Điểm danh 4 bộ phận cơ thể dễ gặp chấn thương khi bơi lội

Anh Dũng
24/08/2020 - 13:31
Điểm danh 4 bộ phận cơ thể dễ gặp chấn thương khi bơi lội
Bơi lội là bộ môn thể thao rất tốt cho sức khỏe thể chất. Tuy nhiên, nếu luyện tập không đúng cách dễ dẫn đến những chấn thương khi bơi lội ở 4 bộ phận cơ thể sau đây.

Bơi lội là một môn thể thao vô cùng tốt đối với sức khỏe. Hiệu ứng nổi của nước giúp nâng đỡ cơ thể, làm giảm các nguy cơ chấn thương.

Ngoài ra, bơi lội cũng là một phương pháp thủy trị liệu tuyệt vời đối với những bệnh nhân gặp vấn đề về xương khớp. Nhiều người nghĩ rằng bơi lội rất an toàn do tỷ lệ chấn thương thấp. Tuy nhiên, chấn thương khi bơi lội rất phổ biến và thường gặp ở một số bộ phận trên cơ thể như vai, hông, đầu gối và lưng.

1. Chấn thương ở vai khi bơi

Vai là bộ phận cơ thể dễ gặp chấn thương khi bơi lội nhất. Điều này là do các động tác bơi đòi hỏi rất nhiều chuyển động ở vai. Các động tác quạt tay khi bơi thường yêu cầu vai hoạt động một chiều và không luyện tập chiều ngược lại. Do vậy lâu dài sẽ dẫn đến lệch trong các nhóm cơ dẫn đến chấn thương.

Điểm danh 4 bộ phận cơ thể dễ gặp chấn thương khi bơi lội - Ảnh 2.

Vai là bộ phận cơ thể dễ gặp chấn thương khi bơi lội nhất (Ảnh: Internet)

Gân cơ trên vai hay có tên tiếng Anh là supraspinatus tendon cũng rất dễ gặp chấn thương khi bơi lội. Đây là một cơ nhỏ chạy từ đầu xương vai tới đầu cánh tay. Thực hiện các động tác bơi không đúng kỹ thuật cũng có khả năng dẫn đến tình trạng viêm ở cơ này.

2. Chấn thương ở xương sống

Trên thực tế, có rất nhiều người thường xuyên bơi lội bị đau lưng. Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, thoái hóa hoặc lệch đĩa đệm hay xảy ra ở những người thường xuyên bơi lội như các vận động viên. Những bệnh thường gặp nhất ở họ là thoái hóa đĩa đệm của đốt sống lưng cuối cùng và thoái hóa đốt sống cổ đầu tiên.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể là do bơi lội không đúng kỹ thuật. Nhiều người bơi với ngực nâng cao hơn mức cho phép, dẫn đến các cơ lưng thấp phải hoạt động quá mức. Từ đó dẫn đến xương sống phải chịu áp lực cao hơn.

Bên cạnh đó, một số người tham gia bơi lội cũng thở không đúng kỹ thuật, Họ thường ngẩng đầu quá cao và thở về phía trước. Do đó làm tăng tác động vào xương sống ở lưng. Để khắc phục tình trạng này, cần nhẹ nhàng xoay đầu sang một bên khi thở và không được nhấc đầu quá cao khỏi mặt nước.

Điểm danh 4 bộ phận cơ thể dễ gặp chấn thương khi bơi lội - Ảnh 3.

Ngẩng đầu quá cao cũng là nguyên nhân gây chấn thương xương sống (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, các động tác xoay, lật người khi bơi cũng có thể gây uốn cong cột sống. Về lâu dài có thể gây ra những chấn thương khá nguy hiểm ở vùng xương sống. Nếu có thể, hãy đưa đầu gối về phía ngực và hạn chế tối thiểu việc uốn cong cột sống khi xoay, lật người.

3. Chấn thương ở hông khi bơi

Các nhà khoa học đã nghiên cứu rằng, chấn thương cơ háng là phổ biến nhất trong số những chấn thương về hông khi bơi. Trên thực tế, có rất nhiều người bơi ếch không thể tham gia bơi lội tiếp do chấn thương ở háng và hông.

Những yếu tố nguy cơ dẫn đến chấn thương hông khi bơi là do các động tác đạp chân đẩy nước. Những lần đá chân rộng sẽ gia tăng nguy cơ mắc các chấn thương ở đầu gối và khớp háng. Vì vậy, người tập cần phải nghiêm túc thực hiện các động tác theo đúng kỹ thuật và thường xuyên thay đổi các kiểu bơi để hạn chế tối đa chấn thương ở vùng này.

4. Chấn thương ở đầu gối

Một chấn thương thường gặp nữa trong khi bơi ếch là đau đầu gối. Khi đạp chân để quạt nước, bạn có thể đã tác động một lực khá lớn lên các vùng cơ và khớp xung quanh đầu gối. Tuy nhiên nguyên nhân gây đau đầu gối chủ yếu là do gân xương bánh chè bị kích thích.

Các yếu tố nguy cơ của chấn thương ở đầu gối là do thực hiện sai kỹ thuật khi bơi ếch. Người bơi đá chân quá rộng dẫn đến đầu gối bị ảnh hưởng. Ngoài ra những cơn đau gặp ở phía trước của đầu gối có thể là do người bơi đã uốn cong đầu gối quá mức khi thực hiện động tác đạp chân ở kỹ thuật bơi ếch.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm