Địa chỉ mới để người dân Sài Gòn dâng hương dịp Giỗ tổ Hùng Vương

11/04/2019 - 19:44
Đây là Quảng trường Hùng Vương, một quần thể kiến trúc được đặt trong khuôn viên vườn hoa Nam tú Thượng uyển của Công viên Văn hóa Đầm Sen – Tp.HCM. Trung tâm của Quảng trường có khu vực dâng hương với tượng Vua Hùng cao 1,7m, đặt trên bệ đá cao 0,8m.
Thông tin từ Công viên Văn hóa Đầm Sen cho biết, đúng ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm nay (10/3 âm lịch), nhằm ngày chủ nhật - 14/4/2019, Quảng trường Vua Hùng sẽ chính thức ra mắt, phục vụ nhu cầu dâng hương trong ngày Quốc giỗ Hùng Vương của người dân thành phố và các tỉnh lân cận khi đến tham quan, vui chơi tại Công viên Văn hóa Đầm Sen.
 
dam-sen-7.jpg
Quảng trường Vua Hùng sẽ chính thức ra mắt người dân đúng vào ngày Quốc giỗ (10/3 âm lịch, nhằm ngày 14/4/2019) tại CVVH Đầm Sen - Tp.HCM
 
Quảng trường Vua Hùng là một quần thể kiến trúc đặt trong vườn Nam tú Thượng uyển của Công viên Văn hóa Đầm Sen với diện tích gần 1.000 m2, bao gồm sân hành lễ, khu vực thang rồng và trên cùng là khu vực dâng hương được thiết kế với 3 đền thờ. Trong đó, khu vực trung tâm là chánh điện với tượng Vua Hùng cao 1,7 m, làm bằng chất liệu composite phủ đồng, đặt trên bệ đá 0,8 m.
 
dam-sen-6.jpg
Bức tượng Vua Hùng được đặt trên cao nhất. Mặt tượng nhìn thẳng thể hiện sự tôn nghiêm. Tay phải nắm chùm bông lúa. 
Bức tượng Vua Hùng tại Đầm Sen được điêu khắc gia Phạm Văn Út thực hiện. Tác giả đã xây dựng bố cục vua Hùng ngồi trên ngai, cách điệu từ hoa văn trống đồng. Mặt tượng nhìn thẳng thể hiện sự tôn nghiêm. Tay phải nắm chùm bông lúa, tay trái để tự nhiên trong tư thế ngồi trao đổi với các Lạc tướng, Lạc hầu. Các hoa văn trang trí trên bộ trang phục, được lấy cảm hứng từ đường nét của nền văn hóa Đông Sơn. Đặc biệt là hoa văn trên trống đồng Ngọc Lũ.

Điêu khắc gia Phạm Văn Út cho biết, đây là bức tượng thể hiện được một vị anh hùng khai quốc, sinh dân. Đồng thời cũng là một minh chứng lịch sử giúp con cháu người Việt nhớ đến công lao dựng nước và giữ nước của các vua Hùng. Hình ảnh vua Hùng nắm trên tay bông lúa đề cao nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt, cho con cháu đời sau phải gìn giữ và tôn vinh.
 Tại khu vực dâng hương, 2 bên tượng Vua Hùng còn có đền thờ đức thánh Trần - Hưng Đạo Đại Vương, người có công lớn trong  2 cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông (năm 1285 và 1288). Bên trái là đền thờ Hai Bà Trưng  - hai nữ anh hùng dân tộc đầu tiên của đất nước đã phất cờ khởi nghĩa chống giặc Đông Hán, lập ra một quốc gia với kinh đô đóng tại Mê Linh.
 
dam-sen-5.jpg
Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất để phục vụ nhu cầu dâng hương của người dân trong dịp Quốc giỗ năm nay  
Bên cạnh đó cảnh quan của khuôn viên khu đền thờ Vua Hùng tại Đầm Sen cũng được cải tạo với cây xanh bóng mát, để du khách có thể đến đây hành lễ. 
Lễ giỗ Tổ Hùng Vương sẽ chính thức bắt đầu lúc 8 giờ ngày 14/4/2019 tại Quảng trường Vua Hùng gồm các nghi thức: biểu diễn cờ người, dân đăng, tế văn, tế võ, dâng lễ vật, dâng hương…
 
dam-sen-2.jpg
Hình ảnh người dân dâng lễ vật trong dịp giỗ tổ Vua Hùng (hình tư liệu)
 
Nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi của người dân trong dịp Quốc giỗ năm nay, CVVH Đầm Sen đã xây dựng kế hoạch phục vụ với nhiều tiết mục văn hóa văn nghệ hấp dẫn: Hội thi gói và nấu bánh chưng “Hướng về đất tổ”, Hội thi làm bánh dân gian 3 miền, biểu diễn võ nhạc, các hoạt cảnh tái hiện hình ảnh Vua Hùng, các chương trình ca múa nhạc diễn ra xuyên suốt trong các ngày 13, 14 và 15/4/2019.
 
dam-sen-3.jpg
Biểu diễn võ thuật
 
dam-sen-8.jpg
Thi gói và nấu bánh chưng
 
dam-sen-4.jpg
Các hoạt cảnh tái hiện hình ảnh uy nghiêm của Vua Hùng tài Đầm Sen 
Đặc biệt, sau khi hoàn tất nghi thức cúng Quốc Tổ, 3.000 chiếc bánh chưng được gói tại các hội thi sẽ được tặng cho du khách tham dự và trẻ em các nhà mở, mái ấm trên địa bàn Tp.HCM như một cách để mọi người được đón nhận lộc Tổ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm