pnvnonline@phunuvietnam.vn
Điều trị đau lưng mãn tính bằng liệu pháp tâm lý
Theo các nghiên cứu gần đây, hầu hết các trường hợp đau thắt lưng cấp tính sẽ khỏi trong khoảng 4 tuần sau khi mắc bệnh. Tuy nhiên, vẫn có đến 33% các trường hợp bệnh nhân có thể bị đau kéo dài đến hằng năm và 20% số bệnh nhân đã gặp các hạn chế trong hoạt động thể lực.
Điều này khiến cho đau thắt lưng mãn tính (đau thắt lưng kéo dài trên 12 tuần) được xem là loại đau mãn tính phổ biến nhất hiện nay. Trong đó, phần lớn bệnh nhân đau thắt lưng mãn tính (khoảng 85%) không thể xác định được nguyên nhân gây đau.
Theo những khuyến cáo hiện nay, các biện pháp điều trị không dùng thuốc như châm cứu, tập thể dục, tập yoga,... được khuyến khích ưu tiên sử dụng trong điều trị đau lưng mãn tính.
Các loại thuốc giảm đau chỉ áp dụng khi người bệnh không đáp ứng với những điều trị không dùng thuốc. Nhưng những phương pháp kể trên dường như đều có hiệu quả hạn chế trong điều trị đau lưng mãn tính.
Vì vậy phương pháp tái xử lý cơn đau (pain-reprocessing therapy - PRT) đã được các nhà khoa học tại Đại học Colorado nghiên cứu và phát triển. Đây là một phương pháp điều trị đau lưng mãn tính bằng tâm lý liệu pháp. Phương pháp này được hy vọng có thể giúp người bệnh kiểm soát tình trạng đau lưng tốt hơn.
Tác giả chính của nghiên cứu - Tiến sĩ Yoni Ashar nói rằng, hầu hết mọi người tin rằng đau là một dấu hiệu của chấn thương. Khi có đau lưng xảy ra tức là lưng đã bị tổn thương. Vì thế nó gây nên sự sợ hãi cho người bệnh. Mà sự sợ hãi lại càng làm người bệnh nhạy cảm và tránh né nhiều hơn, nên khiến đau trở nên nghiêm trọng hơn.
Nghiên cứu điều trị đau lưng mãn tính bằng liệu pháp tâm lý diễn ra như thế nào?
Khi các nguyên nhân gây đau lưng mãn tính đã được giải quyết, phương pháp tái xử lý cơn đau sẽ được áp dụng. Nó bao gồm các bài tập, hướng dẫn để giúp người bệnh có nhận thức đúng đắn về cơn đau. Từ đó làm xua tan sự sợ hãi của bệnh nhân với cơn đau, và hình thành một thái độ tích cực hơn về tình trạng của bản thân.
Để kiểm chứng hiệu quả của điều trị đau lưng mãn tính bằng tâm lý liệu pháp (PRT), một nghiên cứu ngẫu nhiên kéo dài từ 8/2017 -9/2011 đã được diễn ra. Đối tượng tham gia nghiên cứu đều là những đối tượng bị đau lưng kéo dài hơn 6 tháng, có độ tuổi trải rộng từ 21-70 tuổi.
Hơn 135 đối tượng tham gia chương trình sẽ được các nhà khoa học chia làm ba nhóm. Ba nhóm này áp dụng các phương pháp điều trị đau lưng mãn tính khác nhau bao gồm áp dụng phương pháp tái xử lý cơn đau (PRT), sử dụng giả dược, và nhóm chỉ áp dụng các điều trị thông thường.
Trong đó, nhóm áp dụng phương pháp tái xử lý cơn đau (PRT) sẽ được bác sĩ tư vấn từ xa về tình trạng đau cũng như các vấn đề sức khỏe. Mỗi buổi tư vấn diễn ra trong 1 tiếng, với tần suất 2 buổi/tuần và kéo dài cho đến 4 tuần.
Còn với nhóm sử dụng giả dược, các bệnh nhân sẽ thường xuyên được tiêm nước muối vào khu vực lưng bị đau. Kèm theo đó, bệnh nhân sẽ được xem các video hoặc tài liệu giới thiệu về tác dụng, ảnh hưởng của giả dược lên tình trạng của bản thân.
Sau 1 tuần điều trị, kết quả giảm đau sẽ được đánh giá để so sánh hiệu quả điều trị giữa các nhóm bệnh nhân. Các thang điểm đánh giá đau và chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) là các phương pháp đánh giá được sử dụng chủ yếu trong nghiên cứu.
Điều trị đau lưng mãn tính bằng liệu pháp tâm lý cho hiệu quả đáng kể và lâu dài
Khi các đánh giá sau nghiên cứu được thực hiện đã cho thấy kết quả rất bất ngờ. Nếu như lúc bắt đầu nghiên cứu, các bệnh nhân có mức độ đau trung bình là 4,1/10. Thì sau khi nghiên cứu diễn ra, mức độ đau của các bệnh nhân đã giảm đi đáng kể. Đặc biệt là ở các bệnh nhân điều trị đau lưng mãn tính bằng liệu pháp tâm lý (PRT).
Cụ thể, mức độ đau của bệnh nhân điều trị đau lưng mãn tính bằng PRT đã giảm lần lượt 1,79 điểm và 2,4 điểm so với các bệnh nhân áp dụng giả dược và các bệnh nhân chỉ áp dụng giảm đau thông thường. Đồng thời có đến 66% bệnh nhân áp dụng phương pháp PRT không đau hoặc gần như không đau sau điều trị.
Và đến 1 năm sau, mức độ đau của người bệnh áp dụng phương pháp PRT giảm xuống chỉ còn 1,51/10. Trong khi đó mức độ đau tương ứng ở nhóm bệnh nhân sử dụng giả dược và nhóm bệnh nhân điều trị thông thường vẫn còn ở mức cao, lần lượt là 2,79/10 và 3/10.
Theo Tiến sĩ IIan Danan, một nhà thần kinh học và chuyên gia điều trị đau thì nghiên cứu đem lại kết quả đáng mừng. Nó giúp hạn chế việc bệnh nhân sử dụng các loại thuốc giảm đau, nhất là ở những trường hợp bị đau mãn tính. Vì vậy, những nghiên cứu nên được tiếp tục phát triển và ứng dụng nhiều hơn trên lâm sàng.
Mặc dù nghiên cứu có nhiều ưu điểm như chọn lựa mẫu ngẫu nhiên, có sự kiểm soát tốt các đối tượng tham gia, cùng với đó là sự khách quan trong đánh giá sau điều trị (các thang điểm đau, fMRI),... Nhưng do chủ yếu áp dụng trên đối tượng là người da trắng với trình độ hiểu biết cao, nên tính khái quát của kết quả vẫn còn hạn chế.
Sau cùng, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận, cảm giác đau là thật sự 100%. Nhưng không phải khi nào cũng có thể tìm được nguyên nhân gây đau, phần lớn các trường hợp là do các rối loạn dẫn truyền trong não bộ gây nên.
Vì vậy họ hy vọng, điều trị đau lưng mãn tính bằng liệu pháp tâm lý và thay đổi hành vi có thể đem đến kết quả giảm đau tích cực cho bệnh nhân. Và có thể mở rộng ra đối với cả những loại đau mãn tính khác.