Nhắc đến cô Năm Phỉ, người ta nhớ đến một Bàng Quý Phi kiêu sa đài các nhưng vô cùng tội nghiệp, một cô Lan quê mùa nhưng chân chất thủy chung, một Điêu Thuyền sắc nước hương trời làm điên đảo cả cơ đồ nhà Hán. Ba vai tuồng đặc sắc đó đã góp phần quan trọng khiến cho hình ảnh cô Năm Phỉ đi vào lòng công chúng một cách sâu sắc.
Nghệ sĩ Năm Phỉ tên thật là Lê Thị Phỉ, sinh năm 1906 tại làng Điều Hòa, Mỹ Tho, vùng đất được xem là cái nôi của nghệ thuật cải lương. Gia đình cô có 11 người con. Cha cô là kỹ sư cầu cống nhưng rất thích chữ nghĩa. Ông đã dùng một câu rất có ý nghĩa để đặt tên cho các con mình là: “Công Thành Danh Toại, Phỉ Chí Nam Phi, Bia Truyền Tạc Để”, trong đó Công là tên của ông.
Chân dung cô Năm Phỉ |
Dù ông Công là người không thích nghề xướng ca, thậm chí ông còn quyết định từ con, không nhìn mặt cô Năm Phỉ nữa khi biết cô theo nghề hát. Tuy vậy, các con ông lại có đến 5 người là nghệ sĩ nổi tiếng như Ba Danh, Năm Phỉ, Bảy Nam, Chín Bia, Mười Truyền.
Cô Năm Phỉ từ nhỏ đã có một giọng ca truyền cảm. Chất giọng thiên phú ấy được ông Hai Cu, một thợ bạc ở cùng dãy phố với gia đình cô phát hiện. Với lòng ham mê nghệ thuật sâu đậm, ông Hai Cu đã vận động giới thợ bạc ở Mỹ Tho đóng góp tiền bạc để lập gánh hát Nam Đồng Ban.
Khi mới tròn 10 tuổi, Năm Phỉ đã đến với sân khấu cải lương. Lúc đó cô còn chưa biết chữ, chỉ biết ký mỗi cái tên. Nhưng bù lại, cô có một trí nhớ siêu phàm, nghe qua là nhớ. Những lần tập tuồng, chỉ cần nghe ai đó đọc qua một lượt là cô đã thuộc. Có một giai thoại về khả năng này của cô như sau: Một lần, dù bận tiếp khách song Năm Phỉ vẫn lắng tai để nghe người ta đọc tuồng. Khi khách ra về thì cũng là lúc cô thuộc hết lời thoại của vở diễn.
Năm 11 tuổi, cô Năm Phỉ thoát ly gia đình để theo gánh hát Nam Đồng Ban đi biểu diễn khắp nơi. Tại đây cô đã gặp và kết duyên với nghệ sĩ Hai Giỏi. Cũng là một tài năng thiên bẩm, Hai Giỏi đã sớm khẳng định được vị trí của mình trong lòng khán giả, tuy nhiên ông lại bị bạo bệnh mất sớm, để lại người vợ trẻ trong cảnh góa bụa, côi cút.
Gánh Nam Đồng Ban tan rã, cô Năm Phỉ theo hát cho gánh Tái Đồng Ban. Năm 1926, Tái Đồng Ban cũng giải thể, cô vẫn không nản lòng, tiếp tục đi hát cho gánh Văn Hí Ban của ông Huỳnh Văn Vui. Sau đó, cô gặp ông Nguyễn Phước Cương. Ông Cương rất hâm mộ nghệ thuật và tài diễn xuất của cô nên hai người quyết định góp vốn thành lập ra gánh Phước Cương. Và chính tại đây, tài năng của cô đã thật sự tỏa sáng.
Chất giọng trầm khàn giàu tình cảm kết hợp với lối diễn xuất hết sức tinh tế trong từng vai diễn đã đưa Năm Phỉ lên đến đỉnh cao của nghệ thuật.
Người ta bảo cô Năm Phỉ là hiện thân của sự đau khổ. Lời nói ấy tuy không đúng lắm nhưng cũng tượng trưng được cho sở trường của cô, là các vai diễn chứa chan niềm yêu, những mối tình éo le chua xót cõi lòng. Cô áp dụng lòng yêu chan chứa trong tất cả vai diễn với bản năng của mình, từ đó tạo ra được nhiều kịch phẩm bất hủ, ai oán, não nùng. Từ ai oán não nùng như trong Tơ vương đến thác, Lan và Điệp cho đến đường bệ, đài các như Túy hoa vương nữ, bà huyện trong Vì đâu nên nỗi; hay lả lướt, quyến rũ, đắm say như trong Sắc giết người, Phụng Nghi Đình hoặc thông minh, ngơ ngẩn như vai cô “mọi” trong Đóa hoa rừng, cô đều thu hút được lòng người.
Cô Năm Phỉ (trái) cùng với Nghệ sĩ Phùng Há (ảnh chụp năm 1931) |
Có thể nói cô Năm Phỉ là người đóng nhiều vai diễn khó có người thay thế nhất. Bởi vì trong mỗi vở diễn, cô không những sống thật với tâm hồn và tình cảm của nhân vật mà còn hóa thân và thổi sức sống vào nhân vật một cách kỳ ảo, khiến người xem phải say mê, phải cười phải khóc cùng với mình.
Đặc biệt, năm 1931, gánh Phước Cương đưa vở Xử án Bàng Quý Phi với Năm Phỉ vai Bàng Quý Phi, nghệ sĩ Bảy Nhiêu vai Tống Chơn Tôn sang Paris trình diễn nhân dịp đấu xảo. Vai diễn ăn khách suốt mấy tháng trời, được công chúng Pháp nhiệt liệt tán thưởng. Chính phủ Pháp đã tặng thưởng huy chương và một bằng khen, tuyên dương cô Năm Phỉ là Nữ nghệ sĩ xuất sắc nhất trong hội đấu xảo các thuộc địa của Pháp năm 1931.
Không chỉ thế, với vai Bàng Quý Phi này, tổng cộng cô Năm Phỉ đã nhận được 4 huy chương, 186 bức thư và 1.009 danh thiếp của khán giả mến mộ gửi tặng. Ngoài ra, cô còn được chụp 167 kiểu ảnh, 42 bài báo ca ngợi và nhận đến 230.000 đồng tiền thù lao (tương đương với hàng ngàn lượng vàng thời đó). Vinh dự đó không chỉ thuộc về cô Năm mà còn là niềm tự hào của nghệ thuật cải lương dân tộc Việt Nam. Về sau, vở cải lương này còn được công diễn tại nhiều nơi và trở thành một trong những vở diễn có doanh thu và tần suất biểu diễn cao nhất trong lịch sử sân khấu cải lương Việt Nam.
Cũng trong thời gian này, cô Năm Phỉ quyết định gắn bó tình cảm với ông Nguyễn Phước Cương - ông bầu của gánh hát. Cuộc hôn nhân của họ lúc bấy giờ được xem là lý tưởng bởi cả hai đều là những người tài năng, danh giá, chung lưng góp vốn mở mang sự nghiệp và nhất là giữa họ còn có chung một khát vọng thúc đẩy sự phát triển của nền nghệ thuật cải lương nước nhà.
Sự nghiệp cô Năm Phỉ càng thăng tiến bao nhiêu thì trong cuộc sống riêng, cô lại càng gặp khó khăn bấy nhiêu. Chỉ ít năm sau khi kết hôn, cô Năm và ông Cương bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn gay gắt, cuối cùng phải giải quyết bằng một cuộc ly hôn. Sau đó, ông lại tái hôn với nghệ sĩ Bảy Nam, em gái Năm Phỉ. Khi ấy, cô đã dứt khoát chia tay với gánh Phước Cương để thành lập đoàn cải lương Năm Phỉ. Vài năm sau, đoàn hát Năm Phỉ mất dần khán giả đến độ phải rã gánh, cô lui về sống hẩm hiu một mình ở căn nhà nhỏ ở phố Ngô Tùng Châu, quận Nhất, thành phố Hồ Chí Minh.
Trong cuộc đời nghệ sĩ của mình, cô Năm Phỉ hân hạnh là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được vua Bảo Đại tặng huy chương Kim Tiền. Ngoài ra, trong các chuyến lưu diễn ở nước ngoài, cô cũng nhận được rất nhiều huy chương. Tuy nhiên, có lẽ với cô, không gì hạnh phúc bằng tình cảm yêu mến mà khán giả hâm mộ và đồng nghiệp tặng cho mình.
Hàng ngàn người đưa tiễn cô Năm Phỉ về với đất mẹ |
Ngày 2/6/1954, nghệ sĩ Năm Phỉ qua đời ở tuổi 48 vì bạo bệnh. Sự ra đi của cô để lại bao niềm tiếc thương cho bạn bè và người thân. Tin tức đệ nhất mỹ nhân sân khấu mất đột ngột được tất cả các tờ nhật báo ở Sài Gòn lúc đó loan tin ở trang nhất và đăng cả bức ảnh đẹp nhất của cô Năm Phỉ. Trong tang lễ của cô, nhạc sĩ Chín Trích ngồi đàn ròng rã mấy ngày liền bên quan tài người quá cố, vừa đàn vừa khóc. Đến lúc làm lễ di quan, ông đến lạy lần cuối rồi nói lớn: “Cô Năm đã mất rồi, từ nay Chín Trích sẽ không đờn cho ai ca nữa”. Nói xong ông đập vỡ luôn cây đàn. Đó là một giai thoại đẹp, minh chứng cho tình cảm gắn bó giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ.