viên đoàn công tác. Những giọt nước mắt đầy hạnh phúc ấy cứ ấm mãi cùng nụ cười cho đến khi hình ảnh hàng chiến sĩ đứng vẫy chào tạm biệt trên đảo hòa vào trời đêm mênh mông.
Trên hải trình về đất liền, chúng tôi có cơ hội được đặt chân lên Nhà giàn DK1/11 (Tư Chính) - nơi mà ý chí và sự kiên cường như thách thức bão to sóng lớn. Khác với các điểm đảo, Nhà giàn hiện diện, tồn tại bởi sức lực, ý chí và trí tuệ con người. Chúng tôi càng thêm tự hào và sống lại cảm xúc trào dâng trong buổi lễ thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Tây Nam - DK1 trước đó ít lâu.
Trở về, chúng tôi như cứ muốn kể thật nhiều cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp về những trải nghiệm của một hải trình đặc biệt, một hải trình mà tất cả những thành viên chỉ có một khát vọng duy nhất hướng về biển đảo quê hương, hướng về tình cảm quân dân sâu đậm. Những tình cảm như được tăng cấp số nhân theo từng hải lý. Dù xa xôi nhưng ai cũng cảm thấy “gần lắm Trường Sa”!
Từ ngày 8 đến 18/4/2019, Đoàn công tác của TƯ Hội LHPN Việt Nam do Phó Chủ tịch Đỗ Thị Thu Thảo làm Trưởng đoàn cùng nhiều cán bộ của cơ quan TƯ Hội LHPN Việt Nam, lãnh đạo Hội LHPN các tỉnh: Hưng Yên, Phú Thọ, Đắk Lắk, Vĩnh Long, Khánh Hòa đã tham gia Đoàn công tác số 3 đi thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1/11 (Tư Chính). Quà tặng gồm: - 40 cờ Tổ quốc tặng cho các đảo Nam Yết, Sinh Tồn, Đá Tây A và Trường Sa - 30 phần quà tặng thưởng các chiến sĩ trên các Đảo, Nhà giàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018 và có hoàn cảnh khó khăn. - Thư và quà tặng lưu niệm của Đoàn thanh niên cơ quan TƯ Hội LHPN Việt Nam, tập thể học sinh lớp 4D trường tiểu học Lomonoxop Mỹ Đình (Hà Nội) gửi tặng các chiến sĩ trên đảo Trường Sa. - Tivi 42 inch, bộ máy tính bàn, máy in, máy lọc nước, máy bơm nước, tủ cấp đông, máy khâu (tặng Chi hội Phụ nữ 2 đảo), nhu yếu phẩm, áo dài tặng phụ nữ trên các đảo... |