pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đối phó với các triệu chứng đa xơ cứng khi thời tiết ngày một lạnh hơn
Bệnh đa xơ cứng (MS) hay còn gọi là bệnh xơ cứng rải rác là một tình trạng bệnh tự miễn nguy hiểm có liên quan tới thị lực, cảm giác tê ngứa, yếu cơ cùng các triệu chứng khác. Đa xơ cứng là một bệnh có khả năng gây tàn tật não và tủy sống (hệ thần kinh trung ương).
Trong bệnh đa xơ cứng , hệ miễn dịch tấn công lớp vỏ bảo vệ (myelin) bao phủ các sợi thần kinh và gây ra các vấn đề về "giao tiếp" giữa não bộ và phần còn lại của cơ thể. Cuối cùng, căn bệnh này có thể gây tổn thương vĩnh viễn hoặc suy thoái các sợi thần kinh.
1. Triệu chứng bệnh đa xơ cứng phổ biến
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đa xơ cứng có thể khác nhau rất nhiều ở mỗi người và trong suốt quá trình bệnh tùy thuộc vào vị trí của các sợi thần kinh bị ảnh hưởng. Cụ thể:
- Tê hoặc yếu ở một hoặc nhiều chi, phổ biến hơn ở một bên của cơ thể tại một thời điểm
- Ngứa ran
- Cảm giác điện giật xảy ra khi cử động cổ, đặc biệt là khi gập cổ về phía trước
- Đi lại không vững, dễ bị ngã hoặc sự phối hợp các chi không linh hoạt, dễ rơi đồ
- Mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn, thường ở một bên mặt và khi cảm giác đau khi cử động
- Song thị
- Tầm nhìn mờ
- Chóng mặt
- Các vấn đề về chức năng tình dục, ruột và bàng quang
- Mệt mỏi
- Nói lắp
- Vấn đề về nhận thức
- Rối loạn cảm xúc.
2. Mối liên hệ giữa thời tiết và triệu chứng đa xơ cứng
Quá nóng hoặc quá lạnh đều có thể làm tăng (nghiêm trọng) hoặc giảm (nhẹ đi) hơn các triệu chứng đa xơ cứng ở nhiều người.
Theo Hiệp hội Đa xơ cứng (MS) Hoa Kỳ thì cơ cứng là một trong những triệu chứng phổ biến của MS được mô tả là tình trạng căng, cứng hoặc co thắt cơ không tự chủ. Các cơn co cứng có thể đau hoặc không đau và có mức độ đau từ nhẹ đến rất nặng. Theo đó thì thời tiết lạnh là một trong những tác nhân phổ biến nhất khiến tình trạng co cứng trở nên tồi tệ hơn.
Hay nói cách khác, tác động của nhiệt độ lạnh tới hoạt động của cơ và thần kinh ở người bị MS vốn đã có dây thần kinh trong não, cột sống và mắt hoạt động chậm lại sẽ dẫn tới các biểu hiện chuột rút, căng và co cứng.
Ngoài co cứng thì các chuyên gia cho biết, một số triệu chứng khác cũng có thể bị tăng lên do ngày ngắn lại vào mùa đông, thói quen ít vận động, rối loạn cảm xúc mùa đông hay giấc ngủ xáo trộn đều khiến bạn dễ mệt mỏi hơn, dễ sương mù não.
3. Đối phó với bệnh đa xơ cứng mùa lạnh
Tránh xa nhiệt độ lạnh đôi khi không phải lúc nào cũng thuận lợi. Các giải quyết các vấn đề của bệnh đa xơ cứng trong thời tiết lạnh sẽ phụ thuộc vào loại triệu chứng mà bạn gặp phải.
Dưới đây là một số biện pháp đối phó sự tăng nặng các triệu chứng đa xơ cứng mùa lạnh mà bạn có thể tham khảo:
- Giữ ấm cơ thể từ bên trong bằng cách uống các loại đồ uống ấm chẳng hạn như trà, sô-cô-la nóng hoặc thậm chí chỉ là nước lọc ấm để giảm cảm giác lạnh và nâng thân nhiệt lên nhanh hơn. Các bác sĩ cũng tin rằng, việc bị đa xơ cứng khiến các mạch máu ở bàn tay và bàn chân bị phản ứng thái quá với nhiệt độ lạnh làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Raynaud khiến ngón tay, ngón chân bị tê cóng hoặc đau nhói.
- Mặc nhiều lớp quần áo để dễ dàng điều chỉnh thân nhiệt khi quá nóng hoặc quá lạnh
- Túi giữ nhiệt, các thiết bị sưởi ấm và tắm nắng khi có thể. Tuy nhiên không được lạm dụng nhiệt độ quá mức bởi quá nóng cũng khiến các triệu chứng đa xơ cứng nghiêm trọng hơn
- Thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đối phó với các triệu chứng tăng nặng, cản trở vận động hàng ngày
- Cố gắng di chuyển, thực hiện một số vận động thể chất phù hợp với thể trạng như đi bộ hoặc vươn vai để đốt năng lượng và làm nóng cơ thể.
Nhìn chung thì người bị đa xơ cứng cần lưu ý tới việc giữ ấm và giúp thân nhiệt ổn định. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hơn và không đáp ứng với các biện pháp tại nhà, bạn nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn phù hợp.