pnvnonline@phunuvietnam.vn
Điều bất ngờ đằng sau cây cầu vô dụng nhất thế giới
Cầu Puente Sol Naciente thuộc Honduras sau khi cơn bão khiến sông Choluteca đổi dòng chảy. Ảnh: Routes 2 resilience
Khu vực sông Choluteca thuộc Honduras (một quốc gia khu vực Trung Mỹ) là nơi thường xuyên chịu tác động của thiên tai như giông bão và lốc xoáy. Vì vậy, chính quyền nơi đây muốn đầu tư xây dựng một cây cầu mới bắc qua sông Choluteca. Yêu cầu đặt ra là cây cầu có thể chống chọi được những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết.
Cầu Puente Sol Naciente được khởi công xây dựng vào năm 1996 bởi một công ty Nhật Bản. Cây cầu được mong đợi sẽ thật vững chắc và có thể chống chọi với các tác động xấu từ thiên nhiên. Cây cầu Puente Sol Naciente (cầu Choluteca mới) khánh thành vào năm 1998 đã thực sự là một kỳ quan về công nghệ. Nó được xem là hiện đại bậc nhất cả về kỹ thuật lẫn thiết kế. Cầu Puente Sol Naciente là niềm tự hào của dòng sông Choluteca lúc bấy giờ.
Trận bão thay đổi "sứ mệnh" cầu Puente Sol Naciente
Vào tháng 10 năm 1998, cơn bão lớn thứ hai từ Đại Tây Dương - bão Mitch - đã đổ bộ vào Honduras. Ngoài hậu quả nặng nề ảnh hưởng trực tiếp lên người dân địa phương thì cơn bão này còn gây ra một biến cố lớn, làm thay đổi sứ mệnh của cây cầu Choluteca mới vừa được khánh thành trước đó không lâu.
Ảnh hưởng của bão khiến lượng mưa đổ xuống khu vực này tăng cao đột biến, lên đến khoảng 1.905mm và kéo dài trong vòng 4 ngày. Lượng mưa do bão Mitch mang đến trong 4 ngày này bằng với lượng nước sông Choluteca nhận được trong vòng 6 tháng.
Nước sông Choluteca dâng cao gây ngập lụt toàn bộ khu vực. Cơn bão khiến 11 ngàn người thiệt mạng ở Trung Mỹ và 7 ngàn người thiệt mạng ở riêng Honduras, đồng thời phá hỏng toàn bộ các cây cầu ở Honduras, ngoại trừ cầu Puente Sol Naciente.
Cây cầu Puente Sol Naciente không hề suy chuyển trong trận bão lịch sử nhưng trận bão lại biến nó trở thành cây cầu vô dụng nhất thế giới. Bão Mitch đã phá hủy toàn bộ hệ thống hạ tầng trong khu vực và đường xá dẫn đến cầu. Chưa dừng lại ở đó, cơn bão còn thay đổi cả dòng chảy của sông Choluteca, khiến dòng sông không còn chảy dưới chân cầu như xưa.
Như vậy, chưa đi vào hoạt động được bao lâu, một cây cầu hiện đại bậc nhất thời đó đã trở thành "cây cầu vô dụng nhất thế giới". Kể từ đó, cây cầu dường như bị cô lập, không có đường đến cũng không có đường ra và không bắc qua con sông cần bắc. Mặc dù được kết nối với một đường cao tốc vào năm 2003, cầu Choluteca vẫn không dẫn đến bất cứ một nơi nào.
Bài học ẩn sau câu chuyện về cây cầu Choluteca "vô dụng"
Mặc dù câu chuyện về cầu Choluteca đã xảy ra cách đây 22 năm nhưng phép ẩn dụ về cây cầu này vẫn được sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay. Cây cầu là hình ảnh ẩn dụ cho những biến cố có thể xảy đến đối với sự nghiệp, doanh nghiệp và cuộc sống của chúng ta. Thậm chí, câu chuyện về cây cầu Choluteca còn hình thành nên một thành ngữ mới. Trong tiếng Anh của người Mỹ có câu "Don't be the Choluteca Bridge. Be relevant with time" (Đừng biến mình thành cây cầu Choluteca mà hãy thích ứng với hoàn cảnh). Câu thành ngữ này bắt nguồn từ câu chuyện của cầu Choluteca, vì một trận bão mà bỗng nhiên trở nên vô dụng. Theo lý giải từ Prakash Iyer, nếu không thích ứng được với sự thay đổi thì con người sẽ mất tất cả.
Theo diễn giả nổi tiếng người Ấn Độ Prakash Iyer, thế giới xung quanh ta luôn luôn biến đổi theo cách mà ta không bao giờ có thể lường trước được và có thể biến ta trở thành cây cầu Choluteca sau cơn bão Mitch bất cứ khi nào.
Khó khăn khiến chúng ta tìm cách giải quyết vấn đề nhưng càng tập trung giải quyết vấn đề chúng ta sẽ không nhận ra vấn đề đó đã thay đổi. Các công ty tập trung xây dựng sản phẩm và dịch vụ một cách tốt nhất mà không nghĩ đến nhu cầu về sản phẩm đó có thể sẽ biến mất theo thời gian. Cũng giống như nhà thầu chỉ tập trung xây dựng cây cầu mà bỏ qua trường hợp dòng chảy của dòng sông dưới nó có thể thay đổi. Hãy chuẩn bị để thích ứng với mọi khó khăn, nếu không bạn sẽ giống như cây cầu Choluteca, nguy nga, tráng lệ nhưng "vô dụng".