Doanh nghiệp bất động sản có nguy cơ phá sản vì dự án ‘đứng hình’

26/10/2019 - 18:03
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.
HoREA vừa có báo cáo về xu thế sụt giảm của thị trường bất động sản TP.HCM trong thời gian qua. Theo HoREA, trong 2 năm gần đây, thị trường bất động sản TP.HCM bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Có nhiều dự án nhà ở bị “đứng hình” do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triển khai.
 
HoREA cho rằng việc phân loại nhà ở của một số dự án nhà ở có thể chưa thật phù hợp. Trong 9 tháng đầu năm 2019, đồng thời với sự sụt giảm quy mô thị trường bất động sản, còn có sự “lệch pha” nguồn cung về phân khúc nhà ở cao cấp, có thể chiếm tỷ trọng lên đến khoảng 70-80% tổng số nhà ở đưa ra thị trường.
 
Thực tế đang xảy ra tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ nhà ở thương mại bình dân có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, dẫn đến giá nhà đất tăng. Điều này khiến cho số đông người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.
 
 
Người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn

 

Số liệu từ cơ quan chức năng cho thấy, các dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản triển khai trên địa bàn thành phố từ năm 2017 đến nay giảm xuống theo từng năm. Trong 9 tháng đầu năm 2019, chỉ có 1 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, 12 dự án được chấp thuận đầu tư, không có  dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư và 24 dự án nhà chung cư, dự án nhà ở thấp tầng được cấp phép xây dựng.
 
Số lượng dự án nhà ở hoàn thành đã bị sụt giảm mạnh, chỉ có 17 dự án, với 111 ha 43 và 12.453 căn nhà trong 9 tháng đầu năm 2019.
 
Trong thời gian này, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm khoảng 30-50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng; các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập. Các ngân hàng thương mại có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ; nguồn thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất và thị trường bất động sản có thể còn bị sụt giảm hơn nữa.
 
HoREA đánh giá, thị trường bất động sản thành phố hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng. Thị trường bất động sản thành phố rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.
 
Tuy nhiên, do thị trường bất động sản có "độ trễ" nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.
 
 
 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm