pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đổi mới tổ chức bộ máy Hội LHPN Việt Nam đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên vươn mình
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến (thứ 5 từ phải sang) và các Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam trao Quyết định cho các ban, đơn vị của Cơ quan TƯ Hội LHPN Việt Nam sau sắp xếp, tổ chức bộ máy. Ảnh: Thu Hà
Tại Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII ngày 25/11/2024, việc đổi mới và sắp xếp tổ chức bộ máy chính trị được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Trung ương, các ban đảng, Quốc hội, và Chính phủ phải gương mẫu", đồng thời nhấn mạnh tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" và quyết tâm hoàn thành tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017. Việc tinh gọn bộ máy trở thành trách nhiệm chung của hệ thống chính trị, bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Hội LHPN các cấp đã triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW và đạt nhiều kết quả nổi bật.
Công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết
Đối với Trung ương Hội: Sau Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam quán triệt Nghị quyết tới cán bộ, đảng viên, 100% viết bài thu hoạch thể hiện trách nhiệm. Trong quý 1-2/2018, các chi bộ sinh hoạt chuyên đề, tập trung vào Nghị quyết 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW. Tổ Biên tập được thành lập để xây dựng đề án kiện toàn bộ máy và vị trí việc làm. Trong các năm 2019, 2022, 2023-2024:
Ban hành đề án tổ chức bộ máy, giảm đầu mối cấp ban, củng cố bộ máy. Thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách theo quy định.
Đối với các cấp Hội địa phương: Nghị quyết 18-NQ/TW được quán triệt tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội và tuyên truyền trên Báo Phụ nữ Việt Nam. Trung ương Hội tổ chức đoàn nghiên cứu triển khai tại các địa phương như Long An, Bắc Kạn, Ninh Bình, Quảng Ninh. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam lần 3 (ngày 17/7/2018), các giải pháp thực hiện được thảo luận, nhấn mạnh vào: (i) Nâng cao vai trò tham mưu của các cấp Hội đối với cấp ủy; (ii) Kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, đảm bảo chức năng, nhiệm vụ; (iii) Thực hiện nghiêm việc sắp xếp tổ chức Hội theo Quy định 212-QĐ/TW.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết, Kế hoạch của Trung ương tại cơ quan, đơn vị
Trung ương Hội: Đã kết hợp việc kiểm tra thực hiện Nghị quyết với chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm, kết hợp với hoạt động kiểm tra, giám sát chung của Hội. Yêu cầu các đơn vị trực thuộc thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện, phân tích và đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.
Các cấp Hội địa phương: Chủ động xây dựng Đề án, Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết. Tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả triển khai và phản ánh những vướng mắc, bất cập về Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội thông qua Ban Tổ chức.
Công tác cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết
Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã chủ động cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết bằng việc ban hành các kế hoạch, chương trình hành động và đề án phù hợp với thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của tổ chức. Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cũng xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với lộ trình và định hướng của Trung ương Hội.
Tại địa phương, Ban Thường vụ Hội LHPN các cấp đã xây dựng chương trình hành động và đề án củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, trình cấp ủy cùng cấp phê duyệt, đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả trong việc thực hiện Nghị quyết.
Kết quả thực hiện Nghị quyết
Đối với Trung ương Hội: Khối hành chính, phong trào: Chức năng, nhiệm vụ được điều chỉnh theo nguyên tắc "một ban làm nhiều việc, một việc giao một ban", giảm cấp trung gian, cơ bản không còn cấp phòng (trừ Văn phòng). Giảm 01 ban (Ban Kế hoạch - Tài chính) và 8/14 đầu mối cấp phòng. Khối đơn vị sự nghiệp: Sắp xếp lại tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động. 4/6 đơn vị đã đạt mức tự chủ tài chính 100% như: Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ phát triển, Báo Phụ nữ Việt Nam. Tinh giản biên chế: Giảm 38 biên chế (từ 313 xuống 275 người), đạt 12,15%.
Đối với các cấp Hội địa phương: Cấp tỉnh: 63/63 tỉnh, thành đã tinh gọn tổ chức bộ máy theo Quy định 212-QĐ/TW, giảm đầu mối từ 352 xuống 223 (đạt 36,65%). Cấp huyện: Số đơn vị hành chính giảm từ 713 xuống 705. Cấp cơ sở: số đơn vị hành chính giảm từ 11.162 xuống 10.603, số chi hội giảm từ 104.141 xuống 88.859.
Đánh giá chung: Việc quán triệt Nghị quyết được triển khai dân chủ, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, các đề án tinh gọn bộ máy và nâng cao năng lực cán bộ được thực hiện đúng tiến độ. Nhờ tương tác tích cực với cán bộ, nên không có tình trạng khiếu kiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn tồn tại một số khó khăn như: Khó tuyển dụng cán bộ chất lượng cao, tình trạng chồng chéo chức năng tại một số ban/đơn vị và điều kiện cơ sở vật chất tại các đơn vị như Học viện Phụ nữ Việt Nam còn thiếu thốn.
Bài học kinh nghiệm
- Bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đồng bộ với quyết tâm cao, phát huy vai trò gương mẫu và trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cấp Hội.
- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, lấy kết quả thực hiện Nghị quyết và cam kết thi đua làm cơ sở đánh giá nhiệm vụ và khen thưởng.
- Làm tốt công tác tư tưởng đối với các tổ chức và cá nhân bị ảnh hưởng của việc sắp xếp; thực hiện chế độ chính sách đảm bảo quyền lợi cho cán bộ.
- Triển khai đồng bộ các giải pháp đánh giá, quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; hoàn thiện quy định về công tác cán bộ, tăng cường điều động, luân chuyển và bổ nhiệm.
- Đảm bảo tính đồng bộ, liên thông trong sắp xếp bộ máy, gắn với đổi mới phương thức hoạt động, xác định vị trí việc làm và tinh giản biên chế.
Phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế
Nguyên tắc chung: một ban/đơn vị thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một ban/đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm chính, sáp nhập các ban có nhiệm vụ tương đồng, đảm bảo không chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ; đảm bảo tương đối thống nhất bộ máy cấp Trung ương và cấp tỉnh/thành, giảm đầu mối trung gian, rõ nhiệm vụ, rõ quy trình, rõ hiệu quả, tăng cường phối hợp và điều hành.
Đối với cơ quan Trung ương Hội:
Đảng đoàn, Thường trực Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội quan tâm, lãnh đạo quyết liệt, trách nhiệm, chủ động, thực chất và dân chủ trong thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW; theo đó, Trung ương Hội sắp xếp giảm 05/15 (=33,3%) ban, đơn vị. Ngày 28/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 221-QĐ/TW, quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Trung ương Hội LHPN Việt Nam, với 11 đầu mối: Văn phòng, 4 Ban phong trào (Ban Chính sách - Luật pháp, Ban Kinh tế - Xã hội, Ban Tổ chức - Kiểm tra, Ban Tuyên giáo); 5 đơn vị sự nghiệp (Học viện Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Báo Phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ phát triển) và 1 doanh nghiệp (Tổ chức tài chính vi mô trách nhiệm hữu hạn một thành viên - TYM).
Đổi tên Đảng bộ Cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam thành Đảng bộ Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ cấp ủy của Đảng bộ đảm bảo tính hợp lý.
Dự kiến lộ trình đến năm 2027 giảm tối thiểu 26,5% biên chế.
Đối với Hội LHPN các tỉnh, thành: bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của các tỉnh, thành, chủ động xây dựng báo cáo tổng kết.
Đề xuất một số giải pháp
1. Nâng cao năng lực cán bộ: Tập trung đào tạo chuyên sâu, nâng cao năng lực quản lý, kỹ năng số và tư duy đổi mới cho cán bộ; đánh giá và giữ lại những cán bộ có năng lực, tinh thần trách nhiệm cao, phù hợp với yêu cầu công việc; thực hiện cơ chế cạnh tranh: Tạo cơ hội để cán bộ chứng minh năng lực bằng cách xây dựng tiêu chí, hệ thống thang điểm đánh giá cán bộ.
2. Đổi mới phương thức hoạt động: Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành, giảm bớt quy trình thủ tục hành chính; phân cấp, quyền, phân công cụ thể trách nhiệm cho các cấp Hội, giảm sự phụ thuộc vào cấp trên; kết nối với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp để chia sẻ nguồn lực và tăng tính hiệu quả.
3. Thay đổi tư duy quản lý: Chuyển từ tư duy "công chức, viên chức" sang tư duy "phục vụ, kiến tạo"; thúc đẩy phong cách làm việc đổi mới, sáng tạo và hướng đến hiệu quả.
Những kết quả đạt được trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cấp Hội LHPN Việt Nam là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực, quyết tâm và đồng lòng của toàn hệ thống. Điều này không chỉ khẳng định vai trò quan trọng của Hội trong việc thực hiện chủ trương lớn của Đảng mà còn góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc để Hội tiếp tục phát huy vai trò của mình đáp ứng yêu cầu của Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.