Điện lực miền Bắc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng

Phương Thảo – Mai Phương
30/07/2023 - 14:02
Với mục tiêu nâng cao chất lượng trong việc cung ứng điện cho người dân, các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào kinh doanh và dịch vụ khách hàng (KD&DVKH). Qua đó, từng bước hiện đại hóa, tạo sự công khai, minh bạch và giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ điện.

Theo ông Tao Văn Pắn - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Điện Biên (PC Điện Biên), hiện nay PC Điện Biên đang quản lý trên 140 nghìn khách hàng, với phương châm "Khách hàng là trung tâm", một trong những ưu tiên hàng đầu Ban lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên (CBCNV) PC Điện Biên đặt ra là bảo đảm cung cấp điện liên tục, chất lượng cao, an toàn và ổn định cho mọi khách hàng, xây dựng hệ thống lưới điện hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số nhằm tối ưu hóa các hoạt động, công tác quản lý, kinh doanh và chăm sóc khách hàng, nhằm mang đến cho khách hàng những dịch vụ tiện ích nhất.

Trên cơ sở các ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Điện đã triển khai, PC Điện Biên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác DVKH với mục tiêu: Mọi giao dịch của khách hàng với ngành Điện được thực hiện trực tuyến thông qua môi trường điện tử; công tác chăm sóc khách hàng được thực hiện thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động, qua tin nhắn SMS, zalo, email và App CSKH… Trước đây thay vì phải trực tiếp đến Điện lực thì giờ đây khách hàng đã có thể thực hiện mọi giao dịch, yêu cầu về cấp điện mới trên mạng như: Cấp điện hạ áp, trung áp, thay đổi công suất, đổi chủ thể, gia hạn, chấm dứt hợp đồng mua bán điện, tạm ngừng sử dụng điện, thanh toán tiền điện, dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi thông qua Cổng dịch vụ Công Quốc gia, Web CSKH, App CSKH, Zalo…

Điện lực miền Bắc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng - Ảnh 1.

Công nhân Điện lực Điện Biên hướng dẫn khách hàng cài đặt và sử dụng app CSKH

Đến nay, 100% hợp đồng mua bán điện được PC Điện Biên số hoá, áp dụng chữ ký số và xác nhận qua mã OTP tiến tới quản lý hiện đại hóa, giảm bớt các chi phí in ấn hợp đồng, không cần lưu trữ hồ sơ nhiều và giảm nhân lực. Việc tiếp nhận hồ sơ yêu cầu khách hàng được xử lý qua hệ thống điện tử rất thuận lợi, nhanh chóng, không tốn nhiều thời gian, từ đo giải quyết việc truy xuất, kiểm tra thông tin dễ dàng, tiện lợi và nhanh chóng.

Nhằm mang đến cho khách hàng những dịch vụ tiện ích nhất, PC Điện Biên đã tăng cường công tác tự động hóa trong thu thập chỉ số điện khách hàng. Khách hàng được lắp đặt công tơ điện tử có chức năng đo đếm từ xa và bộ xử lý tập trung để giám sát dữ liệu công tơ, ghi chỉ số điện hàng tháng đảm bảo chính xác, minh bạch, thuận lợi hơn trong việc kiểm tra, giám sát chỉ số, dễ dàng tra cứu, theo dõi điện năng tiêu thụ hàng ngày mọi lúc, mọi nơi thông qua website/ứng dụng CSKH do EVNNPC cung cấp. Hiện trên 86% khách hàng trên toàn tỉnh Điện Biên đã được lắp đặt công tơ điện tử.

PC Điện Biên cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động CBCNV hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, như: Thanh toán trích nợ tự động tài khoản; thanh toán qua internet banking/mobile banking/ví điện tử;... 

Tính đến hết tháng 6/2023, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt toàn Công ty đạt 71,99% tăng 19,58% so với cùng kỳ; Tỷ lệ khách hàng trích nợ tự động qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử của khách hàng, Mobile Money đạt 12,59%, tăng 0,04% so với cùng kỳ.

Cũng như Điện lực Điện Biên, Điện lực Ninh Bình (PC Ninh Bình) đã chủ động thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực, trong đó chú trọng chuyển đổi số trong các hoạt động dịch vụ khách hàng. Qua đó mang lại những dịch vụ điện ngày càng tốt hơn, đặc biệt mang tới khách hàng nhiều trải nghiệm trên môi trường mạng.

Điện lực miền Bắc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng - Ảnh 2.

Hướng dẫn khách hàng thanh toán hóa đơn tiền điện trực tuyến tại các điểm thu

Công ty đã tập trung đầu tư các thiết bị công nghệ mới và tiến hành số hóa tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khách hàng. Việc số hóa, chuyển đổi từ hình thức hợp đồng, hồ sơ giấy tờ vật lý sang định dạng điện tử tại các đơn vị Điện lực đã giảm chi phí in ấn, gửi, bảo quản, lưu trữ hợp đồng, hồ sơ giấy tờ, giảm chi phí về nhân công, tiết kiệm nhân lực tham gia trong công tác cung cấp dịch vụ điện.

Bên cạnh đó, Công ty đẩy mạnh triển khai các phương thức thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, giúp khách hàng chủ động về thời gian thanh toán mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Hiện Công ty mở rộng thêm một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt mới mang lại nhiều thuận lợi hơn cho khách hàng như: QRCode, Mobile Money; nâng cấp website và App CSKH, ứng dụng AI trong công tác chăm sóc khách hàng (CSKH).

Hiện PC Ninh Bình cung cấp 19 dịch vụ điện trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và được kết nối liên thông trên Cổng dịch vụ Công Quốc gia. Qua đó, giúp người dân giảm thời gian thực hiện các giao dịch, giảm các loại giấy tờ, đồng thời có thể giúp giám sát quá trình thực hiện, đánh giá và phản ánh về chất lượng cung cấp dịch vụ của ngành Điện.

Đến nay, Điện lực Ninh Bình đã thực hiện bán điện cho khách hàng trên địa bàn qua 346.350 công tơ điện tử, đạt trên 93%. Các trạm biến áp công cộng được khai thác dữ liệu qua hệ thống đo xa đạt trên 95%. Việc lắp đặt công tơ điện tử đảm bảo thông tin chính xác, khai thác dữ liệu qua hệ thống đo xa giúp khách hàng có thể chủ động theo dõi sản lượng điện tiêu thụ của mình theo thời gian thông qua ứng dụng chăm sóc khách hàng.

Điện lực miền Bắc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng - Ảnh 3.

Công ty Điện lực Hà Tĩnh cũng đang triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số theo đúng định hướng. Theo ông Phan Văn Anh - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Hà Tĩnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn Công ty đã cung cấp 6.487 dịch vụ điện trực tuyến đạt cấp độ 4, đạt 100% tổng số đề nghị cung cấp dịch vụ của khách hàng, tăng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022. Việc cài đặt APP CSKH; đăng ký nhận tin nhắn dịch vụ điện trên ứng dụng zalo; đăng ký dịch vụ thanh toán tiền điện tự động đa kênh… của Công ty cũng tăng lên đáng kể.

Để hoàn thành tốt hơn nữa mục tiêu chuyển đổi số, thời gian tới, Điện lực Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành cùng các cấp chính quyền, địa phương triển khai và thực hiện hiệu quả chương trình "Ngày hội chuyển đổi số" gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh và cung ứng điện của đơn vị; tập trung đẩy mạnh thực hiện trải nghiệm số của khách hàng và người dùng để tăng sự hài lòng cũng như sự gắn kết giữa khách hàng với Công ty.

Có thể nói, việc đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, tối ưu hóa ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh không chỉ giúp các công ty điện lực trên tiết kiệm được nguồn nhân lực, chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao hiệu xuất công việc; mà còn góp phần giảm thời gian đi lại, chờ đợi… của người dân trong các hoạt động liên quan đến sử dụng điện…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm