Đoạn kết gay cấn của những vụ trao nhầm con rúng động thế giới

20/07/2018 - 13:17
Những vụ vô tình trao nhầm con diễn ra trên thế giới đã gây ác mộng cho nhiều người. Nhiều gia đình phát hiện ra sự nhầm lẫn kịp thời nhưng cũng có những người phải hàng chục năm mới biết được thân thế thật sự của mình và phải chịu đựng nhiều tổn thương tinh thần.
Ca trao nhầm con thay đổi hệ thống sản khoa ở Mỹ
 
Câu chuyện bắt đầu với sự ra đời của hai bé gái vào ngày 29/6/1995. Bà mẹ đơn thân Paula Johnson sinh bé Callie ở Trung tâm y tế Đại học Virginia, Charlottesville. Ngày hôm sau, cũng ở đây, Kevin Chittum (18 tuổi) và bạn gái Whitney (16 tuổi) chào đón sự ra đời của con gái mình, Rebecca. Cả hai gia đình đều không hề hay biết sự tồn tại của nhau trong nhiều năm.
a2-paula-johnson-va-callie-2.jpg
Bà Paula Johnson và Callie

 


Khi Callie lên 3 tuổi, ông Carlton Conley, người cô gọi là cha, vì nhận thấy sự khác biệt của con gái nên đã đề nghị vợ tiến hành xét nghiệm ADN. Kết quả nhận được khiến họ bàng hoàng khi cả hai đều không phải là cha mẹ ruột của Callie. Cô bé hóa ra là con gái của Kevin và Whitney.

 

Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi các bác sĩ định nói tin này cho Kevin và Whitney, cặp đôi cùng 5 người họ hàng và bạn bè đã thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi. Họ không bao giờ biết được đứa trẻ mình đã nuôi nấng suốt 3 năm qua không phải con mình.

 

Sau khi biết Kevin và Whitney đã qua đời, Paula quyết định đòi lại con ruột của mình và kiện đòi quyền giám hộ Rebecca năm 1999. Tuy nhiên, bố mẹ của Kevin và Whitney kiên quyết tìm cách giữ cô bé. Sau 3 năm kiện tụng, một thẩm phán ra quyết định rằng hai cô bé sẽ ở lại với gia đình đang nuôi mình đến khi đủ lớn để ra quyết định. Paula đã  kiện Trung tâm y tế Đại học Virginia, yêu cầu được bồi thường 31 triệu USD và cuối cùng nhận 1,25 triệu USD.

 

Sau khi vụ việc gây rúng động dư luận này, các bệnh viện sản trên khắp nước Mỹ đã xem đây là một lời cảnh tỉnh và rà soát lại quy trình cũng như hiện đại hóa các biện pháp ngăn chặn tình trạng trao nhầm trẻ sơ sinh với vòng tay nhận dạng. 

a3-vong-nhan-dang.jpg
Vòng tay nhận dạng để tránh nhầm con ở bệnh viện Mỹ
 
Dùng vòng tay này để nhận diện cũng bảo vệ cho trẻ em khỏi việc bị bắt cóc. Trẻ em chỉ được trao cho cha mẹ (hoặc ông bà) khi được quét scan nhận dạng chính xác. Một số bệnh viện còn lấy vân tay, vân chân hoặc dấu bàn tay của trẻ sơ sinh để tránh nhầm lẫn. Các y tá cũng sẽ kiểm tra lại lần hai danh tính của người mẹ.
 
Phần lớn bệnh viện áp dụng cách đánh số cho trẻ lúc sinh, vòng tay có con số này cùng họ của người mẹ, giới tính và ngày giờ sinh của trẻ sẽ được đeo ngay cho mẹ và con trước khi tách ra. Từ năm 1998 đến nay, tại Mỹ đã không có báo cáo thêm vụ trao nhầm con nào khác.

 

Đoàn tụ sau 72 năm bị trao nhầm 

Cách đây không lâu, bà Denice Juneski ở tiểu bang Minnesota đã gửi mẫu xét nghiệm ADN của mình lên trang phả hệ 23andMe chỉ để xem tiền sử bệnh tật gia đình và nhận kết quả sốc: Bà không hề có quan hệ ruột thịt với bất cứ ai trong gia đình, kể cả người mẹ.

Không tin nổi, bà xét nghiệm lần 2 nhưng kết quả vẫn không thay đổi. Từ đó hé lộ nhiều giải đáp vì sao bà là người duy nhất có tóc vàng trong khi các anh chị em đều tóc nâu và hoe đỏ. Bà cũng chẳng có chút năng khiếu thể thao nào dù mọi thành viên khác trong gia đình đều chơi xuất sắc.
 
a5-denice-juneski-linda-jourdeans.jpg
Bà Denice Juneski (trái) và bà Linda Jourdeans phát hiện ra sự thật sau 72 năm.
 
Cách đó gần 65 km, ở bang Wisconsin, cháu gái của bà Linda Jourdeans lại chú ý đến cái tên Juneski khi thấy kết quả ADN của mình có liên quan tới người phụ nữ xa lạ này. Cô gái đã kể cho bà dì Jourdeans biết và tin chắc rằng bà dì đã bị trao nhầm khi lọt lòng. “Tôi làm xét nghiệm ADN ngay vì cũng từng băn khoăn khi thấy mình quá khác biệt mọi người trong nhà”, bà Jourdeans kể. Bà Jourdeans là cô con gái tóc hoe đỏ duy nhất trong gia đình tóc vàng và trong nhà cũng chỉ mình bà là vận động viên, vẫn chơi bóng mềm khi đã trên 50 tuổi.
 
Sự thật dần mới được hé lộ. Ngày 19/12/1945, ở Bệnh viện Bethesda, bang Minnesota, bà Juneski và bà Jourdeans chào đời cách nhau 31 phút. Không hiểu bằng cách nào, cả hai bị trao đổi cho nhau. “Chúng tôi chẳng bao giờ biết được bí mật ấy. Những người y tá chăm sóc chúng tôi chắc đều đã qua đời. Suốt 72 năm qua, chúng tôi sống cuộc đời của nhau và đều nghĩ mình là con của bố mẹ mình”, bà Juneski nói.
 
Kể từ khi phát hiện ra việc bị trao nhầm hồi tháng 4/2018, cả hai người phụ nữ đã gặp nhau vài lần và cũng đến thăm người mẹ 99 tuổi chung của họ: Một người được bà sinh ra, người kia được bà nuôi dưỡng. Cả hai bà đều coi phát hiện này là một món quà khi mỗi người lại có thêm gia đình mới.
 

Vượt qua khủng hoảng 

Ngày 4/7/1994, khi hạ sinh bé Manon tại bệnh viện Cannes-la-Bocca, thành phố Cannes (Pháp), bà Sophie Serrano không thể tưởng tượng rằng câu chuyện tráo nhầm con lại xảy ra với mình. Con gái của bà Sophie bị bệnh vàng da sau sinh và được đặt trong lồng ấp cùng một trẻ khác.
 
Nhận lại con sau khi điều trị, Sophie cảm thấy nghi ngờ vì màu da của đứa trẻ tối hơn nhiều so với lúc mới sinh. Tuy nhiên, y tá quả quyết rằng, không có chuyện gì xảy ra và ánh sáng trong lồng ấp là nguyên nhân khiến màu da của bé thay đổi.
 
Khi Manon được 18 tháng tuổi, Sophie đưa con gái chuyển ra ngoài sinh sống vì không thể chịu đựng sự ngờ vực từ chồng và sự châm chọc của hàng xóm. Khi Manon lên 9 tuổi, người mẹ đã đi xét nghiệm ADN và nó chứng minh rằng mối ngờ vực đó là chính xác.
 
Bà Sophie bị mắc chứng trầm cảm và công việc kinh doanh phá sản sau khi phát hiện ra sự thật. “Tôi mất tất cả mọi thứ. Tôi mất niềm tin vào bản thân. Là một người mẹ, tại sao tôi lại để chuyện như vậy xảy ra? Tất cả các con tôi đều phải tìm sự trợ giúp từ các chuyên gia tâm lý”, bà nói. Bà Sophie còn có hai người con khác.
 
a7-sophie-serrano-2.jpg
Manon (bìa trái) quyết định sống cùng người mẹ không cùng chung dòng máu Sophie Serrano
 
Sau nhiều lần đấu tranh tư tưởng, Sophie đã nói ra sự thật với Manon và đứa con đã khóc nức nở vì sợ rằng họ sẽ bị chia cắt. Dù vô cùng sợ hãi, Sophie luôn cố gắng mạnh mẽ và trấn an con. Năm 2010, để tìm lại gia đình đã nhận con gái ruột, bà Sophie đã đệ đơn khiếu nại dân sự bệnh viện. Một cuộc điều tra được tiến hành sau đó và con đẻ của Sophie được xác định sống cách nơi bà ở chỉ 30 km.
 
Theo cảnh sát điều tra, cha mẹ ruột của Manson là một cặp đôi đến từ đảo Réunion thuộc Pháp nằm trong Ấn Độ Dương. Vào ngày định mệnh năm 1994, nữ y tá phụ trách chăm sóc ca sinh của bà Sophie đã sử dụng rượu trong ca trực, dẫn tới sai sót nghiêm trọng. Tòa án Pháp hồi tháng 2/2015 ra phán quyết yêu cầu bệnh viện Cannes-la-Bocca bồi thường hơn 2 triệu USD cho hai gia đình.
 
a6-sophie-serrano-1.jpg
Sophie ôm hai cô con gái vào lòng sau khi toà án yêu cầu bệnh viện bồi thường vì trao nhầm con
 
Khi gặp lại con ruột bị y tá trao nhầm, cảm xúc của bà Sophie trở nên lẫn lộn. Theo bản năng, bà yêu con gái ruột nhưng vẫn dành nhiều tình cảm cho Manon. Sau vài năm, hai gia đình quyết định không ép buộc hai cô con gái đoàn tụ với bố mẹ đẻ. Manon quyết định vẫn sống cùng gia đình và người mẹ không cùng chung dòng máu nhưng đã ở bên cô suốt từ thuở lọt lòng.
 

Vụ trao nhầm con ở Bệnh viện đa khoa Ba Vì (Hà Nội):

Hỗ trợ mỗi gia đình 150 triệu đồng và các chi phí liên quan

Mỗi gia đình trong vụ trao nhầm con sẽ nhận 150 triệu đồng tổn hại tinh thần và toàn bộ chi phí xét nghiệm ADN, đi lại từ Bệnh viện đa khoa Ba Vì (Hà Nội). Bệnh viện (BV) cũng đề nghị cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục lý lịch tư pháp cho các bé.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp 3 bên gồm Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, gia đình chị Vũ Thị Hương và gia đình anh Phùng Giang Sơn để thống nhất phương án bồi thường và trao trả con được tiến hành sáng 19/7.

Tại buổi họp, chị Hương khóc rất nhiều và cho biết hai gia đình đã thống nhất trao trả con. Tuy nhiên, theo chị Hương, nếu bé Đoàn Nhật Minh (chị Hương đang nuôi) muốn về nhà bố mẹ đẻ chị sẽ đồng ý trao ngay, ngược lại, chị sẽ tạm thời chăm sóc cháu. Chị Hương cũng cho biết, từ trước đến nay chị chưa từng đòi hỏi BV bồi thường bao nhiêu. Việc bồi thường như thế nào là do BV tự nguyện.

Còn anh Phùng Giang Sơn đề nghị BV và cơ quan chức năng hỗ trợ ổn định tâm lý cho 2 bé. Bởi thời gian qua, do lỗi lầm của BV đã làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý của 2 bé.

Đại diện BV Đa khoa Ba Vì cho biết, việc hỗ trợ thiệt hại trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên. Sau khi bàn bạc, các bên thống nhất BV hỗ trợ toàn bộ chi phí liên quan đến xét nghiệm ADN là hơn 41 triệu đồng. Ngoài ra BV sẽ hỗ trợ mỗi gia đình 150 triệu đồng tổn thất tinh thần. BV sẽ đề nghị các cơ quan liên quan hoàn thiện lý lịch tư pháp cho các bé. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm