Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: "Mọi bà mẹ đều có thể viết sách cho con"

03/06/2017 - 08:45
Lần đầu tiên, Nguyễn Lệ Chi xuất hiện trong vai trò tác giả chứ không phải dịch giả, với tác phẩm Bụng Phệ nhanh chân, do NXB Kim Đồng ấn hành. PNVN đã có cuộc trò chuyện với chị trước buổi giao lưu & ra mắt sách vào sáng 3/6 tại Đường Sách TPHCM.
mockup-bungphe-3.jpg

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi ra sách, nhưng không phải là sách dịch như bạn đọc vẫn quen, là điều khá bất ngờ. Chị đã chuẩn bị tâm thế như thế nào để bước vào thế giới chữ với câu chuyện hoàn toàn là của mình?

Thực ra, cuốn Bụng Phệ nhanh chân là một tập hợp các câu chuyện mà tôi viết về Bụng Phệ - con gái mình từ rất lâu. Việc viết lại những câu chuyện về con mình là việc làm diễn ra tự nhiên hàng ngày, nên không cần gì phải chuẩn bị tâm thế để viết lách cả. Tôi chỉ muốn ghi lại những câu chuyện, lời nói của con trẻ và cách nhìn nhận, ứng xử của mình hoặc của những người lớn khác tại thời điểm đó, để từ đó khi có thời gian đọc lại, mình sẽ thêm hiểu con hơn, và con sau này đọc lại cũng gợi nhớ lại những quãng thời gian thơ ấu tươi đẹp và sinh động.

Nguyễn Lệ Chi thuận tay ở các tác phẩm dịch về điện ảnh, như chuyên ngành chị được đào tạo (Thạc sĩ Điện ảnh, học viện Điện ảnh Bắc Kinh), hoặc các sáng tác văn chương dành cho tuổi trẻ, chứ không phải thiếu nhi. Nhưng tác phẩm sáng tác đầu tay lại là cho thiếu nhi. Với chị, có vẻ như “thuận tay” chưa hẳn bằng “thuận tâm”?

Thực ra, tôi không có dự định gì lớn về việc sáng tác văn, lại càng không chủ định sẽ viết gì. Tất cả đến với tôi nhẹ nhàng và dễ chịu. Điều này khiến tôi càng cảm nhận được sâu sắc về việc chỉ nên viết khi hoàn toàn tâm trí mình mong muốn điều đó. Và điều cốt yếu nhất là mình có thể viết lại những gì mình thực sự đã trải nghiệm qua.

Tuy nhiên, cũng chính từ cuốn sách này, tôi và con gái lại nảy ra ý tưởng hào hứng viết tiếp các cuốn sách thiếu nhi khác. Trước hết, tôi ưu tiên làm trợ lý cho Bụng Phệ, đánh máy lại các câu chuyện mà bé tự kể hàng tối cho mẹ nghe. Mỗi câu chuyện mà con tự bịa ra thật buồn cười kinh khủng, nhưng cũng ẩn chứa nhiều triết lý sống đơn giản mà đúng đến bất ngờ. Hiện bé rất hào hứng về điều này nên tôi dành thời gian giúp con trước.

“Bụng Phệ nhanh chân”, cái tên khơi dậy trí tò mò, vì không theo logic thông thường. Và thực tế, trong tác phẩm có khá nhiều chi tiết hài hước. Chị có thể kể qua về một ngày của 2 mẹ con Bụng Phệ? Liệu có bao nhiêu phần trăm giống như trong sách?

Tất cả nội dung trong sách đều thật 100%. Tôi muốn những ký ức đẹp về tuổi thơ của con phải là những ký ức thật, là những điều con từng trải qua, từng buồn vui, từng háo hức, từng thất vọng. Ai lại vay mượn cảm xúc hộ cho các ký ức của con mình bao giờ, để nó đẹp hơn chăng? Tôi nghĩ rằng con gái mình cũng không mong muốn điều đó. Tôi và bé chỉ muốn con sống đúng với những gì có thật trong cuộc sống của con mình.

Một ngày của hai mẹ con Bụng Phệ cũng tương tự trong sách, bận rộn điên cuồng. Sáng ra, mẹ hối hả đưa con đi học, rồi đi làm, sau giờ làm, đưa con về và đưa con đi học các lớp chuyên môn như cờ vua, học vẽ hoặc piano… Cuối tuần, hai mẹ con sẽ xếp lịch đi xem phim hoặc đi xem kịch chung, hoặc shopping, đi café cùng nhau chẳng hạn.

lechi-6.jpg

Mới đây không lâu là bộ ba “SuSu và GoGo” của nhà văn Dương Thụy, và giờ là “Bụng Phệ nhanh chân” của Nguyễn Lệ Chi, tôi hình dung là mọi bà mẹ đều có thể viết sách. Theo chị, để viết sách, các bà mẹ cần hội tụ những yếu tố gì?

Để mỗi bà mẹ đều có thể viết sách về con, trước tiên hãy dành nhiều thời gian cho con mình để chơi cùng con, sống cùng con nhiều hơn. Ngoài việc lo lắng cơm no áo mặc cho con, mỗi đứa trẻ hiện đại giờ đây còn cần có đời sống tinh thần đầy đủ và lành mạnh, hiểu được về xã hội nó đang sống, và trang bị được nhiều kỹ năng kiến thức và nghệ thuật nhằm thuận lợi hội nhập được quốc tế sau này. Tất nhiên, các con chỉ đi được đúng hướng, hấp thu được những yếu tố tích cực khi được bố mẹ dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc và định hướng đúng đường.

Hãy khuyến khích con mạnh dạn thử sức với những sở thích cá nhân, mặc dù chúng có vẻ rất kỳ lạ với bạn hoặc với đa số các bé khác. Chẳng hạn, con gái lại thích đá banh hoặc học võ… Mọi việc nên thuận theo cá tính và sở thích của con trẻ, cũng không gò bó hoặc ép buộc con làm những điều con không thích.

Ngoài ra, việc ghi chép, viết sách cho con mình đòi hỏi sự chân thực và cái nhìn khách quan của mỗi bà mẹ. Và tốt nhất cũng đừng phải bận tâm về việc bạn phải viết câu cú ra sao, từ ngữ vậy đã hay hay chưa. Cứ chân thành viết lại những gì mà bạn và con bạn đã trải qua. Bởi xét cho cùng, mọi sự chân thành và niềm yêu thương thực sự mới có thể viết nên những điều gì đó thực sự đáng giá và trân quý, chí ít thì cũng là đối với bạn và con cái bạn.

Đọc “Bụng Phệ nhanh chân”, cảm nhận được rằng, chăm sóc một đứa trẻ thông minh và hiếu động có lẽ khá vất vả, nhưng mà vui. Chị có thể chia sẻ với các bậc phụ huynh về vấn đề này?

Thực ra, Bụng Phệ cũng giống như phần lớn trẻ em thành phố hiện nay, luôn được gia đình chăm sóc đầy đủ và nỗ lực đáp ứng mọi sở thích. Thế nhưng điều quan trọng đối với quá trình hình thành nhân cách, tính nết và lối sống của một đứa trẻ còn đòi hỏi bố mẹ phải bỏ nhiều công sức và thời gian. Bạn phải tập nói “Không” với con và tránh mềm lòng trước những lần con khóc lóc, nài nỉ khi đòi mua hoặc chơi những thứ mà bạn thấy chưa bổ ích.

Hãy hướng con vào các hoạt động có lợi cho sức khỏe, rèn luyện trí óc hoặc tăng cường cảm thụ nghệ thuật. Và điều quan trọng là hãy đồng hành cùng con trong mọi hoạt động vui chơi, học tập, để con luôn cảm nhận thấy mẹ mình là người bạn thân thiết và tin tưởng, sẵn sang cởi lòng thổ lộ và chia sẻ mọi thứ.

Khi làm cùng với nhau nhiều điều, những vất vả sẽ vơi đi rất nhiều. Hãy xác định việc chơi và học cùng con như một sự tận hưởng những ngày tháng thơ ấu ngọt ngào bên nhau, bạn sẽ cảm thấy mình thật may mắn đến dường nào.

mockup-bungphe.jpg

Theo từng trang sách, nhân vật Bụng Phệ 5 tuổi bắt đầu hình thành dần tình yêu với động vật, ý thức về giới tính, tình thương yêu trong gia đình, biết nhận thức về đúng sai, luôn ý thức không ngừng mình đã lớn, rồi cập nhật internet, thậm chí cả định hướng nghề nghiệp. Có thể nói tác phẩm không đơn thuần là văn học mà còn giúp hình thành kĩ năng sống rất rõ. Khi viết chị có chủ động hướng ngòi bút tới điều này, hay hoàn toàn là sự ngẫu nhiên?

Không, tất cả những điều này đều là ngẫu nhiên, nhưng đồng thời cũng có thể giúp các bà mẹ giật mình nhìn lại để thấy rằng con trẻ thời nay đã lớn hơn rất nhiều, và hoàn toàn không tồ tệch như lứa chúng ta trước kia. Có rất nhiều điều như vấn đề giới tính, xâm hại tình dục…, chúng ta cần giúp con cái hiểu rõ để tránh xảy ra những điều không hay. Đừng nghĩ rằng con nít chưa hiểu gì hết. Có nhiều thứ, chúng hiểu biết nhiều tới mức khiến chúng ta phải giật mình, có điều các con có chịu trò chuyện, nói thật và nói hết với mẹ mình hay không mà thôi.

 

Nguyễn Lệ Chi được biết đến là một trong những dịch giả tiếng Trung và tiếng Anh. Chị đặc biệt thành công với dòng văn học Trung Quốc đương đại. Hàng loạt tác phẩm của An Ni Bảo Bối, Vệ Tuệ, Tranh Tử, và sách thuộc thể loại artbook, báo chí – điện ảnh được Nguyễn Lệ Chi chuyển ngữ qua tiếng Việt, tạo dấu ấn riêng trong thị trường sách những năm vừa qua.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm