Đối ngoại Quốc hội đảm nhiệm vai trò tiên phong, mở đường phát triển quan hệ

16/08/2018 - 16:12
Ngày 16/8/2018, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 tiếp tục với Phiên họp “Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
ct.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30

 

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết hiện Việt Nam có quan hệ song phương ở kênh đối ngoại quốc hội với 140 nước. Công tác đối ngoại Quốc hội vừa thực hiện mục tiêu tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân ta với Quốc hội và nhân dân các nước, với các tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới, vừa thể hiện những quyền hạn và trách nhiệm của Quốc hội với nhiệm vụ là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Các hoạt động đối ngoại của Quốc hội không chỉ góp phần thúc đẩy hợp tác nghị viện mà còn góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, khoa học và công nghệ, văn hóa và giáo dục, giao lưu nhân dân…
 
Đối ngoại Quốc hội còn đảm nhiệm vai trò tiên phong, mở đường để phát triển quan hệ cũng như tham gia xử lý các vấn đề có vướng mắc. Trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đối ngoại Quốc hội góp phần giúp nghị sĩ, nghị viện các nước hiểu rõ, hiểu đúng về chủ trương, lập trường, quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị công tác đối ngoại, bao gồm cả ngoại giao nhà nước và đối ngoại Quốc hội cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm là xác định rõ vị thế, tầm quan trọng của đối ngoại trong tổng thể đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy lợi thế của ngoại giao nghị viện. Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo điều kiện cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, tăng cường tham mưu, giám sát và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương trong hội nhập quốc tế; tăng cường phối hợp giữa các kênh đối ngoại, đặc biệt là giữa ngoại giao Nhà nước với đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại nhân dân, hình thành thế hệ mới bạn bè, đối tác quan tâm và gắn kết với Việt Nam. Ngoài ra, cần nâng tầm đối ngoại đa phương, đặc biệt trong phối hợp vận động bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và chuẩn bị cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020, thực hiện tốt vai trò trong Liên minh Nghị viện thế giới, Hội đồng liên nghị viện ASEAN…
 
chu-tch-qh-nguyen-thi-kim-ngan-hoi-nghi-ngoai-giao-30-f.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh xem triển lãm ảnh về những thành tựu trong đối ngoại

 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội và Bộ Ngoại giao cần phối hợp tốt việc triển khai các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, thúc đẩy và giám sát triển khai thực thi các thỏa thuận quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động của Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam, mở rộng và nâng tầm hoạt động của các Nhóm nghị sĩ hữu nghị, nâng cao năng lực và phẩm chất của đội ngũ làm công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại Quốc hội nói riêng. 
 
ct2.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thứ trưởng Bộ Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga (thứ 2, từ phải sang) cùng các nữ đại sứ
 
Trả lời phóng viên bên lề Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 đang diễn ra, bà Nguyễn Phương Nga - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc - nhấn mạnh, Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng ngoại giao đa phương, với chủ trương từ khi giành độc lập đến nay là phát triển quan hệ với Liên hợp quốc - tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Việt Nam tích cực triển khai chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển bền vững cho đến năm 2030.
 
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đề xuất rất nhiều sáng kiến được bạn bè quốc tế đánh giá cao, như sáng kiến về tác động của biến đổi khí hậu với quyền con người, nhất là quyền của những người yếu thế như phụ nữ, trẻ em và người già.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm