Chính trị - Xã hội

Những kỷ vật sống mãi với thời gian trong căn hầm bí mật của má Tám Nhung

Thế Anh - HT 04/09/2020 - 08:18 AM
Trong chuyến về nguồn của văn phòng Miền Nam Báo Phụ nữ Việt Nam vừa qua, chúng tôi đã đến thăm Di tích lịch sử cách mạng nhà má Tám Nhung (tên thật là Hồ Thị Khuyên) ở số 1, Trần Xuân Độ (TP Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu). Những kỉ vật được lưu giữ nơi đây dù đã bám bụi “thời gian” nhưng câu chuyện về má vẫn nguyên vẹn là một vầng sáng lung linh đầy tôn quý.

Má Hồ Thị Khuyên (sinh năm 1905, mất năm 1985) mọi người trong xóm thường gọi với tên thân mật là má Tám Nhung (vì chồng của má là ông Nguyễn Văn Nhung). Ông Nhung cũng là một người có tinh thần yêu nước, căm thù thực dân Pháp và bọn địa chủ cường hào, ác bá, sớm được giác ngộ cách mạng. Hai người con của má Tám Nhung đều tham gia cách mạng và hy sinh. Má Tám Nhung được Nhà nước phong tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".   

Ngôi nhà của vợ chồng má Tám Nhung từng là cơ sở nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng… Đặc biệt, ngôi nhà có 1 căn hầm bí mật được xây vào tháng 6/1967. Nhìn bề ngoài là hình thức một bể chứa nước, phần có máng xối xuống là bể chứa nước, còn nửa kia thực ra là hầm bí mật cửa ở vách trong buồng. Nắp hầm là hình thức bức vách rộng 40cm, dài 80cm, trên nắp hầm được ngụy trang bằng dụng cụ của gia đình để lên trên. Khi có động cán bộ chỉ cần đẩy bức vách bước xuống hầm rồi đóng lại thì nhìn bên ngoài như một bức vách của vách nhà, rồi để một tủ nhỏ đựng chén đĩa để ngụy trang.

Đoàn phóng viên báo Phụ nữ Việt nam thăm căn hầm bí mật nhà má Tám Nhung - Ảnh 3.

căn hầm bí mật được xây vào tháng 6 năm 1967

Anh Hồ Văn Hùng, (sinh năm 1964, con nuôi của má Tám Nhung) kể lại, khu vườn trước đây rất rậm rạp, yên tĩnh và trồng nhiều cây ăn trái. Tại ngôi nhà này vào những ngày cách mạng tháng Tám 1945 là nơi họp của Ủy ban Mặt trận Việt Minh, trong 2 cuộc kháng chiến, ngôi nhà là cơ sở nuôi giấu cán bộ hoạt động trong nội ô của Tỉnh ủy, Thị ủy Vũng Tàu…

Trong ký ức của người đàn ông này, hình ảnh của một người mẹ cứ sáng sáng lại ra chợ bán nhãn và linh hoạt thu xếp mọi việc để nuôi giấu cán bộ sẽ không bao giờ quên.

Với giá trị và ý nghĩa lịch sử trên, năm 1989 nhà má Tám Nhung (Hồ Thị Khuyên) được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích cấp quốc gia. Năm 2015, ngôi nhà của má Tám Nhung đã được trùng tu, tôn tạo.

Đoàn phóng viên báo Phụ nữ Việt nam thăm căn hầm bí mật nhà má Tám Nhung - Ảnh 4.

Năm 1989 nhà má Tám Nhung (Hồ Thị Khuyên) được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tích cấp quốc gia

Di tích trở thành điểm tham quan giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay. Đến đây, chúng ta càng thêm tự hào về tấm lòng nhân hậu, cao cả của một người mẹ Việt Nam anh hùng trọn đời hy sinh để đất nước trọn vẹn 2 chữ "độc lập".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn