Điểm sáng xây dựng nông thôn mới thông minh xã Giao Phong an toàn cho phụ nữ, trẻ em

PVH (thực hiện)
09/10/2023 - 14:17
Điểm sáng xây dựng nông thôn mới thông minh xã Giao Phong an toàn cho phụ nữ, trẻ em

Bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, thành viên Tổ Công tác về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, thăm mô hình nông thôn mới thông minh tại Lâm Phú, xã Giao Phong (Giao Thủy - Nam Định) tháng 5/2023. Ảnh: PVH

"Mô hình xã nông thôn mới thông minh Giao Phong" là một trong 9 mô hình trên cả nước trong danh mục mô hình thí điểm do Trung ương chỉ đạo thuộc Chương trình Chuyển đổi số, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025. Ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Giao Phong, huyện Giao Thủy (Nam Định), chia sẻ xoay quanh nội dung này.

- Xin ông cho biết những kết quả đạt được và những lợi ích cụ thể người dân được thụ hương trong việc triển khai thực hiện thí điểm xây dựng Mô hình nông thôn mới thông minh ở xã Giao Phong?

- Ông Phạm Văn Sơn: Cuối năm 2022, Giao Phong trở thành xã đầu tiên của huyện Giao Thủy và tỉnh Nam Định được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nổi trội về lĩnh vực giáo dục. Trên nền tảng này giúp xã tiếp tục thực hiện những mục tiêu, chỉ tiêu cao hơn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo.

Hiện nay, xóm Lâm Phú là một trong những điểm sáng của xã Giao Phong thực hiện thí điểm mô hình nông thôn mới trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào đời sống. Từ đầu làng tới cuối xóm, hệ thống camera an ninh đã phủ khắp, góp phần đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Hệ thống giám sát bằng hình ảnh này được truyền tải tập trung về hệ thống giám sát đặt tại nhà văn hóa, giúp lực lượng an ninh của thôn xóm nắm bắt được tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Điểm sáng xây dựng nông thôn mới thông minh xã Giao Phong an toàn cho phụ nữ, trẻ em - Ảnh 1.

Hình ảnh, dữ liệu từ camera an ninh giám sát ở các ngõ xóm, giúp đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em tại Lâm Phú, xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, Nam Định). Ảnh: PVH

Bên cạnh đó, gần như tất cả bà con nơi có điện thoại di động thông minh, có thể truy cập internet dễ dàng, bởi xã đã triển khai lắp đặt mạng wifi miễn phí ở 18 điểm công cộng, nơi tập trung đông người dân như khu vực trung tâm xã, trạm y tế, Bộ phận Một cửa của xã, nơi sinh hoạt cộng đồng, điểm du lịch cộng đồng.... Nhờ đó, người dân có thể truy cập mạng thuận tiện và dễ dàng cập nhật kiến thức để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; con trẻ có điều kiện học tập tốt hơn.

Các tiêu chí thực hiện xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, trong đó Tiêu chí số 3 là "Có ít nhất 01 mô hình thôn/xóm thông minh" - triển khai tại Lâm Phú với kết quả cụ thể:

Xã có quyết định thành lập "Tổ công nghệ số cộng đồng" đối với 11/11 xóm trên địa bàn; Có 10 sản phẩm tiêu biểu của người dân trong xóm được giới thiệu, bán hàng trên cổng thông tin điện tử; trang thông tin điện tử, mạng xã hội hoặc bán trên sàn thương mại điện tử.

Xóm có 70% người dân được bồi dưỡng, tập huấn phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng di động và dịch vụ trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp.

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của xã năm 2022 đạt 100%, TTHC đủ điều kiện ở mức độ 4 trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

100% sản phẩm OCOP của xã được giới thiệu, quảng bá trên nền tảng sàn thương mại điện tử; 100% hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích được thông báo, gắn biển địa chỉ số đến từng điểm địa chỉ.

- Ông đánh giá thế nào về sự tham gia, đóng góp của cấp Hội trong thực hiện xây dựng nông thôn mới thông minh tại xã Giao Phong?

- Ông Phạm Văn Sơn: Đóng góp vào thành công chung, có sự tham gia tích cực của các tầng lớp hội viên, phụ nữ các cấp trong thực hiện cuộc vận động "xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với xây dựng nông thôn mới. Hội LHPN xã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chị em về mục đích, ý nghĩa của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Điểm sáng xây dựng nông thôn mới thông minh xã Giao Phong an toàn cho phụ nữ, trẻ em - Ảnh 3.

Đường phố khang trang, sạch đẹp tại xã nông thôn mới kiểu mẫu xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, Nam Định).

Đặc biệt, cấp Hội trên địa bàn đã xây dựng chương trình hành động cụ thể phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể để thực hiện hiệu quả các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Trong tuyên truyền, các chi hội lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật và các phong trào do Trung ương Hội phát động, giúp hội viên nâng cao nhận thức, đoàn kết, tích cực tham gia bằng nhiều việc làm thiết thực. Xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình, khu dân cư. Hưởng ứng "Ngày chủ nhật xanh" và triển khai thực hiện mô hình: "Trồng cây, trồng hoa ven đường", tuyến đường chậu cây hoa, việc ra quân làm vệ sinh môi trường vào ngày chủ nhật thu hút đông đảo hội viên tham gia.

Đồng thời triển khai nhiều mô hình thu gom rác, đến nay tỷ lệ hộ gia đình thực hiện thu gom, phân loại chất thải tại nguồn đạt 90%. Các hộ thường xuyên chỉnh trang nhà cửa, vườn cây, quét vôi ve, làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm theo phương châm "3 sạch"; 100% hộ xây dựng công trình vệ sinh tự hoại hợp vệ sinh…

Trong công tác tuyên truyền, Hội LHPN xã đã có những đổi mới, sáng tạo khi tăng cường hình thức truyền thông hiện đại dựa trên các nền tảng công nghệ, kết hợp hài hòa hình thức truyền thống. Hội cũng đã chủ động chia sẻ thông tin qua mạng xã hội như: zalo, facebook, fanpage Hội LHPN các cấp để tiếp cận gần hơn với hội viên phụ nữ, tích cực tuyên truyền HVPN theo dõi hoạt động Hội và phong trào phụ nữ. Cùng với đó hướng dẫn giới thiệu, kết nối để chị em tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử… phát triển kinh tế trên nền tảng mới. Hội LHPN xã góp phần tích cực tham gia hỗ trợ chính quyền, địa phương triển khai hiệu quả thúc đẩy chuyển đổi số. Cán bộ hội đều là thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng của địa phương, thực hiện việc triển khai kế hoạch, phối hợp cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử Vneid, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của lực lượng hội phụ nữ.

Điểm sáng xây dựng nông thôn mới thông minh xã Giao Phong an toàn cho phụ nữ, trẻ em - Ảnh 4.

Người dân xã Giao Phong (huyện Giao Thủy - Nam Định) chung tay xây dựng nông thôn mới. Ảnh: PVH

- Để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, ông có đề xuất, kiến nghị gì?

- Ông Phạm Văn Sơn: Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. UBND xã Giao Phong đề nghị các bộ, ban ngành, trung ương hỗ trợ nguồn ngân sách phù hợp đảm bảo xây dựng thành công xã NTM kiểu mẫu thông minh giai đoạn 2023-2025; Hỗ trợ các chương trình, tập huấn về các mô hình điểm của cả nước để địa phương được tiếp cận với các mô hình mới tạo cơ sở để thực hiện thành công chương trình tại địa phương.

Đặc biệt là đề nghị Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương quan tâm chỉ đạo, tham mưu xây  dựng, sớm ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu thông minh để địa phương tổ chức triển khai đảm bảo tiến độ. Bên cạnh đó, đề nghị Trung ương Hội LHPN Việt Nam quan tâm đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ ở các cấp góp phần xây dựng tổ chức Hội tại cơ sở vững mạnh hơn.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm