'Di sản' của nữ tổng thống Hàn Quốc bị phế truất

13/03/2017 - 14:24
Tối 12/3, cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã rời dinh tổng thống khá lặng lẽ, bỏ lại nhiệm kỳ dang dở khi là tổng thống đầu tiên bị phế truất. Hãy cùng nhìn lại 'di sản' những năm tại nhiệm của bà Park.
Những mục tiêu từng làm nức lòng người dân

Bà Park Geun-hye (65 tuổi) đã bắt đầu viết một chương hoàn toàn mới trong lịch sử “xứ sở Kim chi” khi trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nắm quyền chèo lái đất nước Hàn Quốc vào ngày 25/2/2013. Trong một xã hội mà nam giới vẫn nắm quyền thống trị ở mọi nơi như Hàn Quốc, bà Park được kỳ vọng sẽ mang lại bước tiến mới trong bình đẳng giới. Khi đó, bà đã nói một câu khiến nhiều người xúc động: “Tôi không còn cha mẹ, không chồng, không con, quốc gia là đối tượng để phục vụ duy nhất, giống như một người mẹ hy sinh cả đời cho gia đình”.
tong-thong-han-quoc-5.jpg
Bà Park Geun Hye tuyên thệ nhậm chức ngày 25/2/2013
Bà Park từng hứa hẹn về một “kỷ nguyên mới” của chính phủ và cam kết sẽ trở thành “Tổng thống của nhân dân”. Bà đã đề ra những sáng kiến táo bạo bao gồm kế hoạch “hồi sinh” nền kinh tế, cải cách tài chính, giáo dục và lao động và xây dựng lại niềm tin với Triều Tiên cũng như tạo nền tảng cho việc thúc đẩy hòa bình và hợp tác trong khu vực Đông Bắc Á.

Từ năm 1962, dưới thời Tổng thống Park Chung Hee (cha của bà Park), Hàn Quốc bắt đầu những kế hoạch phát triển kinh tế đầy tham vọng khiến chỉ sau mấy thập niên, Hàn Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ và trở thành con hổ châu Á. Noi gương cha, với chính sách hỗ trợ lao động, chương trình “Kế hoạch 3 năm đổi mới kinh tế” (2014-2017) của nữ Tổng thống Park Geun-hye được xem là phép màu thứ hai đưa kinh tế nước này phát triển trên một nền tảng vững chắc và mở ra một kỷ nguyên hạnh phúc cho người dân. Qua đó, việc hỗ trợ chăm sóc trẻ và thúc đẩy giờ làm theo hướng linh hoạt là giải pháp trung tâm để tăng cường sự tham gia hoạt động kinh tế của phụ nữ nước này. Chính quyền của bà đã duy trì chiến lược này, coi đó là chính sách hàng đầu của họ vì nữ quyền. Chính phủ khuyến khích các công ty thay đổi quy định và vị trí liên quan tới thăng tiến sự nghiệp của phụ nữ. Chính phủ còn mở rộng các chính sách hướng tới đối tượng lao động nữ như chính sách dung hòa gia đình và công việc, luật tạo môi trường thân thiện với gia đình, luật nuôi dạy con, chính sách về việc mở rộng các cơ sở nuôi dạy công lập, nuôi dạy miễn phí…
tong-thong-han-quoc-13.jpg
Bà Park Geun Hye quan tâm đến thế hệ trẻ
Ngoài ra, dưới thời bà Park, Hàn Quốc còn có các luật và kế hoạch cơ bản hỗ trợ nữ nông dân, nữ doanh nghiệp, đặt ra kế hoạch bồi dưỡng 100.000 nữ nhân tài trong tương lai trong giai đoạn 2013-2017. Bà Park còn hướng đến việc tạo dựng một mô hình tăng trưởng mới, lấy trọng tâm vào việc làm. Cơ sở cho tăng trưởng mới là dựa vào sự sáng tạo, khoa học và công nghệ và tạo ra các thị trường mới cho khu vực dịch vụ. Chính sách kinh tế của chính phủ là ưu tiên tạo việc làm, ngành công nghiệp phần mềm sẽ được nuôi dưỡng như là động cơ tăng trưởng tiếp theo, dẫn tới cơ sở hạ tầng mới được xây dựng cho một nền kinh tế sáng tạo. Từ năm 2015 đến 2017, Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu tạo thêm 200.000 việc làm mới cho thanh niên. 

Đường lối ngoại giao của Tổng thống Park Geun-hye tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực kinh tế và an ninh. Nhờ đó, Hàn Quốc đã củng cố vững chắc hơn sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế đối với các chính sách về an ninh cũng như thống nhất bán đảo. Còn về kinh tế, Hàn Quốc đã hoàn thành đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với một loạt nước như Trung Quốc, New Zealand, Việt Nam…, mở rộng thêm “lãnh thổ kinh tế FTA”, tức Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc cộng với GDP của các nước đối tác FTA.
 
Công danh sụp đổ trong đau đớn, ê chề
 
Tuy nhiên, bê bối chính trị đã đẩy người phụ nữ quyền lực này xuống “vực thẳm”. Năm 2016, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye phải đối mặt với vụ bê bối chính trị nghiêm trọng Choigate làm tê liệt quốc gia, đẩy “xứ sở Kim chi” rơi vào tình trạng khoảng trống lãnh đạo và bất ổn. Bà Choi Soon-sil, người bạn thân lâu năm của Tổng thống Park, dù không giữ chức vụ nào trong chính quyền những đã can thiệp vào các công việc nhà nước.
tong-thong-han-quoc-4.jpg
Người bạn thân Choi Soon-sil (phải) đã khiến bà Park Geun-hye “thân bại danh liệt”
Với việc cả bố và mẹ đều là nạn nhân của những cuộc bạo loạn chính trị, bà Park phải tự mình dấn thân vào chính trường - nơi bà cũng bị tấn công một cách bạo lực. Khuôn mặt bà từng bị rạch nhiều đến nỗi cần đến 60 mũi khâu. Ngoài xuất thân đặc biệt này, bà Park không kết hôn, không có gia đình kề bên làm điểm tựa. Điều này, trong bất cứ tình huống nào cũng khiến công việc của bà Park trở nên khó khăn và đơn độc trong Nhà Xanh. Nhiều người đặt câu hỏi liệu đây có phải là lý do khiến bà lệ thuộc vào Choi Soon-sil quá mức?
 
Bà Park cũng bị cáo buộc đã đồng lõa với bà Choi trong việc nhận 38 tỷ USD từ Samsung, cho rằng hai người “chia nhau lợi ích kinh tế”. Bà Choi còn bị buộc tội gây áp lực với tập đoàn Hyundai Motors, công ty viễn thông KT ký hợp đồng quảng cáo trị giá 6 triệu USD và 5,7 triệu USD với công ty quảng cáo Playground do bà ta điều hành. 
tong-thong-han-quoc-10.jpg
Park Geun-hye phải đối mặt với người biểu tình đòi phế truất bà suốt nhiều tháng qua
Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Vụ bê bối liên quan bà Choi Soon-sil khiến Tổng thống Park tả tơi. Việc thực hiện nhiều sáng kiến chủ chốt của bà Park đã đột ngột phải tạm dừng, trong đó có chương trình cải cách lao động đầy tham vọng, kế hoạch tái cơ cấu công nghiệp và tái thiết kinh tế cũng như việc bổ nhiệm lãnh đạo nhiều tổ chức nhà nước. Hứng chịu tác động mạnh nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan được xác định đã cung cấp hỗ trợ tài chính và quản lý cho hai tổ chức văn hóa và thể thao được lập ra để làm quỹ đen của bà Choi. Cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét cáo buộc chính quyền bà Park cho những người mà họ gọi là "nhân vật bất đồng chính kiến trong lĩnh vực văn hóa" vào danh sách đen. Sau khi danh sách đen gây nên làn sóng phản đối trong Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, bà Park được cho là đã gây sức ép buộc lãnh đạo bộ này cách chức những người chống đối. 7 quan chức cấp cao, bao gồm cựu Chánh văn phòng tổng thống Kim Ki Choon và cựu Bộ trưởng Văn hóa Cho Yoon Sun, bị truy tố trong vụ việc.
tong-thong-han-quoc-8.jpg
Cô đơn vây bủa cuộc đời bà Park Geun-hye
Ngày 10/3, bà Park Geun-hye chính thức bị phế truất, sau 92 ngày kể từ khi quốc hội nước này thông qua quyết định luận tội ngày 9/12/2/2016.  Theo các chuyên gia pháp lý, phán quyết này khiến bà Park phải trả một cái giá rất đắt về sinh mệnh chính trị của mình. Do bị phế truất, bà Park không còn quyền miễn trừ, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như một công dân bình thường. Các công tố viên Hàn Quốc đã chuẩn bị tổng cộng 13 cáo trạng nhắm vào bà, trong đó có hành vi lạm dụng quyền lực, ép buộc gây quỹ và tiết lộ bí mật quốc gia. Ngoài ra, bà Park còn bị cáo buộc tội xao nhãng nhiệm vụ bảo vệ công dân trong vụ chìm phà năm 2014 làm hơn 300 người thiệt mạng, chủ yếu là học sinh cấp 3. 
tong-thong-han-quoc-1.jpg
Bê bối khiến bà Park phải kết thúc sự nghiệp chính trị

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm