pnvnonline@phunuvietnam.vn
Điện Biên: "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" làm điểm tựa cho chị em vươn lên
Hội LHPN tỉnh Hưng Yên trao hỗ trợ mái ấm tình thương cho phụ nghèo tỉnh Điện Biên
Những hoàn cảnh vươn lên
Gia đình chị Cà Lò Thị Thu (bản Tá Sú Lình, xã Sín Thầu) thuộc diện hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Năm 2020, tại cuộc họp bình xét của bản Tá Sú Lình, chị nằm trong diện được vay vốn sinh kế do Hội LHPN Thành phố Hà Nội hỗ trợ theo Chương trình đồng hành phụ nữ biên cương năm 2020. Chị chia sẻ: "Tháng 6/2020, vốn sinh kế do Hội LHPN Thành phố Hà Nội hỗ trợ với số tiền 10 triệu đồng. Số tiền vốn, tôi đầu tư mua 2 con lợn nái sinh sản, đến năm 2021 sinh ra 13 lợn con, tổng thu nhập từ xuất bán lợn con thu được 26 triệu đồng. Từ số tiền bán lợn đó, tôi đã mở được cửa hàng quán tạp hóa nhỏ và có thu nhập thêm để lo cho gia đình. Đến nay gia đình đã thoát nghèo có cuộc sống ổn định hơn".
Chị Sừng Cà Xừ (bản Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé) được Hội LHPN thành phố Hà Nội hỗ trợ với số vốn 10 triệu đồng trong thời hạn 5 năm. Chị đã sử dụng số tiền vào kinh doanh buôn bán hàng tạp hóa. Năm 2021, chị đã có vốn và mở rộng quy mô cửa hàng với diện tích nhà 50m2 kiên cố. Nguồn thu nhập từ kinh doanh tạp hóa đủ trang trải cuộc sống của 3 mẹ con. Trung bình mỗi tháng thu được vốn 7 triệu đồng từ kinh doanh hàng hóa. Mặc dù chưa thoát nghèo nhưng bản thân chị Cà Xừ đã luôn cố gắng nỗ lực để vươn lên.
Hội LHPN huyện Mường Nhé có 5/6 xã biên giới được các đơn vị nhận giúp đỡ từ chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương. Từ các nguồn lực xã hội hóa, huy động từ Chương trình, các cấp Hội trong huyện đã phối hợp hỗ trợ, xây dựng nhiều mô hình kinh tế (nuôi dê, nuôi trâu, nuôi gà đông tảo, bán hàng tạp hóa); xây dựng "Mái ấm tình thương"; khám miễn phí, phát thuốc, phát chăn màn miễn phí cho hội viên, phụ nữ nghèo…
Bà Phạm Thị Hà - Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Nhé - cho biết: "Nhờ có nguồn vốn sinh kế, các gia đình hội viên đã vốn để chăn nuôi, đầu tư kinh doanh phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Chương trình tạo điều kiện cho các hội viên, phụ nữ nghèo và gia đình có nơi ở ổn định, từ đó tập trung phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo".
Những việc làm thiết thực
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh. Hằng năm, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, các Đồn Biên phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai, tổ chức các hoạt động, tuyên truyền vận động hỗ trợ, thăm hỏi hội viên, phụ nữ và nhân dân các xã vùng biên giới.
Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các Đồn Biên phòng, các ban ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, phụ nữ nghèo bằng nhiều việc làm cụ thể thiết thực, phù hợp với từng địa phương như: đăng ký với UBND cùng cấp thực hiện 1.160 hoạt động/phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới (Hỗ trợ tiền mua cây, con giống, xây dựng, sửa chữa nhiều mái ấm tình thương,...), tích cực ủng hộ Quỹ Trường Sa - Biên giới được trên 400 triệu đồng, BTV Hội LHPN tỉnh đã thay mặt BCH Hội LHPN tỉnh tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các đồn biên phòng các trang thiết bị: xe máy; tăng âm loa đài; giàn năng lượng, máy tính, máy in và nhiều phần quà khác động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm làm nhiệm vụ.
Các cấp Hội phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng giúp đỡ hội viên, phụ nữ, nhân dân trên 7.000 ngày công lao động; 12.600 cây, con giống; đã phối hợp vận động được với các tập thể, cá nhân đăng ký tự quản 408,616 km/455, 573 km đường biên giới, 146 mốc; 302 tổ/1.682 thành viên tự quản an ninh trật tự thôn, bản. Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Bà Hà Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên - chia sẻ: "Qua 2 năm triển khai thực hiện Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đã được các cấp, các ngành, đơn vị đồng hành và đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ, cán bộ chiến sĩ Biên phòng trong toàn tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia. Các đơn vị đồng hành đã chủ động, tích cực trong việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức các hoạt động hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cô tính bền vững phù hợp với điều kiện thực tế của các xã biên giới theo đúng mục đích, yêu cầu của Chương trình đề ra".