Xót xa khi con “bay” mất 13kg thịt
Vừa đi làm về, chị Vương Thị Thảo ùa vào phòng hỏi chuyện con trai. 2 mẹ con ríu rít kể chuyện cho nhau nghe rất tình cảm, hạnh phúc. Sự quấn quýt ấy có từ 13 năm nay, thế nhưng, suốt hành trình 3 năm con trai bị ung thư, 2 mẹ con càng thêm gắn bó.
Là con đầu cháu sớm, là cháu đích tôn nên từ nhỏ cậu bé Lê Chí Kiên (sinh năm 2005) đã là niềm kỳ vọng của cả nhà. Càng ngày, sự kỳ vọng ấy càng lớn khi Kiên tỏ ra là một đứa trẻ khôi ngô, ham hiểu biết, ham học hỏi, nói năng đâu ra đấy. Thế nên, năm 2015, khi vừa tròn 10 tuổi, Kiên phát hiện bị mắc bệnh ung thư vòm họng khiến cả gia đình như “chết đứng”. Thời gian ấy, vợ chồng chị Thảo sốc nặng nên không nghĩ ra được gì, đầu óc như bị bó chặt. Còn bà nội khi biết hung tin liền đòi bán nhà để cứu đứa cháu nội yêu quý của mình.
Nghĩ lại ngày mới phát hiện bệnh của con, chị Thảo nói: Không bao giờ nghĩ con mình lại bị căn bệnh quái ác ấy. Buổi sáng con kêu đau tai, mẹ chỉ nghĩ con đau bình thường, cho con đi khám với suy nghĩ con bị ốm đơn giản như bệnh hắt hơi, sổ mũi thông thường. Vậy mà, con phải đi hết bệnh viện nọ đến bệnh viện kia vẫn không có kết quả. Phải đi chọc lao ở hạch, chọc sinh thiết, khi biết chắc con bị K vòm họng, trời đất như quay cuồng, sụp đổ dưới chân tôi.
Khi con chính thức “nhập khẩu” vào khoa Nhi của bệnh viện K, cả gia đình xác định phải đối mặt và chấp nhận sự thật. Bố mẹ là chỗ dựa cho con, nếu bố mẹ ủ rũ thì con sẽ bị ảnh hưởng tinh thần rất nhiều. Thế nên, chẳng còn cách nào khác, bố mẹ phải thay đổi để con thay đổi, bố mẹ phải vui vẻ, lạc quan để con có sức mạnh chiến đấu với bệnh tật.
Hồi đầu cho uống thuốc, Kiên không chịu uống vì có những viên rất khó uống. Kiên nói, con chết cũng được, đằng nào chả phải chết. Mẹ cứ phải nhẹ nhàng nói chuyện với con và chỉ ra các hướng để con có niềm tin khỏi bệnh.
Con đã trải qua 2 phác đồ. Phác đồ đầu tiên khi con bị di căn xuống xương đùi phải, xương chậu, con khá hợp tác, mẹ bảo gì làm đấy, bác sĩ, y tá nói gì con cũng nghe. Thế nhưng, ở phác đồ 2, khi con bị di căn xuống phổi và trung thất, hóa chất nặng hơn khiến người con rất mệt. Nhận hóa chất, con chạy trốn bằng cách quay mặt đi và ngủ, kệ mẹ muốn làm gì thì làm.
Thời gian xạ trị, con bị mất tuyến nước bọt, teo cổ nên suốt 7 tháng trời không ăn được gì, chỉ có nước cháo cầm hơi. "Nhìn đứa con trai khỏe mạnh 36 kg giảm xuống 23 kg trở nên tiều tụy, thoi thóp, tôi xót xa vô cùng và chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Tôi luôn cố gắng giấu đi những giọt nước mắt ấy để con yên tâm chữa bệnh", chị Thảo nhớ lại.
Đã có lúc sức khỏe của con suy kiệt. Gia đình đã chuẩn bị sẵn tinh thần. Có lần, con bị nôn quá nhiều nên mất nước và kali, chỉ số xuống bằng 0, suýt tử vong. Con cấp cứu trong tình trạng bị co giật, quá nguy cấp, mẹ đành để tay cho con cắn vì sợ con cắn vào lưỡi.
Sự hồi phục diệu kỳ
Chẳng ai có thể ngờ, sau 3 năm bền bỉ chiến đấu với căn bệnh quái ác, giờ đây sức khỏe của Kiên hồi phục rất nhanh. Cậu nhanh nhẹn, thông minh, khỏe mạnh, lên được 32kg và là một trong những học sinh giỏi top đầu của lớp.
Cách nói chuyện rất dễ thương của Kiên khiến người đối diện bất ngờ. Kiên có sự già dặn của người từng trải qua biến cố nhưng vẫn giữ được sự hồn nhiên, trong trẻo, ngây thơ của một đứa trẻ.
Kiên chia sẻ về hành trình chữa bệnh của mình: 1 năm qua, đời con như là mơ khi được đi học, được chạy nhảy, vui chơi với bạn bè, không phải vào viện, rời xa kim truyền, hóa chất. Mỗi lần vào viện rất chán, tinh thần giảm, con cảm thấy mệt mỏi. Con chỉ nằm yên truyền, không đi vệ sinh được, ăn cũng rất khó, cảm giác nằm trong viện ngày trôi qua rất lâu. Thế nhưng, khi được tháo kim truyền ra, con thấy rất sung sướng. Con liền chạy ra cửa hít thở khí trời, vặn vẹo chân tay.
Thế nên, hôm nào không phải truyền, con xin bác sĩ cho đi học. Cả năm lớp 5 con nằm viện nhiều hơn đến trường nên mẹ xin cho con học lại lớp 5. Cũng may, các bạn mới thường xuyên đến thăm con, động viên con, con cảm thấy đỡ buồn. Con nhớ nhất kỷ niệm hôm chia tay lớp 5. Con chỉ học với các bạn một năm nhưng con cần bao nhiêu tờ giấy để thấm nước mắt vì khóc nhiều quá. Con không muốn rời xa các bạn. Các bạn viết thiếp gửi cho con những lời động viên: Hãy bừng cháy lên như ngọn lửa không bao giờ tắt. Nghe câu đấy, con rất cảm động.
Từ ngày bị bệnh, con chỉ có ước mong duy nhất, chỉ mong là người bình thường, có sức khỏe như bao người khác, được vui chơi, được chạy nhảy, được sinh hoạt hè. Lớn lên, con sẽ làm từ thiện cho những bệnh nhân ở bênh viện K. Với con, một ngày hôm nay bằng 2 ngày của ngày mai, thế nên con phải cố gắng từ ngày hôm nay.
Em trai = “Đôi chân” của Kiên
Cậu con trai hồi phục là niềm hạnh phúc vô bờ của gia đình chị Thảo. Chị còn cảm thấy vô cùng tự hào khi con vừa chiến đấu với bệnh tật để giành giật sự sống nhưng vẫn không quên việc học tập. Kết quả học sinh giỏi năm học lớp 6 chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của con trong thời gian qua.
Chị Thảo cho biết, do Kiên học lại lớp 5 nên khi lên lớp 6 Kiên học cùng với em trai mình. “Em là đôi chân của anh, anh đi đâu cũng có em chở đi. Chính vì học lại nên may mắn Kiên học cùng lớp với em. Mục đích là để em chép bài những lúc anh phải vào viện. 2 anh em cứ kẽo kẹt đưa đón nhau cả một năm trời. Em là người bảo vệ sức khỏe cho anh, còn anh giúp em trong học tập”.
Theo chị Thảo, hiện tại, con hợp thuốc nên sức khỏe tạm ổn định. “Tuy nhiên, bác sĩ giải thích, bệnh đang “trốn” và ẩn bên trong con. Sức khỏe hiện tại đang át được bệnh. Nếu con yếu thì bệnh sẽ bùng phát. Con bị di căn nên bệnh có thể phát bất cứ lúc nào”. Điều chị Thảo mong muốn là con cứ duy trì sức khỏe như hiện tại để cả gia đình, đặc biệt là người làm mẹ như chị được nghe con cười, được con ríu rít kể chuyện đi học, đi chơi và con hãy là ngọn lửa bừng cháy không bao giờ tắt.