pnvnonline@phunuvietnam.vn
Điều cần biết trong dự phòng đột quỵ não tái phát
Bác sĩ Phan Thị Kiều Loan, Khoa Lão khoa, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, khám cho người bệnh
Chị Nguyễn Thị T. (Bắc Ninh) cho biết, chị thường xuyên phải thức khuya làm việc, chị có thói quen ăn mặn, ăn nhiều đồ chiên. Chị T. được chẩn đoán tăng huyết áp từ lúc 29 tuổi và đang phải dùng thuốc huyết áp thường xuyên.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và người trung niên bị đột quỵ chiếm - trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang tăng ở mức 2%/năm, với số người bệnh là nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Bác sĩ Phan Thị Kiều Loan (Khoa Lão khoa, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội) cho biết, điều đáng báo động hơn là nguy cơ tái phát đột quỵ não ngày càng cao. Bệnh nhân đã qua khỏi lần đột quỵ thứ nhất nhưng khi mắc đột quỵ những lần sau, di chứng sẽ nặng nề hơn, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hồi phục của bệnh nhân. Dự phòng tái phát đột quỵ não là các biện pháp tối ưu hoá điều trị các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não, các nguy cơ biến cố mạch máu nghiêm trọng khác như nhồi máu cơ tim, tắc mạch.
Triệu chứng ban đầu của cơn tăng huyết áp không kiểm soát, bệnh nhân thường chủ quan bỏ qua. Đến khi triệu chứng nặng, gây đột quỵ não thì đã muộn. Các triệu chứng của đột quỵ thường là méo miệng, lệch miệng, thay đổi giọng nói, nói ngọng hoặc dính chữ, khó nói. Người bệnh thậm chí không nói được những câu đơn giản, bị yếu liệt một bên mặt, khuôn mặt mất cân đối, khó cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể. Để phòng bệnh, yếu tố quan trọng là kiểm soát huyết áp. Nên thay đổi thói quen xấu gây tăng huyết áp như ăn mặn, ăn thức ăn chế biến sẵn, đồ chiên, thức khuya, hay uống rượu, bia, hút thuốc lá.
Theo bác sĩ Kiều Loan, người bệnh nếu đã được chẩn đoán tăng huyết áp thì cần dùng thuốc, tuân thủ điều trị thuốc huyết áp hàng ngày, không được bỏ thuốc và đo huyết áp hằng ngày. Các thử nghiệm y học cho thấy, huyết áp nên giảm xuống dưới 140/90 mmHg ở tất cả bệnh nhân trong giai đoạn mãn tính sau đột quỵ và xuống dưới 130/80 mmHg khi dung nạp thuốc tốt. Không nên giảm huyết áp vượt quá 120/70 mmHg, đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử đột quỵ/TIA và bệnh mạch vành.
"Ngoài ra, tất cả chúng ta đều nên thay đổi thói quen xấu, hạn chế ăn mặn, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, bia, tránh stress quá mức. Đây là những nguyên nhân làm mất kiểm soát huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ não. Chúng ta cần bổ sung thói quen tốt như chế độ ăn lành mạnh, tập luyện hợp lý, đi ngủ sớm, kiểm soát tốt các bệnh nền", bác sĩ Kiều Loan khuyến cáo.