Điểm sáng từ mô hình “Phụ nữ phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO”

Hải Linh - Ảnh: PNHD
05/10/2023 - 18:41
Điểm sáng từ mô hình “Phụ nữ phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO”

Chế phẩm từ mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO” cải thiện môi trường sống ở xã Cẩm Văn đang được lan toả

Về xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương hôm nay, niềm tự hào hiện rõ trong lời nói, nét cười của người dân khi đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, đường hoa thắm sắc quanh làng.

Sự đổi thay môi trường sống bắt nguồn từ mô hình “Phụ nữ phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO” của Hội LHPN xã Cẩm Văn.

Lan toả thành công xử lý rác từ hộ gia đình này đến gia đình khác

Con đường bê tông trải nhựa phẳng lì, khang trang dẫn đến nhà chị Hà Thị Xuân, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn giữa trưa nắng thu bỗng toả bóng mát bởi cây cối và vạt hoa sắc hồng, tím 2 bên đường. Chị Hà Thị Xuân là một trong những người đi đầu của thôn Văn Thai thực hiện mô hình "Phụ nữ phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO" tại gia đình mình. Từ thành công phân loại và xử lý rác của gia đình chị Xuân, nhiều gia đình hội viên trong thôn đã lần lượt vào cuộc như gia đình bà Nghĩa, bà Hiền, bà Ghi, bà Đường… đều là những tuyên truyền viên tích cực về mô hình này.

Điểm sáng từ mô hình “Phụ nữ phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO” - Ảnh 1.

Đường về xã Cẩm Văn hôm nay khang trang, sạch đẹp có sự đóng góp rất lớn từ mô hình "Phụ nữ phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO"

"Thôn Văn Thai địa bàn rộng, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trồng rau màu. Bên cạnh đó, khu xử lý rác thải tập trung của xã gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi xác định muốn thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm quỹ đất chôn lấp và nâng cao ý thức người dân thì phải có kế hoạch về thu gom, phân loại và xử lý rác tại nguồn"- chị Nguyễn Thị Chi, Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Văn cho biết.

Ngay từ đầu năm 2023, khi Hội LHPN huyện Cẩm Giàng triển khai xây dựng mô hình "phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO" trên địa bàn huyện, Hội LHPN xã Cẩm Văn đã mạnh dạn đăng ký làm điểm và chọn thôn Văn Thai, với 30 thành viên nòng cốt làm điểm, chị Hà Thị Xuân là một trong những người đầu tiên tích cực thực hiện mô hình.

Điểm sáng từ mô hình “Phụ nữ phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO” - Ảnh 2.

Các loại rác hữu cơ được hội viên cho vào thùng ủ thành men vi sinh IMO để bón cây trồng, xử lý môi trường nước tù đọng tại gia đình, thôn xóm

Các thành viên đều được tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cách phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng vi sinh IMO, có cán bộ phụ trách theo nhóm: như nhóm trồng trọt; chăn nuôi; nuôi cá; trồng cây cảnh… "Chúng tôi thực hiện theo kiểu lan toả thành công từ hộ gia đình này đến gia đình khác. Cả 30 thành viên đều chuẩn bị 3 thùng rác ở nhà để tiện phân loại. Trong đó, 1 thùng đựng rác thải tái chế, 1 thùng đựng rác hữu cơ, thực phẩm dư thừa trong sinh hoạt hàng ngày (như cơm canh, rau củ rác, vỏ trái cây), và 1 thùng để loại rác không tiêu huỷ (như đồ sành, sứ, túi nilon…)" - Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Văn chia sẻ.

Thu hút thành viên nam giới tham gia vào mô hình thu gom rác

Theo chị Nguyễn Thị Chi: "Với thùng rác tái chế, chúng tôi ủng hộ cho mô hình "Ngôi nhà xanh" để bán gây quỹ ủng hộ cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của chi Hội đó. Với thùng rác hữu cơ (thường chiếm 60% số rác thải trong mỗi gia đình bao gồm: cơm canh thừa, vỏ rau củ quả, gốc rau, rơm, rau củ, quả hỏng, phân vật nuôi…) chúng tôi tạo thành men vi sinh IMO bằng cách, dùng các chế phẩm như cám gạo, men rượu, men tiêu hoá, sữa chua, đường nấu, chuối, nước, đem ủ từ 5 đến 7 ngày, sẽ tạo ra men vi sinh IMO (còn gọi là men gốc). Từ men gốc này, chi phí tạo ra men vi sinh IMO sẽ giảm đi nhiều cho những lần ủ men sau, chị em nhân bản thành men vi sinh IMO mới, chỉ cần có cám gạo và nước".

Điểm sáng từ mô hình “Phụ nữ phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO” - Ảnh 3.

Rác tái chế được ủng hộ cho mô hình "Ngôi nhà xanh" để bán gây quỹ ủng hộ cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Với mỗi hộ gia đình thành công với việc ủ men vi sinh từ rác, chi hội thôn đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cách làm, ứng dụng men vi sinh IMO qua hình ảnh, video, clip để giúp các thành viên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Các hộ gia đình đem men vi sinh ủ làm phân bón cho cây trồng, cải tạo đất, cải tạo môi trường nước tù đọng...

Sau 6 tháng triển khai thực hiện, chi hội thôn Văn Thai đã thu hút 122 thành viên tham gia mô hình, trong đó có 12 thành viên là nam giới. Đặc biệt, các hộ đều thành thạo sử dụng phân vi sinh IMO xử lý rác thải sinh hoạt; xử lý rác thải chăn nuôi, rác thải nông nghiệp; khử mùi chuồng trại, cống rãnh; làm sạch nguồn nước ao cá tại gia đình và địa phương.

Chia sẻ về mô hình "Phụ nữ phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO", ông Nguyễn Tiến Chức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cẩm Văn vui vẻ cho biết: Từ nhiều năm qua, Hội LHPN xã có nhiều hoạt động tích cực góp sức về đích nông thôn mới của địa phương năm 2016, chung tay cùng địa phương về đích nông thôn mới nâng cao năm 2020 và đang tích cực tiến về đích nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới. Mới đây, từ 122 thành viên thôn Văn Thai thực hiện mô hình thu gom rác thải sáng tạo, đến nay đã nhân rộng lên gần 200 hộ tham gia mô hình này tại xã.

Điểm sáng từ mô hình “Phụ nữ phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO” - Ảnh 4.

Men vi sinh IMO của Hội LHPN xã Cẩm Văn bước đầu xử lý được màu nước và mùi hôi thối tù đọng tại ao của xã nhà

"Chúng tôi thấy phương pháp phân loại, xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO của Hội LHPN rất sáng tạo, chị em có thể tự làm tại nhà, giá thành rẻ, không sử dụng chất hóa học nên rất an toàn cho con người và môi trường, cần tiếp tục được nhân rộng" - ông Nguyễn Tiến Chức nói.

Xử lý nghiêm các tổ chức, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt

Chị Mai Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cẩm Giàng, chia sẻ: "Ngay sau khi được đi học tập cùng với các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, bản thân tôi đã về thực hành ngay tại gia đình. Sau khi có kết quả tốt, Hội LHPN huyện đã tổ chức 1 lớp tập huấn cho 100 cán bộ Hội cơ sở".

Điểm sáng từ mô hình “Phụ nữ phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO” - Ảnh 5.

Cán bộ Hội LHPN xã tuyên truyền lan toả mô hình thu gom rác thải đến các hộ gia đình

Theo chị Mai Thị Thu Hương, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội LHPN các xã, thị trấn phân công cán bộ hội và hội viên nòng cốt tham gia làm trước tại hộ gia đình. Sau khi có kết quả phân công cán bộ hội mỗi tháng đến trực tiếp hướng dẫn từ 5 hộ trở lên về cách phân loại rác thải vô cơ, hữu cơ, cách làm vi sinh, cách nhân vi sinh IMO để các hộ tự phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại gia đình, giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường giữ gìn môi trường sạch sẽ từ trong thôn, xóm.  

"Để mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình đạt hiệu quả cao, Hội LHPN huyện Cẩm Giàng mong muốn: Hoạt động phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình phải bền vững, không làm theo phong trào, phải trở thành thói quen của người dân, phát huy được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Điểm sáng từ mô hình “Phụ nữ phân loại và xử lý rác hữu cơ bằng men vi sinh IMO” - Ảnh 6.

Từ việc phân loại rác thải, mô hình "Ngôi nhà xanh" đã hỗ trợ, tặng quà chia sẻ với nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn của các chi hội phụ nữ ở địa phương

Thực hiện xử lý nghiêm đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt; đặc biệt không tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đối với các hộ gia đình, cá nhân, địa phương không phân loại rác thải theo quy định.

Bên cạnh đó, nên có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình bằng chế phẩm vi sinh IMO; phát huy tốt vai trò của người có uy tín tại địa phương trong công tác bảo vệ môi trường.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm