Đối tượng quan hệ tình dục trước hôn nhân phổ biến nhất là học sinh, sinh viên

23/09/2019 - 15:40
Theo ông Đinh Huy Dương - Vụ trưởng Vụ truyền thông Giáo dục - Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, trước đây, KHHGĐ chỉ quan tâm đến đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Nhưng hiện nay đã mở rộng ra nhiều các đối tượng khác nhau, đặc biệt là các bạn trẻ vì trên thực tế, tỉ lệ quan hệ tình dục trước hôn nhân của giới trẻ đang có xu thế tăng lên. 
Hiện dân số Việt Nam là hơn 96 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số từ trên 2%/năm 1993 đã giảm xuống còn 1,07% năm 2017. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) năm 2017 là 76,5%, trong đó tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại là 65,4%, tuy nhiên, nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng.
 
 
Giới trẻ là đối tượng cần được cung cấp thông tin chính xác và nâng cao hiểu biết về việc phòng tránh thai để đảm bảo cho cuộc sống của họ được an toàn. Ảnh minh họa 
 
Đặc biệt vị thành niên, thanh niên (VTN/TN) cần được quan tâm hơn, đây là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở VTN/TN còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến; tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng, dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ còn một số hạn chế.
 
 
Ông Đinh Huy Dương - Vụ trưởng Vụ truyền thông Giáo dục, Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình
 
Theo ông Đinh Huy Dương - Vụ trưởng Vụ truyền thông Giáo dục - Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, có rất nhiều VTN/TN chưa nhận thức được vấn đề tránh thai một cách rõ ràng. Họ không được cung cấp thông tin đầy đủ. Hiện nay, số lượng người quan hệ tình dục trước hôn nhân phổ biến nhất là học sinh - sinh viên. Ngoài ra, việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ cần đẩy mạnh hơn nữa với các đối tượng ở các vùng sâu, vùng xa, làm sao cho người dân tiếp cận rõ ràng và bình đẳng hơn.
 
Ông Dương cho biết thêm "Mặc dù chúng ta đã kiềm chế được gia tăng dân số, mức sinh đang đạt ở mức sinh thay thế, số phụ nữ bước vào tuổi sinh đẻ có nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng. Tuy nhiên, nguồn lực của nhà nước với các biện pháp tránh thai này dù miễn phí cho người dân cũng không thể đáp ứng được hết. Sắp tới, ngoài việc cung cấp các biện pháp tránh thai miễn phí cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn thì chúng tôi cũng cố gắng phát triển kênh tiếp thị xã hội và kênh thị trường. Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo cho chất lượng của các biện pháp tránh thai được cấp đến người dân an toàn”.
 
 
Hiện nay, TCDS-KHHGĐ đang tiến hành truyền thông cung cấp thông tin, giáo dục cho người dân về KHHGĐ qua rất nhiều các kênh khác nhau: báo in, báo điện tử, trang mạng, truyền hình… Đặc biệt, thực hiện theo xu thế phát triển của công nghệ hiện đại đó là giới thiệu app về sử dụng biện pháp KHHGĐ, đối tượng sử dụng là thanh niên tiếp cận app này và truy cập các thông tin có độ tin cậy do các chuyên gia cao cấp về lĩnh vực này cung cấp thông tin.
 
 
Ông Đinh Huy Dương - Vụ trưởng Vụ truyền thông Giáo dục - TCDSKHHGĐ và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Trưởng Ban Gia đình Xã hội, TƯ Hội LHPN Việt Nam (bìa phải) thử nghiệm Mobile App với tên “Sống chủ động” tại sự kiện 
  

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Trang - sinh viên năm thứ 4, khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đưa ra quan điểm: Vấn đề tránh thai nhận được rất nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ cũng như phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Trong thực tế, cuộc sống hiện đại đã tạo điều kiện cho chúng ta có cơ hội gần gũi nhau hơn nhưng nhiều bạn trẻ đã không có cách để quan hệ tình dục và tránh thai an toàn.

 

Sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Trang 

  

Khi chưa được giáo dục đúng cách về SKSS hay quan hệ tình dục, tư tưởng còn e ngại, xấu hổ về biện pháp tránh thai là nguyên nhân gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề không chỉ về sức khỏe mà còn cả tinh thần. Trong đó, phụ nữ là người thiệt thòi nhất. Ở Việt Nam mỗi năm có từ 300.000 - 350.000 ca nạo phá thai được báo cáo chính thức. Rất nhiều bạn trẻ mong muốn tìm hiểu các biện pháp tránh thai an toàn, hiện đại. Tuy nhiên, nguồn thông tin đến các bạn còn rất hạn hẹp và các bạn cũng chưa biết tìm các nguồn thông tin chính xác ấy ở đâu.

 

- Dự kiến, trong năm 2019, Tổng Cục DS-KHHGĐ sẽ có 18 hội thảo, tiếp cận 300 cán bộ phụ nữ, 1.500 cán bộ dân số cả nước và 17 hội thảo tại các trường đại học với 5,100 sinh viên tham gia. Dự kiến, kết thúc năm 2019, chương trình sẽ có hơn 25 triệu chị em phụ nữ trên khắp cả nước được chính những cán bộ dân số tư vấn trực tiếp bài bản về cách lựa chọn các phương pháp tránh thai phù hợp.

- Để thuận tiện hơn cho các cán bộ dân số cũng như chị em phụ nữ tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, chương trình cho ra mắt Mobile App với tên “Sống chủ động”, nơi tổng hợp đầy đủ tất cả các kiến thức về sức khỏe sinh sản, các phương pháp ngừa thai, cũng là nơi giao lưu với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản. Có thể tải app trên cả nền tảng Android và IOs kể từ ngày 26/9/2019.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm