Lê Thị Thúy (Như Xuân, Thanh Hóa)
Trả lời: Theo quy định tại khoản 3, Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thì: Lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) khi nghỉ việc mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo BHXH và đủ 55 tuổi thì được hưởng lương hưu.
Cụ thể, khoản 3, Điều 15 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, quy định: Điều kiện hưởng lương hưu đối với lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật BHXH, được hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Việc xác định là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn được căn cứ vào thời điểm trước khi nghỉ việc hưởng chế độ BHXH;
b) Thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm là thời gian đóng BHXH bắt buộc.
Ví dụ 1: Bà Th có quá trình công tác từ tháng 1/1998, làm giáo viên dạy cấp 1 đến tháng 4/2012 chuyển sang làm Chủ tịch Hội LHPN ở cấp xã. Bà Th đủ 55 tuổi, nghỉ việc hưởng chế độ BHXH từ tháng 4/2016.
Trường hợp bà Th tại thời điểm trước khi nghỉ việc là nữ cán bộ chuyên trách cấp xã (Chủ tịch Hội LHPN ở cấp xã), có thời gian đóng BHXH bắt buộc là 18 năm 3 tháng. Bà Th đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật BHXH.
Ví dụ 2: Bà Q là người hoạt động không chuyên trách ở xã, tại thời điểm đủ 55 tuổi bà Q có 18 năm đóng BHXH (trong đó có 4 năm đóng BHXH tự nguyện).
Trường hợp bà Q khi đủ 55 tuổi, không đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc nên không thuộc đối tượng được hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật BHXH.
Bà Q có thể lựa chọn đóng BHXH tự nguyện một lần cho 2 năm còn thiếu để được hưởng lương hưu hoặc nhận BHXH một lần theo quy định.