pnvnonline@phunuvietnam.vn
Điều bất ngờ của nữ cảnh sát duy nhất đạt giải A cuộc thi 60 năm Ngày truyền thống Cảnh sát nhân dân
Thượng úy Nguyễn Thị Nga luôn tích cực trau dồi bản thân
Thượng úy Nguyễn Thị Nga luôn chuyên tâm, nghiêm túc với tất cả các cuộc thi. Cô mang theo sự nỗ lực, sáng tạo và cống hiến để được thêm một lần trải nghiệm nghề của mình theo cách rất riêng.
Tham gia cuộc thi để có thêm trải nghiệm trong nghề
Tại Bảo tàng Hà Nội những ngày này, đến thăm quan triển lãm Cảnh sát Việt Nam mưu trí, dũng cảm, vì nước, vì dân quên thân phục vụ nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân, ai cũng trầm trồ, thán phục với tác phẩm của Thượng úy Nguyễn Thị Nga đang được trưng bày.
Trong số 10 giải A được Ban tổ chức vừa trao thưởng tại cuộc thi viết tìm hiểu 60 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân, tác phẩm của nữ cảnh sát duy nhất đạt giải A cá nhân có 400 trang, được trình bày trong 4 tuyển tập vô cùng nghệ thuật, cầu kỳ, bắt mắt theo các chủ đề khác nhau.
Đặc biệt, trong tác phẩm của Thượng úy Nguyễn Thị Nga, ngoài những phần thi trả lời câu hỏi kiến thức chung, cô còn sáng tác chùm thơ lục bát gồm 12 bài thơ để phản ánh hình ảnh, chức năng, nhiệm vụ của 12 lực lượng chính, hợp thành lực lượng cảnh sát nhân dân. Bên cạnh đó còn có bộ tranh vẽ minh họa, phác thảo rõ nét về hình ảnh của lực lượng cảnh sát trên các lĩnh vực của xã hội.
Ngay sau lễ trao giải, Thượng úy Nguyễn Thị Nga vội vã trở về với công việc đời thường cùng đồng đội. Nữ Thượng úy công an trẻ cười vui cho biết: "Bản thân tôi vốn có đam mê trong các cuộc thi tìm hiểu của ngành, cũng như các cuộc thi do các đơn vị ngoài ngành tổ chức. Với mỗi cuộc thi, tôi luôn nghiêm túc đầu tư nghiên cứu, sắp xếp thời gian công việc khoa học, tranh thủ thời gian ngoài giờ để nghiên cứu tài liệu làm bài dự thi tốt nhất".
Đối với các bài dự thi, bên cạnh việc trình bày làm sao có hình thức đẹp, trang trọng thì bản thân Thượng úy Nga luôn chú trọng trong đầu tư nội dung bài thi.
"Đối với bài thi 60 năm Ngày truyền thống cảnh sát nhân dân, tôi bám sát đề cương của ban tổ chức, đồng thời cố gắng phản ánh được cái "tôi" vào bài dự thi. Bản thân tôi không có chuyên môn về thi ca, tuy nhiên đến với bài thi, tôi đã dành tâm huyết của mình chuyển hoá thành những vần thơ lục bát để phản ánh về hình ảnh của lực lượng cảnh sát. Bên cạnh đó đối với những sự kiện nổi bật, gương cán bộ chiến sĩ dũng cảm, tôi cũng gửi gắm sự ngưỡng mộ của mình thành một tác phẩm thơ. Ví như tấm gương đồng chí Thái Ngô Hiếu đã cứu 1 gia đình 4 người ở Đồng Nai khỏi đuối nước".
"Tôi miêu tả hình ảnh đồng chí cảnh sát Thái Ngô Hiếu hay các gương cảnh sát điển hình khác đều bằng những vần thơ và tranh vẽ. Vừa ngắn ngọn, dễ đọc, dễ nhớ, lại phản ánh trọn vẹn, đầy đủ vẻ đẹp của các đồng đội trong lực lượng", cảnh sát Nguyễn Thị Nga bộc bạch.
Quá trình làm bài thi, Thượng úy Nga cũng gặp khá nhiều khó khăn, như chủ yếu tranh thủ nghiên cứu ngoài giờ để khai thác thông tin, tài liệu phục vụ bài thi. Bên cạnh đó, do bài thi về lực lượng cảnh sát phản ánh nhiều lực lượng và tính chất khác nhau, nên để có bài thi phản ánh chân thật về các lĩnh vực, cô phải dành thời gian nghiên cứu về đặc thù các đơn vị và tìm hiểu thêm thông tin từ đồng nghiệp.
"Tôi bắt tay thể hiện những ý tưởng cho bài thi khoảng từ 2 đến 3 tháng, sau đó tập trung để hoàn thiện tác phẩm. Trong tất cả các cuộc thi đã tham gia, tôi không đặt nặng vấn đề giải thưởng, chỉ nghĩ làm bài thi như một công trình nghiên cứu, đó cũng là dịp tôi có thêm trải nghiệm thú vị trong nghề", cảnh sát trẻ Nguyễn Thị Nga tâm sự.
Nữ cảnh sát được thăng hàm vượt cấp ngay trong lễ tốt nghiệp
Sinh ra trong gia đình thuần nông ở ngoại thành TP Hà Tĩnh, cô con gái út Nguyễn Thị Nga sớm thấy nỗi vất vả của bố mẹ khi cấy lúa, làm ao, vay mượn nuôi 4 đứa con ăn học. Cô đặt mục tiêu phải học tập đạt kết quả cao để bố mẹ an lòng. Nhiều năm là học sinh giỏi, lớp 12 Nga đạt giải Nhất môn Văn cấp tỉnh, rồi giải Nhất kỳ thi Tuổi trẻ hùng biện khám phá do Đài Truyền hình Hà Tĩnh tổ chức.
Mùa thi đại học năm ấy, nữ sinh trường THPT Mai Thúc Loan nhận giấy báo trúng tuyển của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Nhưng với khao khát khoác lên mình bộ quân phục, vừa để giúp bố mẹ bớt gánh nặng kinh tế, Nga chọn Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, trở thành thủ khoa đầu vào.
Nguyễn Thị Nga kết thúc 3 năm học tại Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I với danh hiệu sinh viên xuất sắc toàn khóa, với 9,12 điểm học tập, 9,5 điểm rèn luyện. Vừa thủ khoa đầu vào, vừa thủ khoa đầu ra của Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân I, Nguyễn Thị Nga được Bộ Công an thăng hàm vượt cấp lên Thiếu úy, thay vì Thượng sĩ như các bạn đồng học.
Sau khi ra trường, Nguyễn Thị Nga được về công tác tại quê hương tỉnh Hà Tĩnh. 6 năm công tác tại quê nhà, Nguyễn Thị Nga luôn bộc lộ tài năng của nữ cảnh sát trẻ. Ngoài chỉn chu trong công tác chuyên môn, cô nữ cảnh sát xinh xắn Nguyễn Thị Nga còn là hạt nhân của các phong trào Đoàn, Đảng, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao ở đơn vị.
Dù tuổi nghề, tuổi đời còn trẻ nhưng Thượng úy Nguyễn Thị Nga luôn tiên phong trong tham gia điều tra các vụ án lớn, làm việc với các đối tượng phạm tội, cùng nhiều mảng công việc khác trên địa bàn.
Đặc biệt, hầu như các cuộc thi phát động của ngành và ngoài ngành, Thượng uý Nga đều tham gia nghiêm túc ngay từ ngày đầu. Đến bây giờ Nga không nhớ rõ mình đã tham gia bao nhiêu cuộc thi như thế. Ở cấp tỉnh, hầu như cuộc nào cô cũng được giải nhất hoặc nhì, ở cấp Bộ thì các giải trước đây Nga đạt được là giải tập thể.
Cảnh sát trẻ Nguyễn Thị Nga chia sẻ: "Với tôi, mỗi lần tham gia cuộc thi là cơ hội để trau dồi, nâng cao hiểu biết, kiến thức xã hội, chuyên ngành. Vì vậy, tôi luôn sắp xếp thời gian, dành tâm huyết thực sự trước mỗi cuộc thi, hội thi. May mắn, tôi luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, đồng hành của các đồng chí lãnh đạo, đồng nghiệp cơ quan. Đó chính là động lực để tôi không ngừng cố gắng, phấn đấu mỗi ngày".