Điểm chuẩn ngành 'hot' ở nhiều trường ĐH giảm

14/08/2016 - 20:36
Sau khi kết thúc đợt đầu tiên đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ vào 12/8, nhiều trường ĐH đã nhanh chóng công bố điểm chuẩn. Không nằm ngoài dự đoán, nhiều ngành “hot” có điểm chuẩn giảm so với năm ngoái.
 Điểm chuẩn ở nhiều trường ĐH giảm nhẹ, các trường hy vọng có thể tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1 - Ảnh: Quý Trung.
Ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường ĐH Kinh tế quốc dân là ngành Kế toán với mức điểm 25,5 điểm, giảm nửa điểm so với năm 2015. Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết, mức giảm này đúng như dự đoán. Nếu chỉ tính riêng các ngành đã đào tạo từ trước thì ngành có điểm chuẩn thấp nhất năm nay là ngành Toán ứng dụng trong kinh tế với mức điểm 20,64. So với năm ngoái, ngành Toán ứng dụng trong kinh tế có mức điểm chuẩn giảm tới 2,5 điểm.

Với mức điểm chuẩn năm nay, trường hy vọng sẽ tuyển sinh đủ chỉ tiêu ngay trong đợt 1. Trong trường hợp thiếu ít thí sinh thì trường sẽ không tuyển sinh thêm đợt 2. “Nhóm GX (xét tuyển theo nhóm trường) tính điểm thực chứ không làm tròn, sau đó quy về thang điểm 10. Vì thế sau khi quy đổi tương đương thì điểm chuẩn sẽ không làm tròn theo quy tắc 0,25. Vì vậy, các mức điểm nói trên là mức điểm đã quy đổi tương đương” - ông Triệu cho biết.

Nhóm ngành y, dược cũng giảm điểm chuẩn so với 2015. Năm 2015, điểm chuẩn trúng vào ngành Y Đa khoa ĐH Y Hà Nội là 27,75. Năm nay, mức điểm chuẩn ngành này giảm nhẹ còn 27 điểm - vẫn là một trong những ngành có điểm chuẩn cao nhất. ĐH Y Dược Hải Phòng có điểm chuẩn là 25 điểm, trong khi điểm chuẩn năm ngoái là 25,5.

Điểm chuẩn vào Học viện Ngoại giao năm 2016, ngành Truyền thông quốc tế có điểm trúng tuyển cao nhất là 24,5 đối với khối D. Ngành Kinh tế quốc tế có điểm trúng tuyển khối A cao nhất là 25 điểm. Học viện Hành chính quốc gia có mức điểm dao động từ 19,5 - 24,5 điểm.

Không như các trường Y, dược với truyền thống lấy điểm cao chót vót, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chọn điểm chuẩn đầu vào là 18 điểm với hai ngành Y Đa khoa và Dược học. Đây là năm đầu tiên trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo mới hai ngành này. Mức điểm này còn thấp hơn so với mức 20 điểm theo dự kiến ban đầu của trường.

Với chỉ tiêu 400 sinh viên cho cả hai ngành được Bộ GĐ&ĐT cho phép tuyển sinh, hiện sau đợt đăng ký xét tuyển đợt I, trường mới chỉ nhận được hơn 100 bộ hồ sơ. Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường chưa tính đến phương án hạ điểm chuẩn thêm để tuyển đủ, điều này sẽ được Hội đồng tuyển sinh bàn bạc kỹ thêm. Tuy nhiên, trên tinh thần là có bao nhiêu nhà trường sẽ đào tạo bấy nhiêu.

Tháng 11/2015, Bộ GD&ĐT ra quyết định cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được phép đào tạo Y đa khoa, Dược học trình độ đại học. Quyết định này gây nhiều tranh cãi bởi một năm trước đó hai bộ Y tế, GD&ĐT thống nhất không cấp phép đào tạo ngành Y đa khoa, Dược học ở các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y dược.

Sau đợt thanh tra liên ngành cuối tháng 12/2015, trường đã bổ sung các yêu cầu về số lượng cán bộ, thiết bị đào tạo, phòng thí nghiệm… nên tháng 2/2016, trường được Bộ GD&ĐT giao 400 chỉ tiêu đào tạo Y đa khoa và Dược học.

* 5 ngày sau khi công bố kết quả, thí sinh trúng tuyển nhưng không nộp giấy báo kết quả thi thì xem như không nhập học.

* Nếu không trúng tuyển đợt này, thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào 3 đợt sau: Đợt 1, từ 21 đến 31/8, công bố kết quả trước ngày 4/9; đợt 2, từ 11 đến 21/9, công bố kết quả trước 23/9; đợt 3 sẽ do các trường chủ động thông báo lịch xét tuyển nguyện vọng bổ sung (nếu có).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm