Đời xiếc đắng hơn Kép Tư Bền

29/09/2015 - 00:07
NSƯT Phi Vũ hẹn gặp tôi ở Nhà hát nghệ thuật Phương Nam. Những cảm xúc trong người đàn ông này thật khó giải mã. Nó cứ biến tấu kỳ ảo giống như những trò xiếc mà anh thường biểu diễn trên sân khấu vậy.

Bỏ học theo gánh xiếc

Thăng trầm với nghề

Quê Vũ ở xứ Huế mộng mơ, trữ tình. Mới 11 tuổi, cậu đã bạo gan ‘cầm đầu’ đám trẻ trong làng tham gia thi múa lân, giật giải thưởng. Nhóm gồm 15 đứa, chỉ cao hơn 1 mét nhưng diễn sung lắm. Đầu lân, trống chiêng rộn rã, chẳng chịu thua ai. Cây sào cao nghều nghệu vậy mà Vũ nhảy phóc một cái là lên tới đỉnh. Mấy ông người lớn bị thua đội con nít thì tức lắm nhưng cũng phục độ ‘lì, liều, nhanh và láu cá’ của chúng.

Phi Vũ là con trai út trong gia đình có 10 anh chị em. Năm Vũ 4 tuổi, mẹ qua đời. Gia đình có 2 người anh là Phi Lâm, Phi Hùng theo nghề xiếc nên ba kiên quyết buộc thằng út phải ăn học cho đàng hoàng, mấy cái trò múa lân, leo cột thì cấm tiệt. Bị ‘ăn roi’ nhiều lần nhưng Vũ lì lắm, hễ rảnh là lại lẻn trốn đi biểu diễn.

Năm 1977, được tin đoàn xiếc Việt Nam vô Huế tuyển diễn viên, Vũ mừng húm. Rồi cậu bỏ cả việc học, lén đi tranh tài cao thấp với hơn 400 ứng viên khác. Cuối cùng, Vũ chiếm được 1 trong 3 suất chính. ‘Chưa kịp mừng thì ba biết chuyện rồi giam lỏng tôi ở nhà. Để ‘sổng’ cơ hội cũng tiếc lắm nhưng đành chịu’, Vũ bộc bạch.

Không ngờ, ba tính hổng bằng… mấy thằng con tính. 1 năm sau, anh trai Phi Hùng về thăm quê, sẵn dịp nghỉ hè nên Vũ nài nỉ anh cho vô Sài Gòn chơi. Được đi theo đoàn xiếc biểu diễn, Vũ mê quá. Hết 3 tháng nghỉ hè thì chẳng chịu về quê nhập học. Ba vô Sài Gòn kiếm thì Vũ ranh mãnh, tìm cách lánh mặt, chỉ để lại ‘lời nhắn’: ‘Con ở lại Sài Gòn học văn hóa’. Hai ông anh trai thấy tiếc tài năng của thằng em lên bao che hết mình. Đến mấy năm sau, ba Vũ mới biết là con học xiếc. Giận lắm nhưng cũng đành chịu!

Vô nghề từ năm 1978, Phi Vũ theo đoàn xiếc Độc Lập lang bạt biểu diễn tứ xứ. Thấy Vũ có năng khiếu, thông minh, lại siêng năng nên Phi Hùng và thầy Minh Nhật (kiện tướng thể thao) thương tình chỉ cho nhiều ‘chiêu độc’. Chỉ trong thời gian ngắn, Vũ đã tập được cả chục tiết mục từ leo cột, nhào lộn đôi, nhào lộn vòng lửa tới xà đơn nghệ thuật, đu dây thăng bằng… Đi tới đâu, cậu cũng vỗ ngực, lên mặt khoe với đám con nít cùng trang lứa: ‘Tớ là diễn viên xiếc đấy nhé. Oai chưa’.

Tính ‘chạy’ mà không được

Hồi mới vô nghề, do bị ‘khớp’ trước khán giả, Vũ không giữ được thăng bằng nên đã lao từ cây sào cao cắm đầu xuống đất. May thay, mọi người đã dự phòng trước nên kịp thời ứng cứu. Anh kể: ‘Mấy vụ cọ quẹt trầy da, trật chân, chảy máu, gãy tay thì nhiều vô số kể, xảy ra như cơm bữa. Tôi đã phải nhập viện cấp cứu trong trường hợp “thừa sống thiếu chết” tới 5 lần cơ đấy’.

Uống ngụm café đắng, anh bỗng buột miệng: ‘Ờ, có khi cái nghề của mình còn ‘đắng’ hơn của kép Tư Bền cũng nên’. Hỏi vì sao anh có sự so sánh ngồ ngộ vậy thì Vũ bật cười chua chát: ‘Kép Tư Bền đắng cay vì mất cha nhưng vẫn phải giả cười trên sân khấu để mua vui cho thiên hạ. Nhưng cái khổ của anh Bền chỉ là việc ‘đánh lừa’ tâm trạng của mình, còn những thăng hoa cảm xúc mà các diễn viên xiếc mang lại cho nghề đều phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa. Nó càng đắng đót, khổ sở hơn khi đã có nhiều diễn viên phải ‘đoạn tuyệt’ với nghề, trở thành phế nhân’.

Bao năm qua, Vũ luôn xót xa cho hoàn cảnh bi quan của người đồng nghiệp là nữ nghệ sĩ xiếc Ngô Tuyết Hoàn. Bởi vậy, cái nghề xiếc bạc bẽo này anh được ví von với kép Tư Bền hẳn không phải là vô lý. Anh bộc bạch: ‘Mới mấy năm trước thôi, Hoàn vẫn còn bay trên không trung với những màn biểu diễn tinh tế. Vậy mà chỉ một tai nạn nghề nghiệp đã khiến cho Hoàn vĩnh viễn mất đi tất cả. Hoàn sẽ không thể tự ngồi dậy được nữa. Nếu xem việc theo nghiệp xiếc là định mệnh của mỗi diễn viên thì nó quả là bạc bẽo và cay đắng’.

Anh bảo, diễn viên xiếc thường nghèo, nghèo lắm. Trước giờ vẫn vậy thôi, chẳng thay đổi gì cả. Quãng năm 1990, phim truyện video của Đài Loan, Hồng Kông tràn ngập thị trường thì cũng là lúc nghệ thuật xiếc lâm vào giai đoạn hẩm hiu, khó khăn nhất. Nếu bắt gặp diễn viên xiếc Phi Vũ tài hoa, với các màn tung hứng, bay nhảy kỳ ảo trên sâu khấu nhưng hàng ngày phải đi vác gạo mướn, làm bốc xếp ở bến xe, làm thợ gò hàn, khán giả sẽ không khỏi chạnh lòng.

4 năm sau, tình hình sân khấu khả quan hơn, Vũ mới quay lại với đam mê của đời mình. Tuy nhiên, do làm việc nhiều quá nên có lần anh bị lao lực, tràn dịch màng phổi, nằm cả tháng trời trong bệnh viện. ‘Hay là mình bỏ nghề?’. Nghĩ vậy thôi nhưng khi vừa khỏe lại, anh vẫn tiếp tục leo lên sân khấu bởi cái nghề xiếc đã ăn sâu vô máu, ‘tính “chạy’ thì ông tổ níu áo kéo lại’.

Bình yên


Phi Vũ hạnh phúc bên vợ con

Năm 1997, Phi Vũ vinh dự là nghệ sĩ xiếc đầu tiên ở miền Nam được phong tặng danh hiệu NSƯT khi trải qua đủ thăng trầm, gai góc trong nghề. Đó là sự đền đáp xứng đáng cho những đóng góp bền bỉ của anh đối với nghệ thuật xiếc Việt Nam. Tuy nhiên, Vũ bảo rằng, phần thưởng quý nhất mà xiếc đã mang lại cho anh không phải là danh hiệu mà chính là người đồng nghiệp, người vợ đã gắn bó với anh từ thuở còn là… con nít.

Giọng Huế nhỏ nhẹ, Phi Vũ cười lớn khi nhắc lại ‘chuyện xưa’. Lúc mới nhập môn ở đoàn xiếc Độc Lập, Vũ đã để ý Ngọc Hương - cô con gái cưng của ông bà chủ, nhỏ hơn mình 1 tuổi. Dù có cảm tình nhưng anh chàng vẫn không dám hó hé vì sợ bà chủ rầy la. Mãi đến năm 1981, khi diễn tại Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) thì Vũ gặp tai nạn. Trong lúc đu dây, đầu anh bị đập mạnh xuống đất, cấp cứu tại bệnh viện đến 5 ngày mà vẫn còn hôn mê. ‘Trong cái rủi lại có cái may’, Vũ mỉm cười bảo. Thì ra, ‘cái may’ mà anh nói là dịp để cô diễn viên xiếc xinh đẹp Ngọc Hương tận tình chăm sóc và thổ lộ tình cảm với anh chàng.

Cũng nhờ ‘cú hích’ đó mà Vũ đã hồi phục thật bất ngờ. Yêu nhau, họ chẳng lời hẹn ước. Sau đêm diễn, hai người lại lén lút hẹn nhau ở… quán nước. Những câu hỏi đáp chẳng đâu vào đâu bởi nỗi xấu hổ, thẹn thùng. Đôi khi cả hai lặng im, mải miết nhìn con sông lấp lánh dưới sao trời. Một cái nắm tay khẽ, một cái ôm nhẹ đủ khiến 2 người bịn rịn.

Thế nhưng, chuyện tình y như phim này gặp phải sự phản ứng dữ dội của bà chủ gánh xiếc. Biết chuyện, bà gặp riêng Vũ rồi nói ngắn gọn: ‘Hai đứa không hợp nhau. Chẳng đi đến đâu cả’. Vũ bảo, bà chủ cũng có lý khi ai mà lại gả con gái cho đứa không nhà cửa, không tiền bạc, lại theo cái nghề xiếc nguy hiểm này chứ. Yêu nhau suốt 8 năm, gia đình cấm cản nên hai người đã quyết định tự tổ chức đám cưới với chục bàn tiệc mời bạn bè, đồng nghiệp. Nhờ ‘liều’ vậy mà giờ đây anh chị đã có 2 con, cậu con trai theo học thạc sĩ ngành thiết kế nội thất và cô con gái trên chục tuổi ngoan hiền.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm