Điều tốt nhất chị em nên làm để phòng ngừa ung thư cổ tử cung

29/07/2018 - 05:44
Theo Bộ Y tế, mỗi ngày tại Việt Nam có 7 phụ nữ qua đời vì ung thư cổ tử cung và 14 ca mắc mới căn bệnh này.

Theo ThS Lê Quang Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ (TP.HCM), để tầm soát ung thư cổ tử cung (UTCTC) tốt nhất chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm các xét nghiệm phát hiện sớm căn bệnh này như PAP Smear hoặc PAP nhúng dịch. Hiện nay, nhiều bệnh viện trong cả nước triển khai kỹ thuật mới là tầm soát xem có nhiễm HPV hay không. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là phòng ngừa nhiễm HPV, bởi đây là nguyên nhân chủ yếu gây UTCTC.

Theo Kế hoạch Dự phòng và Kiểm soát UTCTC giai đoạn 2016-2025 của Bộ Y tế, 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời, tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra ở độ tuổi 20-30, có thể lên đến 20-25%.

 

ths-le-quang-thanh.jpg
Theo ThS Lê Quang Thanh, ung thư cổ tử cung nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được

 

ThS Lê Quang Thanh cho biết, để phòng ngừa căn bệnh này, chị em nên quan hệ tình dục an toàn, đặc biệt là nên tiêm vaccine ngừa UTCTC sớm. Nhiều người cho rằng, khi đã quan hệ tình dục thì không nên tiêm ngừa vaccine trên. ThS Lê Quang Thanh cho biết, khi đã quan hệ tình dục thì chưa chắc người phụ nữ đó bị nhiễm HPV. Còn nếu có nhiễm HPV thì chưa chắc nhiễm HPV nguy cơ cao, đặc biệt là các chủng 16-18 và HPV mạn tính (có nguy cơ gây ung thư cao). Vì vậy, bất kể đã quan hệ tình dục hay chưa, miễn còn trong độ tuổi tiêm ngừa từ 9-26 tuổi, trẻ em gái và phụ nữ nên tiêm vaccine này.

Chị em nên tiêm vaccine ngừa HPV trước khi mang thai 3 tháng. Khi đã có thai, nếu tiêm vaccine ngừa HPV thì cũng không gây ảnh hưởng đến thai nhi, vì đây là vaccine tái tổ hợp, an toàn trong thai kỳ. Sau khi sinh 6 tuần có thể tiêm mũi tiếp theo vaccine này. Cũng theo ThS Thanh, vaccine ngừa UTCTC đã được chứng minh không ảnh hưởng đến sức khỏe, kể cả đến sữa nên trong giai đoạn cho con bú, vẫn có thể tiêm ngừa.

Nhiều người đặt câu hỏi, khi xét nghiệm PAP phát hiện có tổn thương tiền ung thư thì có nên tiêm ngừa HPV không? Trao đổi vấn đề này, bác sĩ Lê Quang Thanh cho rằng, khi làm PAP nội soi cổ tử cung phát hiện ra có tổn thương ở cổ tử cung là giai đoạn tiền ung thư. Trong trường hợp đó vẫn nên tiêm ngừa vì vẫn còn những lợi ích từ những chủng vaccine còn lại trong vaccine (ví dụ như ngừa 2 chủng HPV 6-11 gây bệnh mào gà sinh dục). Khi tiêm ngừa, ngoài việc dự phòng với các loại tổn thương UTCTC còn dự phòng cho được tiền ung thư âm hộ và âm đạo hay ung thư trực tràng.

 

anh-utctc.jpg
Tiêm vaccine ngừa HPV là một trong nhưng biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung một cách hữu hiệu

 

Bên cạnh đó, nhiều người cũng băn khoăn, đang điều trị viêm lộ tuyến thì có tiêm ngừa HPV được không? Theo bác sĩ Thanh, viêm lộ tuyến cổ tử cung chưa phải là nguyên nhân dẫn đến UTCTC nhưng đó là điều kiện thuận lợi cho việc nhiễm HPV. Đối với trường hợp này, cần phải tiêm ngừa càng sớm càng tốt. Trong quá trình tiêm thì vẫn điều trị viêm lộ tuyến như bình thường.

“Vaccine này cần được tiêm 3 mũi, mũi 2 cách mũi 1 hai tháng, mũi 3 tiêm cách mũi 2 cũng 2 tháng. Theo đánh giá của các nhà khoa học, hiệu quả của vaccine này kéo dài tối thiểu là 30 năm”, ThS Thanh cho biết.

Nhiều người cũng cho rằng, uống thuốc tránh thai thì không cần tiêm vaccine ngừa UTCTC. Theo bác sĩ Thanh, đây là quan niệm sai lầm, vì thuốc tránh thai không ngừa được những bệnh lây qua đường sinh dục. Thậm chí, uống thuốc tránh thai thì khả năng lây nhiễm HPV còn cao hơn vì không sử dụng biện pháp khác như bao cao su. Do đó, tránh thai bằng thuốc càng phải phòng UTCTC như tiêm ngừa HPV. Trong quá trình uống thuốc tránh thai, chị em vẫn có thể tiêm ngừa HPV.

UTCTC có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Vì thế, chị em nên đi khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế có uy tín về sản khoa. Khi có dấu hiệu bất thường như ra khí hư nhiều có mùi, sau giao hợp ra máu hãy đi khám ngay. Nếu không may phát hiện bị bệnh hãy tuần thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

Theo Bộ Y tế, UTCTC là ung thư phụ khoa đứng hàng thứ 2 ở phụ nữ Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam có hơn 5.000 trường hợp mắc bệnh này. UTCTC có tỷ lệ tử vong cao nhưng có thể phòng ngừa được. Các yếu tố nguy cơ của UTCTC gồm quan hệ tình dục sớm hoặc với nhiều người, sinh nhiều con, vệ sinh sinh dục không đúng cách, viêm cổ tử cung mạn tính, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, điều kiện dinh dưỡng, kinh tế xã hội thấp; hút thuốc lá, đái tháo đường; nhiễm virus HPV. Để phòng ngừa UTCTC, cần soát ung thư cổ tử cung định kỳ và quan trọng nhất là tiêm vaccine HPV. Để biết thêm thông tin về phòng UTCTC và các bệnh liên quan, có thể truy cập Fanpage https://www.facebook.com/hpvvietnam/, website http://www.hpv.vn/vi/

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm