pnvnonline@phunuvietnam.vn
Văn hóa - giải trí
"Áo dài và Hoa": Điểm đến hấp dẫn tại Thủ đô Tết 2020
Sự kiện Xuân Canh Tý: Áo dài và Hoa sẽ diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Đây là năm thứ hai liên tiếp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mở ra không gian văn hóa, nghệ thuật và trải nghiệm dành cho du khách trong và ngoài nước vào dịp Tết Âm lịch. Báo PNVN đã trò chuyện với bà Nguyễn Hải Vân - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam xoay quanh sự kiện hứa hẹn nhiều hấp dẫn này:
- Thưa bà, hầu hết các bảo tàng đều đóng cửa vào dịp Tết, tại sao Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam vẫn hoạt động phục vụ khách tham quan với một sự kiện vô cùng đặc sắc?
Điều này xuất phát từ thực tiễn, những năm gần đây, cứ đến gần Tết chúng tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của các công ty du lịch hỏi bảo tàng có mở cửa ngày Tết không. Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam được xác định là một điểm đến của công chúng trong cũng như ngoài nước và chúng tôi muốn thực hiện một điều ý nghĩa cho công chúng, đặc biệt là những người Hà Nội gốc, sinh ra ở thủ đô từ nhiều đời, không có quê xa. Sau khi làm hết thủ tục đón năm mới, ông bà tổ tiên, họ có nhu cầu đi chơi. Chúng tôi muốn Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sẽ là một địa chỉ có điểm nhấn riêng để thu hút công chúng đến trải nghiệm, vui Tết hoặc hồi tưởng lại những cái Tết xưa.
- Triển lãm áo dài được coi là điểm nhấn của sự kiện "Xuân Canh Tý: Áo dài và Hoa". Có gì đặc biệt ở triển lãm này so với các trưng bày về áo dài khác, thưa bà?
Sự kiện Xuân Canh Tý: Áo dài và Hoa là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam của Hội LHPN Việt Nam trong năm 2020, bởi thế áo dài được coi là "linh hồn" của chương trình. Trước đó, đã có nhiều đơn vị, nhà thiết kế cũng như nhà sưu tập tổ chức trưng bày áo dài, nét khác biệt của chúng tôi là triển lãm với chủ đề Việt Nam, vóc dáng trường tồn.
Đây là triển lãm được kết hợp với NTK Lan Hương để giới thiệu sự ra đời và phát triển của áo dài - chiếc áo mang tính biểu tượng của người Việt. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng trưng bày những chiếc áo dài sưu tầm được từ những người dân, được họ may và sử dụng từ những năm 1950, 1960. Qua những chiếc áo đó, công chúng sẽ cảm nhận được sự thay đổi về chất liệu, kiểu dáng… của áo dài hàng chục năm trước.
Đặc biệt, triển lãm Việt Nam, vóc dáng trường tồn còn giới thiệu 6 bộ áo dài nghệ thuật làm từ hoa của nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng. Đây là lần đầu tiên bộ sưu tập này được giới thiệu với công chúng. Những chiếc áo dài làm từ hoa này sẽ mang tới cho người xem một góc nhìn đầy sáng tạo về tà áo dài Việt Nam.
- Được biết, công chúng sẽ được trải nghiệm kính thực tế ảo VR khi đến tham quan triển lãm. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?
Đây là lần đầu tiên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ứng dụng công nghệ trong việc khai thác di sản văn hóa cho công chúng. Phòng trải nghiệm sẽ đưa khách tham quan bước vào một thế giới ảo để trải nghiệm những cảm xúc văn hóa ấn tượng và chân thực nhất như: chiêm ngưỡng những cô gái Huế với áo dài truyền thống dạo bước trong những danh thắng bậc nhất của cố đô; ngắm 10 bức tranh Tết dân gian Đông Hồ qua công nghệ VR… Tôi nghĩ hoạt động này sẽ tăng thêm sự thú vị, mới mẻ cho công chúng, mang đến sự vui vẻ khi năm mới đến.
- Xin cảm ơn bà!