pnvnonline@phunuvietnam.vn
Điều gì xảy ra khi "đối thủ" của Luna-25 Nga đang hạ dần độ cao với Mặt Trăng?
Ngày 14/7, Ấn Độ khiến thế giới bất ngờ khi phóng thành công tàu đổ bộ Mặt Trăng Chandrayaan-3. Theo dự kiến, tàu sẽ hạ cánh lên cực nam của Mặt Trăng, một khu vực bí ẩn và khó hạ cánh. Nếu nhiệm vụ thành công, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ tư tiếp cận thành công bề mặt Mặt trăng, sau Mỹ, Liên Xô cũ và Trung Quốc. Ngoài ra, Ấn Độ cũng có khả năng trở thành quốc gia đầu tiên đặt chân lên cực nam của Mặt trăng.
Chandrayaan-3 đã đi vào quỹ đạo Mặt Trăng hôm 5/8. Sứ mệnh hạ thấp quỹ đạo được diễn ra vào ngày 9/8. Sau đó, con tàu sẽ tiến hành các cuộc diễn tập ngoài quỹ đạo sẽ cố gắng hạ cánh nhẹ nhàng trên bề mặt Mặt trăng vào ngày 23/8, gần với thời điểm hạ cánh của Luna-25. Chandrayaan-3 nhắm đến điểm hạ cánh có tọa độ 69,37 độ vĩ nam 32,35 độ kinh đông. Mặt Trời dự kiến mọc phía trên địa điểm này vào ngày 21/8, nghĩa là ánh sáng sẽ phù hợp với trạm đổ bộ Vikram và robot Pragyan của nhiệm vụ Chandrayaan-3 vào thời điểm hạ cánh dự kiến là 19h17 ngày 23/8 (giờ Hà Nội).
Đại diện của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO)cho biết, vào ngày 16 tháng 8, Chandrayaan-3 sẽ trải qua một hoạt động quan trọng quanh Mặt trăng. Hoạt động này mất khoảng 3 giờ. Đó là tàu vũ trụ này sẽ tiến hành đốt thêm động cơ để đưa nó vào quỹ đạo hình tròn cách bề mặt của Mặt trăng khoảng 100 km.
Cụ thể, một mô-đun đẩy nặng 2 tấn sẽ đưa tàu đổ bộ, tên là Vikram, vào một quỹ đạo cách bề mặt Mặt trăng khoảng 100 km. Module đẩy là một cấu trúc dạng hộp với một tấm pin mặt trời lớn được gắn ở một bên và một hình trụ lớn ở trên cùng, cũng sẽ mang thiết bị để đo phân cực quang phổ của Trái đất từ quỹ đạo Mặt trăng. Sau đó, tàu đổ bộ và xe tự hành sẽ tách ra và đáp xuống bề mặt của Mặt trăng.
Tàu đổ bộ nặng 1,75 tấn, chứa một robot tự hành 6 bánh, nặng 26 kg, tên là Pragyan. Robot sẽ di chuyển quanh Mặt trăng trong thời gian tương đương khoảng 14 ngày trên Trái đất. Module đẩy sẽ thực hiện thí nghiệm khoa học của riêng nó về Trái đất.
Tàu đổ bộ Vikram sẽ mang theo các thiết bị để đo mật độ ion và electron, đo nhiệt độ, quét động đất và phân tích động lực học của hệ thống Mặt trăng.
Robot Pragyan được giao nhiệm vụ gửi thông tin liên lạc đến Trái đất thông qua Vikram. Nó cũng có một số đặc điểm độc đáo, chẳng hạn như Máy quang phổ tia X hạt Alpha (APXS) để nghiên cứu đất và đá Mặt trăng. Một thiết bị có tên LIBS kiểm tra thành phần hóa học và nguyên tố của vật chất bề mặt.
Trong một phát biểu trước đó, Chủ tịch ISRO S Somnath đã nhấn mạnh, phần quan trọng nhất của quá trình hạ cánh là điều chỉnh vận tốc của tàu đổ bộ từ độ cao 30km cách bề mặt Mặt trăng đến điểm hạ cánh cuối cùng. Vận tốc này gần 1,68km mỗi giây. Tuy nhiên, việc đưa một con tàu không người lái đổ bộ xuống Mặt trăng rất khó. Bởi Mặt trăng có lớp khí quyển rất mỏng, đến nỗi nó không thể tạo ra một lực kéo để giúp một con tàu vũ trụ giảm tốc khi tiếp cận hành tinh này. Chính vì thế những vòng quay trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng là rất quan trọng và Chandrayaan-3 đang cố gắng đảm bảo mọi vòng quay của con tàu trên quỹ đạo đều chính xác theo kế hoạch và con tàu sẽ đạt tốc độ đủ chậm trước khi thực hiện quá trình hạ cánh.
Theo ISRO, tàu vũ trụ Chandrayaan-3 có nhiều đặc điểm độc đáo, họ đã thực hiện các thay đổi đối với phần mềm và phần cứng của nó, đặc biệt là đối với các động cơ đẩy của tàu đổ bộ, sau sự cố với Chandrayaan-2.
ISRO đã phát triển các trình tự hạ cánh mềm cải tiến và tàu đổ bộ có bốn động cơ đẩy thay vì năm, chân chắc chắn hơn và các tấm pin mặt trời lớn hơn, đồng thời sẽ mang nhiều nhiên liệu hơn.