Dịch vụ cắt tóc, gội đầu, giặt là… phải nộp thuế 7%: “Cần xem xét bối cảnh áp dụng”

Hà Khê – Nguyễn Long
29/06/2021 - 11:31
Dịch vụ cắt tóc, gội đầu, giặt là… phải nộp thuế 7%: “Cần xem xét bối cảnh áp dụng”

Từ ngày 1/8/2021, các dịch vụ như cắt tóc, giặt là... sẽ phải nộp thuế 7%. Ảnh minh họa

Đó là chia sẻ của một số chuyên gia về việc thực hiện nội dung này trong Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2021. Theo đó, các dịch vụ như may đo, giặt là; cắt tóc, làm đầu, gội đầu… nằm trong danh sách chịu 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân. Việc tính 7% thuế không phải là mới nhưng vấn đề khiến nhiều người quan tâm chính là bối cảnh áp dụng khi các hộ kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
"Cả tháng không làm ra được đồng nào thì tiền đâu để đóng thuế?"

Chị Nguyễn Thị Quỳnh (32 tuổi, quê Hưng Yên) thuê mặt bằng tại quận Hà Đông (Hà Nội) vừa để ở, vừa để mở tiệm làm tóc gần 4 năm nay, với giá 8 triệu đồng/tháng. Chồng chị Quỳnh làm xe ôm công nghệ. Sau 8 năm kết hôn, vợ chồng chị sinh được 2 đứa con, đứa lớn năm nay lên lớp 2, đứa nhỏ lớp 1. Trước đây, hàng tháng trừ tiền thuê nhà, sinh hoạt phí, vợ chồng chị cũng gửi về quê được một khoản tiền nhỏ. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, công việc của cả 2 vợ chồng chị đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chắt chiu lắm họ mới đủ tiền sinh hoạt, không còn tiền gửi về quê hỗ trợ bố mẹ nữa. "Cuối năm ngoái, vợ chồng tôi làm ăn được, nên mua cái xe máy 45 triệu đồng nhưng ra Tết, dịch tái bùng phát. Tiệm làm tóc phải đóng cửa. Chồng tôi cũng ít việc hơn. Kinh tế khó khăn nên tôi phải nợ tiền thuê nhà vài tháng trời. Chiếc xe vừa mua cũng phải bán đi để lấy tiền trang trải cuộc sống", chị Quỳnh kể.

Chị Quỳnh cho biết, từ Tết đến nay, vợ chồng chị phải gửi cả 2 con về quê nhờ ông bà chăm sóc còn vợ chồng chị cố gắng bám trụ ở Hà Nội, kiếm được đồng nào hay đồng đó. Về quê bây giờ họ không biết làm gì hơn. "Bình thường nuôi 2 đứa con đã chật vật lắm rồi, tháng nào cũng đắp bên này, vá bên kia, nhất là khi con đến kỳ đóng tiền học. Xoay xở đủ kiểu mới sống được ở Hà Nội. Hơn 1 tháng nay, ngày nào 2 vợ chồng cũng đau đầu chuyện "cơm áo gạo tiền", đến ăn còn chưa đủ thì tiền đâu mà đóng thuế", chị Quỳnh ngao ngán nói.

Chị Lê Thị Hoan (38 tuổi, quê Thanh Hóa), chủ một tiệm cắt tóc, gội đầu trên đường Mễ Trì (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), cho biết, gần 2 năm nay, do tác động của dịch Covid-19, tiệm của chị hoạt động cầm chừng. Tuy vậy, hàng tháng, chị vẫn phải chi một số tiền khá lớn bao gồm tiền mặt bằng, điện, nước, khoảng 10 triệu đồng/tháng. Khi chúng tôi đề cập đến mức thuế phải đóng, chị Hoan chỉ xua tay cười: "Cả tháng trời chưa làm ra được một nghìn nào thì tiền đâu mà đóng thuế. Cái quan trọng nhất bây giờ là người dân cần phải đoàn kết, chung tay cùng Chính phủ, sớm dập được dịch, ổn định cuộc sống trước đã. Nếu làm ăn được thì mới có tiền đóng thuế chứ".

Đến đầu tháng 7 này, gia đình chị phải đóng tiền nhà cho 3 tháng tiếp theo. "Quán vừa được phép hoạt động trở lại nhưng ngồi từ sáng đến tối chỉ có vài người khách thì đáng gì, chỉ đủ để gia đình ăn uống hàng ngày. Cứ tình trạng này thì chưa cần phải đợi đến lúc đóng thuế, có lẽ vợ chồng, con cái cũng khăn gói về quê thôi", chị Hoan thở dài.

"Nên xem xét lại thời điểm"

Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hiệu lực từ ngày 1/8/2021. Theo Thông tư 40/2021/TT-BTC, các dịch vụ như cắt tóc, gội đầu, giặt là... sẽ tính thuế 7%. Việc thông tin này khiến nhiều người lầm tưởng và đặt câu hỏi, vì sao trong bối cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh Covid-19 mà lại "đẻ" ra thuế mới?

Tổng cục Thuế đã lên tiếng giải thích rõ hơn một số nội dung liên quan đến Thông tư 40/2021/TT-BTC. Theo Tổng cục Thuế, quy định tại điểm 2, phụ lục 01 - Danh mục ngành nghề tính thuế GTGT, thuế TNCN theo tỉ lệ % trên doanh thu đối với cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính, mức thuế GTGT 5% và thuế TNCN 2% áp dụng đối với hộ và cá nhân kinh doanh các dịch vụ tắm hơi, massage, karaoke, internet, may đo, giặt là, cắt tóc... Như vậy, nội dung này đã được áp dụng từ năm 2015. Đến nay, theo hướng dẫn tại Thông tư 40/2021/TT-BTC không sửa đổi nội dung này.

Theo Tổng cục Thuế, các hộ kinh doanh trong lĩnh vực này nếu đã được cơ quan thuế thông báo mức thuế khoán từ đầu năm, nếu trong năm có ngừng, tạm ngừng hoặc bị ảnh hưởng sụt giảm doanh thu do dịch bệnh thì cơ quan thuế sẽ thực hiện điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán theo thực tế. Tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC đã có hướng dẫn cụ thể về việc cơ quan thuế có trách nhiệm điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán trong trường hợp hộ khoán ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà không yêu cầu hộ kinh doanh thực hiện nhiều thủ tục hành chính như quy định trước đây tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC.

Dịch vụ cắt tóc, gội đầu, giặt là…  phải nộp thuế 7%: “Cần xem xét bối cảnh áp dụng” - Ảnh 2.

Tiệm cắt tóc tại Hà Nội được phép hoạt động lại nhưng vắng khách. Ảnh minh họa

Mặc dù cơ quan thuế đã có những giải thích về vấn đề này và việc tính 7% thuế không phải là mới nhưng nhiều người cho rằng cần xem xét lại thời điểm áp dụng Thông tư bởi những ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 đối với xã hội và các hộ kinh doanh.

PGS-TS.Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng, theo luật thì có hoạt động kinh doanh là phải đóng thuế. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các ngành dịch vụ như cắt tóc, karaoke, may đo, giặt là... bị ảnh hưởng khá lớn. Vì vậy nên xem xét lại thời điểm áp dụng thu thuế 7% (thuế GTGT và thuế TNCN) với các đối tượng này.

Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, không nên thực hiện Thông tư 40 vào thời điểm dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến các cá nhân, hộ kinh doanh. Số lượng này khá lớn, tới vài triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo luật sư Huy An, việc cần làm là giãn nộp thuế.

Mới đây, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế tiếp tục tăng cường các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế; giải đáp kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế, đặc biệt là việc cung cấp các dịch vụ thuế điện tử để cá nhân, hộ kinh doanh có thể khai, nộp và hoàn thuế điện tử thuận lợi. Ngoài ra, để giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế do tác động của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP. Theo đó, cá nhân cho thuê tài sản phát sinh thuế TNCN phải nộp trong năm 2021 sẽ chưa phải nộp thuế cho đến ngày 31/12/2021.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm