Đỗ Nhật Nam được 'tắm' ngôn ngữ từ trong bào thai

14/11/2016 - 07:10
Không phải ngẫu nhiên mà Đỗ Nhật Nam có khả năng tuyệt vời về ngôn ngữ. Ngoài cách nuôi dạy con vô cùng công phu của người mẹ, Nam còn được bố là PGS.TS Đỗ Xuân Thảo cho thẩm thẩu ngôn ngữ từ bé.
Được cả bố và mẹ "tắm" ngôn ngữ từ nhỏ nên Đỗ Nhật Nam có khả năng rất tuyệt vời về ngôn ngữ. Ảnh internet.

Anh Đỗ Xuân Thảo làm việc trong lĩnh vực ngôn ngữ nên đã tận dụng các hình thức nghệ thuật để dạy con: Hát ru, đọc thơ, đọc, kể chuyện, cùng con xem phim…

Anh Thảo chia sẻ: Với các hình thức nghệ thuật này, điều quan trọng là không chỉ giáo dục về trí tuệ mà còn làm đầy tâm hồn ngay từ khi con còn nhỏ. Đêm nào, tôi cũng vỗ về thai nhi để ru con ngủ. Bởi, các nhà tâm lý khẳng định, não của thai nhi tiếp nhận ngôn ngữ của người cha tốt hơn người mẹ.

Khi Nam còn bé, lúc 1-2 tuổi, tôi thường hát ru con như muốn truyền cả kho tàng dân ca cho con mình. Điệu hát ru đối với con có giá trị vô cùng lớn lao.

Con lớn, tôi hay kể chuyện cho con nghe vào giờ cố định. Hôm nay con kể, ngày mai bố kể. Con kể thì bố nghe, dù có chuyện bố không thích. Ngược lại, bố kể, con cũng phải nghe, dù có chuyện con không thích. Quy định như thế để rèn cho con sự kiên nhẫn, biết tôn trọng, lắng nghe người khác. Sau đó, bố con tôi có quy định yêu cầu người nghe kể tóm tắt câu chuyện của mình, đặt tiêu đề khác cho câu chuyện đó, nghĩ kết thúc câu chuyện khác đi. Tôi luôn làm đầy tâm hồn cho con bằng những cách giản dị như vậy.

Chính vì thế, khi con sang Mỹ học, tôi có hỏi dự tính tương lai của Nam thì con trả lời bố bằng câu dân ca: Đến đây chỉ ở lại đây. Bao giờ bén rễ xanh cây thì về. Nam có sự thẩm thấu những dân ca rất chi tiết.

Đỗ Nhật Nam còn có khả năng tiếng Anh "cực khủng". Ảnh internet.

Chị Phan Thị Hồ Điệp, mẹ của Đỗ Nhật Nam cũng “bật mí” về việc kích hoạt và phát triển ngôn ngữ cho con: Khi mang bầu 7 tháng, tôi đã cảm nhận được Nam đã lắng nghe và luôn muốn được nghe tôi trò chuyện. Mỗi tối, tôi dành ra khoảng 30 phút để có thể kể chuyện, đọc thơ và tán gẫu với Nam.

Nếu như tôi vì mệt mỏi hoặc quên làm việc đó, Nam sẽ phản ứng lại bằng những cách đạp nhẹ vào bụng mẹ một cách rất đáng yêu. Tôi luôn cố gắng giữ cho mình một tâm thế thoải mái, lạc quan nhất trong giai đoạn này vì tôi tâm niệm: Sự buồn chán, mệt mỏi của mẹ rất có thể sẽ khiến đứa trẻ khi chào đời mang trong mình tính cách khó tính và nóng nảy.

Âm nhạc cũng được tôi áp dụng rất nhiều, tuy nhiên thay vì sử dụng những bản cổ điển (như đa số các tài liệu gợi ý các mẹ có bầu nên áp dụng), tôi cho Nam nghe những bài hát và ca khúc thiếu nhi. Tôi tin giai điệu ngọt ngào dễ thương và dễ nhớ sẽ giúp ích nhiều hơn cho con mình. Tóm lại, lời con nói, tiếng con cười cũng sẽ là kết quả của tình yêu thương, tấm lòng của mỗi chúng ta nếu ta thật sự tâm huyết và thực hiện một cách bài bản, đều đặn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm