pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Độc đáo bức tranh Bác Hồ ở đất Sen Hồng
Mỗi du khách khi đặt chân đến Viet Mekong Farmstay (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) luôn bị thu hút bởi bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được treo trang trọng ở sảnh chính của khu du lịch này.
Chị Hồ Ngọc Trâm, Giám đốc điều hành Viet Mekong Farmstay, cho biết, bức tranh đặc biệt này được ông nội của chị - cố nghệ nhân Hồ Văn Tai - dày công thực hiện để dàng tặng riêng cho cháu gái.
Theo chị Trâm, tranh gói vải là loại tranh tạo hình nổi bằng chất liệu vải trên nền giấy, tạo nên sự chân thực, sống động như những tranh 3D ngày nay. Ngoài bức tranh được treo tại Viet Mekong Farmstay, còn 2 bức khác gói vải chân dung Bác Hồ với kích thước lớn hơn hiện được đặt ở Hà Nội và Cần Thơ cũng do nghệ nhân Hồ Văn Tai thực hiện.
"Khi tôi chia sẻ về sự án khởi nghiệp sẽ thực hiện tại quê hương, ông nội đã quyết định sẽ làm bức tranh chân dung Bác Hồ dành tặng tôi để treo tại điểm du lịch. Bức tranh được ông hoàn thành vào tháng 6/2020", chị Ngọc Trâm chia sẻ về sự ra đời của bức tranh.
Bức tranh chân dung Bác Hồ đã được nghệ nhân Hồ Văn Tai thực hiện trong suốt hơn 3 tháng, với những chất liệu tốt nhất. Có một điều đặc biệt, bộ râu của Bác trên bức tranh được cố nghệ nhân làm từ đầu khóm, chuốt cẩn thận, phơi khô, sau đó đắp lên tạo được độ bền, óng ánh như bộ râu thật.
"Nếu nhìn từ xa, tác phẩm tranh gói vải này không khác biệt mấy so với những bức tranh bằng các chất liệu khác nhưng chính nét tươi sáng, đôn hậu trên gương mặt Bác Hồ đã thu hút tất cả du khách, khiến mọi người quan sát lâu hơn và muốn tìm hiểu về ý nghĩa, điểm đặc biệt của bức tranh", chị Ngọc Trâm chia sẻ.
Nghệ nhân Hồ Văn Tai (sinh năm 1938, ngụ Đồng Tháp) được xem là nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh gói vải ở miền Tây Nam bộ. Ban đầu, đây chỉ là sáng kiến thay hình dán giấy bằng vải hoặc gấm chuyên về chân dung để dùng trong thờ phụng. Về sau, tranh có thêm nhiều chủ đề phong phú, được sử dụng làm quà tặng trong các dịp đám cưới, mừng thọ, tân gia. Dòng tranh này hưng thịnh ở miền Tây Nam bộ từ thập niên 50 - 60 của thế kỷ 20, thế nhưng truyền nhân rất ít.
Ông Tai bắt đầu làm tranh gói vải khi mới 16 tuổi. Phần vì đam mê và yêu thích, phần là phương kế mưu sinh. Đặc biệt, cũng nhờ đó, ông tìm được tri kỷ cuộc đời là người vợ Nguyễn Thị Bạch Thủy. Sau hơn 60 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Hồ Văn Tai đã tạo ra hơn 3.000 bức tranh gói vải. Trong đó, bức tranh chân dung Bác Hồ tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người.
Thực hiện: Đình Hưng - Thế Anh
Người phụ nữ hơn 20 năm thầm lặng gìn giữ nơi ở đầu tiên của Bác Hồ tại Hà Nội