pnvnonline@phunuvietnam.vn
Yêu
Đọc truyện 'Bao giờ trở lại ngày xưa'
Không thể nuôi dưỡng hôn nhân bằng sự sở hữu, độc chiếm mà là sự thả lỏng bản thân, buông lơi cho đối phương có những khoảnh khắc được tự do, có những bí mật chỉ thuộc về riêng họ... Có như thế, hôn nhân mới không bị tù túng, ngạt thở. Cái giá mà Nhung phải trả để nhận ra chân lý này suýt nữa phải đánh đổi bằng cuộc hôn nhân gần chục năm “đầu gối tay ấp” với Trường cùng hai thiên thần nhỏ đáng yêu. Tất cả cũng chỉ tại Nhung muốn cưới sớm, cưới vội vì không muốn để lỡ mất người yêu lý tưởng. Có lẽ cũng bởi sự khát khao muốn chiếm hữu nên cô không chịu được khi những ánh mắt sắc lẹm của bao người phụ nữ khác nhìn vào anh.
Lần đầu tiên anh tỏ tình dưới ánh nến lung linh với bó hồng đỏ thắm, khiến Nhung ngây ngất mãi không thôi. Lần đầu tiên Nhung được bạn trai dẫn đi mua sắm, cảm giác thích cái nào lấy cái đó còn việc duy nhất Trường làm là quẹt thẻ mà không cần phải nhìn giá. Cái cảm giác lần đầu tiên được khoác trên vai cái túi mấy chục triệu, xỏ chân vào đôi giày hàng hiệu khiến Nhung lâng lâng cả tháng. Cái cảm giác ấy giống như chất gây nghiện, không khác gì cảm giác lần đầu được ôm thật lâu và hôn thật sâu. Chính sự choáng ngợp ấy đã biến cô thành kẻ ích kỉ, chỉ muốn giữ thật chặt Trường cho riêng mình.
Cô cho rằng sợi dây “trói” chặt nhất không gì hơn một đám cưới hay cái bụng bầu nên cô quyết định làm cả hai việc cùng một lúc. Nhung khờ dại đến mức chủ động “bẫy bầu” để được cưới và dĩ nhiên cũng được như ý nguyện vì dù sao anh cũng không phải người vô trách nhiệm. Ngày cùng anh bước vào lễ đường, Nhung khấp khởi mừng thầm vì đã “bẫy” thành công còn Trường lại ngơ ngác, mơ hồ về cái lần đầu được lên chức “bố”. Ngọt ngào chưa được bao nhiêu thì thực tế phũ phàng khiến cả hai nảy sinh mâu thuẫn. Những rắc rồi xuất hiện nhanh và nhiều hơn những gì cô tưởng.
Dù đã làm bố trẻ con nhưng Trường vẫn ham chơi. Chỉ cần ai gọi điện thoại đến rủ là anh khó chối từ. Có nhiều hôm đợi chồng đến khuya mới về, cô dằn dỗi bỏ về phòng rồi chốt chặt cửa lại. Cứ ngỡ anh sẽ năn nỉ để khỏi bị bố mẹ phát hiện nhưng không ngờ anh lại dắt xe đi một mạch tới sáng. Cô ngồi trước cửa đợi chồng với hàng loạt câu hỏi tra vấn: Anh đã làm gì bên ngoài? Sao về rồi lại bỏ đi? Anh chán ghét em lắm rồi phải không? ...
Mỗi lần như thế cô lại gọi điện thoại cho bạn để tố khổ: “Sao cậu thứ gì cũng kém chồng mà lại được anh ấy yêu thương, chiều chuộng tới vậy? Còn mình đâu có kém cạnh ai mà suốt ngày phải lo giữ chồng. Cậu có bí quyết gì mà “trói” chồng hay vậy?”. Trong điện thoại bạn cô cười không ngớt: “Trong tình yêu mà đòi hỏi công bằng cái nỗi gì không biết. Sao lúc nào cũng nghĩ đến “trói” với chả buộc, sao không thả lỏng mình cho đỡ mệt. Tớ mỗi tuần ra ngoài ăn tối vài lần, rủ nhau đi bơi, đi xem phim, trốn con đi hò hẹn cà phê, đi mua sắm...
Sao cậu không cho chồng mình một cái chìa khóa để thỉnh thoảng có thể tự mở cái lồng hôn nhân mà chui ra hít thở không khí trong lành. Đằng này cậu suốt ngày lo gọi điện thoại, nhắn tin xem chồng đang ở đâu, làm gì rồi mò mẫm đọc trộm tin nhắn xem anh ấy có hò hẹn ai không... Cậu làm thế mà không thấy mệt sao?”.
Ai sau khi được hít thở chút không khí của khoảng không, được tự do làm vài việc mình muốn mà chẳng muốn trở về với tổ ấm của mình vì ở đó họ không phải là một tù nhân cũng không phải cai ngục. Cảm giác được sở hữu kia sẽ tan biến rất nhanh. Đồ mới mặc lâu thành cũ, món ngon ăn nhiều cũng chán và cái cảm giác háo hức của lần đầu tiên cũng sẽ qua nhanh, chỉ còn lại lần thứ hai hay lần thứ bao nhiêu cũng có khác gì nhau. Sao phải vội vàng sống chết cưới cho bằng được, phải giam cầm đối phương trong cái nhà tù vô hình của hôn nhân bằng cách kiểm soát người ta cả lúc thức lẫn lúc ngủ.
Đến lúc khóc hết nước mắt trong những đêm cô quạnh, Nhung mới chợt nhận ra người đàn ông mà mình gọi là chồng kia không phải là bộ quần áo mua về mặc thử, nếu không vừa có thể mang ra đổi trả. Lúc đó, nếu muốn đổi cô sẽ “các” rất nhiều thứ: Thanh xuân, tuổi trẻ, hạnh phúc, niềm vui và sự lạc quan. Có đáng không? Cô phải tự mình trả lời câu hỏi đó.