Di chúc lập hộ có hiệu lực pháp lý?

21/10/2016 - 09:41
Pháp luật quy định trong một số trường hợp đặc biệt, người để lại di sản có thể nhờ người khác viết hộ di chúc, nhưng phải có ít nhất 2 người làm chứng. Người làm chứng phải là những người không liên quan đến quyền và nghĩa vụ trong nội dung di chúc...

Hỏi:  Tôi là Hoàng Văn Hùng (34 tuổi- Nghệ An), mẹ tôi đã mất từ lâu, họ hàng không còn ai, nhà chỉ có hai anh em.

Bố tôi vừa mất được hơn 01 tuần, anh trai tôi đã muốn chia di sản gồm căn nhà thờ, 02 mảnh đất và một sổ tiết kiệm 2,5 tỷ đồng. Anh ấy đưa ra một tờ di chúc nói là của bố tôi để lại, trong di chúc viết sẽ để lại căn nhà thờ làm của chung, không ai được phép bán và hai mảnh đất cho anh ấy và con trai của anh (vì anh ấy là con cả). Còn 2,5 tỷ đồng thì sẽ dùng 02 tỷ để duy trì nhà thờ, giỗ hàng năm (vì bố là đích tôn của dòng họ), chỉ để lại cho tôi 500 triệu đồng.

Tuy nhiên, chữ trong bản di chúc đó lại là của con trai anh ấy, chỉ có dấu điểm chỉ thì của bố tôi. Người làm chứng lại là vợ và con trai anh ấy. Tôi muốn hỏi luật sư là di chúc trên có hiệu lực không? Nếu không có thì tôi và anh trai sẽ được hưởng bao nhiêu?

 Ảnh minh họa

Luật sư trả lời:

Di chúc viết hộ có hiệu lực pháp lý không?

Theo quy định tại Điều 656 Bộ luật Dân sự năm 2005, nếu người lập di chúc không biết đọc, biết viết hoặc vì lý do nào khác mà không thể tự mình viết di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc sẽ ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Căn cứ Điều 654 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau:

  1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
  2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
  3. Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.

Theo thông tin mà anh cung cấp, di chúc bố anh để lại là do cháu trai anh viết, có điểm chỉ của bố anh, đồng thời cháu anh cũng là người làm chứng. Căn cứ vào quy định trên thì cháu anh không đủ điều kiện để có thể làm chứng vì là người thừa kế theo di chúc. Chính vì vậy, di chúc này không có hiệu lực pháp lý.

Phân chia di sản thừa kế của bạn và anh trai anh:

Còn theo Điều 676 Bộ luật Dân sự, anh và anh trai thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết nên các anh có thể được hưởng phần di sản bằng nhau. Tài sản của bố anh để lại bao gồm căn nhà thờ và 02 mảnh đất và một sổ tiết kiệm 2,5 tỷ đồng. Tùy theo thỏa thuận của hai người mà mỗi người được hưởng giá trị phần thừa kế gồm nửa căn nhà thờ, ½ giá trị 2 mảnh đất và một nửa số tiền bố anh để lại (sau khi đã chi trả các khoản nợ và nghĩa vụ thực hiện).

Ls. Vũ Hồng Hoa

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm