pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đi xe ga, dùng túi hiệu, sao vẫn "tranh đồ" với người nghèo
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đất nước ta đang gồng mình với quyết tâm "chống dịch như chống giặc". Những chiến sĩ công an, bộ đội cụ Hồ dù phải nằm lán trại, ăn mì tôm để dành chỗ cho những người cách ly khuôn mặt vẫn rạng ngời nụ cười. Có biết bao giáo sư, bác sĩ... nhiều tuần nay đã không được gặp người thân...
Trong tình hình khó khăn ấy cũng là lúc tình người ở mảnh đất hình chữ S càng thêm đong đầy qua những hành động đẹp. Người dân động viên nhau cùng cố gắng chiến thắng đại dịch. Những chiếc khẩu trang được trao nhau trên phố đã trở thành hình ảnh đẹp trong mắt biết bao bạn bè quốc tế. Trên các góc phố là những điểm tặng thực phẩm cho người nghèo, người khó khăn do dịch bệnh.
“Ai cần đến lấy”, “Nếu khó khăn hãy nhận một phần thực phẩm mỗi ngày”, “Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”; “Không sợ hết, xin chỉ lấy đủ dùng, cùng chia sẻ để vượt qua dịch bệnh”... là những thông điệp giản dị gắn ở mỗi quầy. Những phần quà có khi là gạo, trứng, bột canh, cũng có thể là mì tôm, xúc xích...
Tại những điểm phát quà, mọi người vẫn tuân thủ các biện pháp đảm bảo an toàn như rửa tay, đeo khẩu trang và đứng cách nhau 2m. Những túi quà ấy đã giúp chị bán rau vượt qua ngày tháng khó khăn, giúp anh xe ôm phần nào đỡ gánh nặng trong mùa dịch.
Tuy nhiên đáng buồn thay, tại các điểm phát nhu yếu phẩm miễn phí dành cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đó lại xuất hiện cả những người đi xe tay ga, nhuộm tóc, ăn mặc lịch sự đến lấy đồ. Có người đi chợ về, trong túi nào những thịt cá rau củ đủ cả vẫn "tiện tay" nhấc túi gạo khi đi qua bàn.
Đây không phải lần đầu tiên xảy ra những hình ảnh xấu xí như vậy. Trước đó, khi một số nhóm từ thiện nảy ra sáng kiến đặt các tủ quần áo "0 đồng" trên các tuyến phố để người khó khăn có thể đến lấy, nhiều người có điều kiện thậm chí còn "canh" khi tủ có quần áo mới là tới nhặt hết đồ tốt.
Túi quà với những gói mì tôm, gạo hay trứng mà họ "tiện tay" lấy đó không có giá trị lớn, nhất là với những người có thể mua xe tay ga, túi hàng hiệu. Khi được hỏi, có người nói rằng họ lấy hộ quà cho người khó khăn ở gần nhà, có người thẳng thừng đáp "miễn phí thì lấy xem sao", người thì nhanh chân quay xe khi thấy ống kính lia đến.
Không ít người vẫn cho rằng hoạt động từ thiện chính là những gói quà trên trời rơi xuống, chẳng tội gì bỏ qua. Sự tham lam đã khiến họ từ bỏ lòng tự trọng để lấy những thứ vốn mình chẳng thiếu thốn gì. Có người khá giả còn cười lớn khoe từ tết đến giờ chẳng mất đồng nào mua gạo nhờ lấy được đồ từ thiện. Chẳng hay trong tâm họ có khi nào nghĩ rằng sự "tiện tay" ấy chính là "tranh đồ" với những người đang thực sự khó khăn.
“Nghèo nàn về vật chất dễ chữa, nghèo nàn về tâm hồn rất khó chữa”, Misen Êken Môngtenlơ.
Cái nghèo ở đây có thể là sự nghèo về vật chất, khi gánh nặng mỗi ngày là làm sao có thể lo cho gia đình, con cái bữa ăn đủ no; nghèo ở đây cũng có thể là nghèo về tinh thần, nghèo đạo đức, nghèo ý chí.
Người ta nói, thiếu thốn về vật chất không đáng sợ bởi suy cho cùng, vật chất chỉ là những yếu tố tồn tại ngoài con người. "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm", có sự nỗ lực, cố gắng, những bữa cơm sẽ dần thêm đủ đầy. Thế nhưng nghèo về tinh thần thì không như vậy.
Tinh thần là phạm trù bên trong của con người. Nếu như vật chất ta có thể dễ dàng nhìn thấy, sờ thấy thì tinh thần lại khó nhận biết hơn. Nó biểu hiện ra qua những thái độ, hành động, lời nói, đời sống nội tâm của mỗi người. Nghèo tinh thần đáng sợ bởi chẳng dễ gì để tác động, thay đổi.
Nghèo về tinh thần là khi tâm hồn con người không biết đến sự yêu thương, đồng cảm. Họ chẳng ngại cưỡi xe tay ga, đeo túi hàng hiệu vẫn thản nhiên lấy những túi quà vốn dành cho người nghèo vật chất.
Cảm xúc bị trơ lì, tâm hồn họ chẳng còn rung động trước những mảnh đời khó khăn, khiến họ đánh mất đi những ý nghĩa của cuộc sống. Trong khi biết bao người đang nhường cơm sẻ áo với mong muốn chung tay cùng nhau chiến thắng đại dịch, họ lại ích kỷ vì những thứ vật chất tầm thường. Thế giới tinh thần vốn nghèo nàn càng trở nên thiếu thốn đến đáng thương.
Khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nếu không thực sự khó khăn, xin hãy để những túi quà đó được đến tay người thực sự cần. Đừng để những người làm từ thiện chạnh lòng khi thấy lòng tốt của mình bị lợi dụng, hãy để thế hệ sau có được bài học vô giá khi nhắc đến dịch COVID-19, có thêm nhiều niềm tin trong cuộc sống.