pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dị ứng thời tiết có phòng ngừa được không?
Dị ứng thời tiết có thể diễn ra quanh năm, nhưng khi thời tiết thay đổi thất thường, đặc biệt nhiệt độ dao động lớn sẽ gây tình trạng này. Vậy dị ứng thời tiết có thể phòng tránh như thế nào?
1. Tìm hiểu về dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết xảy ra khi cơ thể phản ứng thái quá đối với các tác nhân bên ngoài môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, phấn hoá, ánh sáng… trong đó việc sản sinh Histamin là cơ chế hoạt động quan trọng của hệ miễn dịch làm ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng này. Thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh dễ gây ra tình trạng dị ứng này, nhất là trong giai đoạn giao mùa.
Hơn nữa, cơ thể yếu do sức đề kháng suy giảm cũng là khiến virus dễ tấn công, gây ra dị ứng, bùng phát mạnh và tiến triển dai dẳng.
Ai cũng có thể bị dị ứng với thời tiết nhưng thông thường, dị ứng khởi phát ở người lớn bắt đầu ở độ tuổi 20 - 40 và hiếm khi xảy ra trong những năm sau đó.
Dị ứng thời tiết gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng đời sống như: phát ban, nổi mề đay, ngứa ngáy, chàm, viêm mũi dị ứng…
Dị ứng thời tiết thường sẽ không nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ chuyển sang giai đoạn dị ứng thời tiết mãn tính gây nguy hiểm cho cơ thể với các biểu hiện phù nề, nhiễm trùng da, tụt huyết áp, sốc phản vệ.
2. Dị ứng thời tiết có phòng tránh được không?
Dị ứng thời tiết là tình trạng phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, nhất là thời tiết. Nhưng bạn cũng có thể phòng tránh dị ứng thời tiết bằng những cách sau:
- Tăng cường hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch suy yếu làm cho các vi khuẩn, virus dễ tấn công, làm tăng khả năng bị dị ứng thời tiết. Vì vậy, các bạn nên xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học:
Lối sống: Thường xuyên tập thể dục như chạy bộ, yoga, bơi lội… vận động, ngủ sớm.
Chế độ ăn uống: Nên bổ sung những thực phẩm nhiều vitamin B1, B2, B6, C như rau xanh, trái cây, các loại hạt… uống 2 lít nước mỗi ngày để điều hòa cơ thể.
- Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh
Dị ứng thời tiết thường xảy ra khi cơ thể chịu sự thay đổi nhiệt độ bất ngờ. Do đó, cần giữ nhiệt độ cơ thể ở mức ổn định, tránh thay đổi nhiệt độ môi trường một cách đột ngột và liên tục.
Khi thời tiết chuyển từ nóng ẩm sang lạnh, bạn nên lựa chọn trang phục có chất liệu thấm hút mồ hôi tốt, rộng rãi thoải mái để giữ da luôn khô thoáng. Còn nếu nhiệt độ trở lạnh thất thường hoặc vào mùa đông kéo dài, bạn có thể mặc những bộ đồ dày hạn chế tình trạng thoát hơi nước trên da và giữ ấm cơ thể.
Tránh hút thuốc, dùng đồ uống có cồn, tiếp xúc với khói bụi và phấn hoa vì đây là những yếu tố nguy cơ cho bệnh dị ứng khởi phát.
3. Chăm sóc cho người bị dị ứng thời tiết
- Bổ sung vitamin C
Vitamin C hạn chế những phản ứng miễn dịch gây ra bởi Histamin, tăng sức đề kháng và giúp làm giảm tình trạng dị ứng thời tiết nhanh hơn. Một số thực phẩm giàu vitamin C như ổi, ớt chuông, hoa quả họ cam, quýt, súp lơ…
- Uống nước mật ong
Mật ong có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, cải thiện sức đề kháng cơ thể, hạn chế sự tấn công của các yếu tố gây kích ứng trên da. Do đó, khi thấy xuất hiện tình trạng dị ứng, bạn có thể thưởng thức một ly mật ong ấm.
- Hạn chế một số thực phẩm
Mồ hôi, đồ uống có cồn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ngứa. Vì vậy, nên giữ cơ thể khô ráo, không sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích. Ngoài ra, cũng nên hạn chế những thực phẩm như cá, sô cô la, cà chua và thịt đã qua chế biến.
Để giảm bớt tình trạng viêm nhiễm, bạn có thể mặc quần áo rộng rãi, sử dụng xà phòng nhẹ và tắm bằng nước lạnh.
- Hạn chế gãi
Dị ứng thời tiết thường kèm theo cảm giác ngứa ngáy nên người bệnh khó chịu, gãi ngứa liên tục. Điều này làm cho tình trạng ngứa không thuyên giảm mà còn tăng mức độ.
Nếu bạn bị ngứa nhiều, có thể áp dụng một số cách như sử dụng kem thoa, chườm lạnh, tắm lá thảo dược...
- Sử dụng thuốc
Khi tình trạng dị ứng gây khó chịu, ngứa ngáy nhiều, không thuyên giảm, bạn có thể sử dụng thuốc điều trị. Một số loại thuốc tây được dùng trong điều trị như:
Thuốc kháng Histamin. Đối với các triệu chứng bệnh thông thường, một số loại thuốc có thể dùng: Loratadin, Cetirizine...
Trong trường hợp bệnh nặng, có thể sử dụng thuốc kháng thụ thể H2 (cimetidin) hoặc sử dụng kết hợp thuốc kháng histamin và doxepin.
Muốn hạn chế các triệu chứng kéo dài của bệnh, hoặc phòng ngừa bệnh, nên sử dụng thuốc Corticoid.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả trong quá trình điều trị cũng như tránh tác dụng phụ của thuốc, các bạn cần đến cơ sở y tế thăm khám và dùng theo thuốc được kê đơn.
Nhìn chung, dị ứng thời tiết là tình trạng nhiều người gặp phải. Chúng ta có thể phòng tránh nhưng không hoàn toàn. Tuy nhiên, lối sống lành mạnh, tăng hệ miễn dịch, tránh xa những tác nhân có thể gây bệnh... giúp ngăn ngừa hoặc có thể cải thiện triệu chứng bệnh một cách hiệu quả.