Điệp viên CIA tiết lộ thân phận với... con

21/06/2016 - 07:39
“Mẹ làm việc cho CIA”, đó là tiết lộ mà nữ điệp viên Mỹ Martha Peterson phải dằn vặt mãi mới dám nói với hai con. Nói để con hiểu, để cảm thông, để sẻ chia những gian nan, nguy hiểm bà đã trải qua.
tiet-lo-than-phan-diep-vien-cia-voi-con-1.jpg
Bà Martha Peterson tại Tbilisi, Georgia năm 1976
“Vào một buổi sáng mùa thu tháng 4/1997, tại McLean (Virginia, Mỹ), tôi quyết định nói với các con một bí mật lớn của đời mình: Tôi là điệp viên Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA).

Nhiều bạn bè đồng nghiệp đã cảnh báo tôi rằng nếu không nói chuyện sớm với con rằng mình là một điệp viên CIA thì con sẽ tổn thương vì nghĩ rằng mẹ không tin tưởng con. Tôi đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều và luôn lo lắng rằng các con Tyler (17 tuổi) và Lora (15 tuổi) sẽ phản ứng ra sao khi biết công việc thực sự của mẹ mình. Tôi cũng lo lắng rằng các con tôi sẽ không biết rằng việc tiếp xúc với một nhân viên CIA nguy hiểm như thế nào. Để chuẩn bị nói chuyện với con, tôi đã lên một kế hoạch cẩn thận.

Cả hai con hào hứng và tò mò vì được mẹ mời đi ăn trưa, một điều hiếm khi xảy ra ở gia đình tôi. Khi tất cả đã ổn định trong xe, Tyler đã không khỏi ngạc nhiên với bữa trưa này và hỏi tôi: "Có chuyện gì vậy mẹ?". Tôi muốn nói ra sự thật một cách nhẹ nhàng nhất; tuy nhiên, tôi đã loay hoay mãi và cuối cùng tôi đã thốt lên: "Mẹ làm việc cho CIA!"

Sau một khoảnh khắc im lặng, các con đã phá lên cười với nhau vì chúng nghĩ tôi đang nói đùa. Khi nhận ra sự nghiêm túc của tôi, con gái hỏi với một chút giận hờn: "Mẹ phải chia sẻ nhiều điều hơn với chúng con!". Tuy nhiên, tôi nhận được một nụ cười cảm thông từ con gái và may mắn là cả hai đã không cảm thấy bị tổn thương.
tiet-lo-than-phan-diep-vien-cia-voi-con-4.jpg
Trụ sở CIA
Tôi đã dẫn hai đứa trẻ đến trụ sở CIA và chúng thực sự choáng ngợp trước những quy định nghiêm ngặt ở đây. Tôi phải tích thẻ nhận dạng thì lính gác mới cho chúng tôi vào. Tôi dẫn con đi xem những dụng cụ như dao găm, súng, mặt nạ phòng độc, dây thép gai, máy bay do thám U-2... và hai con tự nhủ không biết tôi đã sử dụng những thiết bị đó như thế nào.

Vừa đi dọc theo những căn phòng ở trụ sở CIA, tôi kể cho các con nghe về cuộc sống của vợ chồng tôi trước đây. Tôi và Steve gặp nhau lần đầu tại Moscow vào năm 1975 khi chúng tôi cùng làm việc tại đó giữa cuộc chiến tranh lạnh. Tôi cũng kể cho các con nghe về cuộc sống của tôi trước khi đến với cha của chúng, trước khi đến với ngôi nhà yên bình của chúng tôi ở Annandale (Virginia).
tiet-lo-than-phan-diep-vien-cia-voi-con-3.jpg
Chồng bà Martha Peterson, ông John ở Lào năm 1972
“Mẹ đã từng kết hôn trước khi lấy cha các con. Ông ấy tên là John Peterson cũng làm cho CIA. Mẹ và ông ấy gặp nhau ở trường đại học. Ông là một người đàn ông tuyệt vời dũng cảm. Ông ấy đã bị sát hại năm 1972".

Hai đứa nhìn tôi thấu hiểu khi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên má tôi. Cả hai ôm lấy tôi và chia sẻ nỗi buồn và tôi hiểu các con đang đồng cảm với tôi...”.
 
tiet-lo-than-phan-diep-vien-cia-voi-con-5.jpg
Bà Martha Peterson và cuốn hồi ký Điệp viên quả phụ

Trong cuốn hồi ký “Điệp viên quả phụ” (The Widow Spy), bà Martha Peterson kể về cuộc đời mình. Martha sinh ra trong một gia đình trung lưu chuyên về kinh doanh, sinh trưởng ở bang Connecticut. Thuở nhỏ, bà đàn hay, hát giỏi. Thập niên 60 thế kỷ XX, bà theo học Đại học Drew và gặp gỡ John Peterson, một sinh viên học cùng trường. Hai người cưới nhau vào Giáng sinh năm 1969. Ngay sau đám cưới, John Peterson gia nhập CIA và tham chiến tại Lào. Ngày 19/10/1972, Peterson tử trận, để lại người vợ trẻ nơi đất khách quê người. Trở thành quả phụ quá sớm, Martha tìm đủ mọi phương cách xoay sở và xin vào làm thư ký cho Văn phòng CIA tại địa phương. Martha tiếp tục tham gia khóa huấn luyện điệp viên tương lai tháng 7/1973. Martha chính thức gia nhập CIA năm 1974 ngay sau khi hoàn thành khóa huấn luyện. Martha khởi đầu sự nghiệp tại CIA trong khi đang có bằng thạc sĩ trong tay.

Thập niên 70 thế kỷ trước được xem là thời kỳ nóng bỏng của ngành tình báo Mỹ, nhất là đối với CIA. Đầu năm 1975, Martha trở thành nữ điệp viên đầu tiên của CIA được biệt phái sang làm nhiệm vụ tại Moscow (Nga) trong vai trò một nhân viên ngoại giao trẻ tuổi bên trong Đại sứ quán Mỹ tại Moscow. Tuy chỉ làm việc được trong 2 năm, nhưng đó là khoảng thời gian mà sau này, trong quyển hồi ký của mình, Martha cho là có ý nghĩa nhất, là giai đoạn công tác quan trọng nhất trong suốt sự nghiệp tình báo 32 năm của bà. Martha được giao nhiệm vụ giao dịch thông tin với một điệp viên 2 mang có bí danh là “Trigon”, tên thật là Aleksandr Dmitryevich Ogorodnik.

tiet-lo-than-phan-diep-vien-cia-voi-con-7.jpg
Martha Peterson thời hoạt động ở Moscow

Cuộc hợp tác tình báo giữa Martha và Ogorodnik kéo dài không lâu, đã phải kết thúc bất ngờ ngày 15/7/1977. Ngày hôm đó, Martha và Trigon lần lượt bị tình báo Nga KGB bắt. Trigon bị bắt quả tang khi vừa nhận tài liệu tại nơi giao dịch, còn Martha thì đi được một quãng, đến một chiếc cầu vượt đường ray tàu hỏa ở Moskva. Vụ bắt giữ này do một toán điệp viên KGB phụ trách theo dõi hoạt động của Martha và Trigon nhiều ngày và mai phục chờ sẵn. Martha hoàn toàn bất ngờ và không nghĩ rằng mình có thể bị bắt một cách dễ dàng như thế.

Ngay sau khi bị bắt, cả hai được đưa về giam giữ tại nhà giam thuộc KGB ở Lubyanka, Moscow. Trigon uống thuốc độc tự vẫn còn phần Martha, nhờ được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, bà được trả tự do sau 3 ngày thẩm vấn và bị trục xuất khỏi Liên Xô. Sau đó, Martha tiếp tục công tác cho CIA tại tổng hành dinh của cơ quan này ở Langley, bang Virginia. Bà nghỉ hưu năm 2003.

 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm