Đơn giản hóa thủ tục hành chính khám chữa bệnh: Tiết kiệm 300 tỷ/năm

16/11/2017 - 09:39
"Chỉ riêng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực khám chữa bệnh, mỗi năm đã tiết kiệm hơn 300 tỷ đồng", Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) thông tin.
Đó là thông tin được ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí do Bộ Y tế chiều ngày 15/11.

Theo ông Quang, vấn đề cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nằm trong Đề án tổng thể cải cách TTHC Nhà nước để xây dựng quốc gia vững mạnh có hiệu lực, hiệu quả, kỷ cương, kỷ luật. Sau đó, thực hiện xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hoạt động vì lợi ích của nhân dân cũng như doanh nghiệp.

Đối với ngành y, Bộ Y tế cũng đã có đề án kiểm soát TTHC. Ngay từ năm 2010, Bộ đã đơn giản 227 TTHC. Theo đánh giá của Chính phủ, nhờ việc đơn giản 227 TTHC trên, người dân, doanh nghiệp đã tiết kiệm được 1.000 tỷ đồng/năm. Hàng năm, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ vẫn thường xây dựng phương án đơn giản hóa TTHC. Tuy nhiên, TTHC trong y tế khá nhiều, nên Bộ đưa ra nhóm thủ tục trọng tâm, trọng điểm liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.

Từ năm 2015, Bộ đã rà soát 2 nhóm TTHC mà đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, liên quan đến thủ tục khám chữa bệnh của người dân và thủ tục khám bệnh và chữa bệnh. Với việc đơn giản hóa thủ tục như vậy, theo đánh giá mỗi năm tiết kiệm được 300 tỷ đồng/năm liên quan đến nhóm thủ tục của khám, chữa bệnh.
2_57374.jpg
Cải cách thủ tục hành chính đang được Bộ Y tế triển khai mạnh mẽ

Cũng theo ông Quang, năm 2017, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết rà soát 17 TTHC, chủ yếu liên quan đến các giấy tờ của công dân, dân cư, thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế. Một số lĩnh vực thuộc về kiểm soát TTHC nói chung, trong đó có việc xây dựng các văn bản thì Bộ cũng tổ chức đánh giá tác động của văn bản luật và dưới luật; tiếp nhận các kiến nghị về TTHC; tổ chức kiểm tra thường xuyên thực hiện ở các địa phương.

Ông Quang cho biết, hiện có 564 thủ tục hành chính, chia ra 11 lĩnh vực thuộc ngành y tế như khám chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm, y tế dự phòng, trang thiết bị y tế; giám định y khoa… Trong đó có những thủ tục do Bộ Y tế thực hiện, còn lại những thủ tục do địa phương triển khai (Sở Y tế).

Hiện nay, việc xử lý, giải quyết TTHC trong ngành y có sự phân cấp rõ ràng. Cụ thể, trong số 564 TTHC có 288 thủ tục là TƯ thực hiện, còn lại là địa phương triển khai. Ví như lĩnh vực giám định y khoa có 61 thủ tục thì chỉ có 1 thủ tục do Bộ Y tế thực hiện, còn 60 thủ tục giao cho địa phương tổ chức. Hay những lĩnh vực liên quan đến y tế dự phòng có 97 thủ tục thì 55 thủ tục là Bộ cung cấp, còn lại là giao cho địa phương; Khám bệnh chữa bệnh có 149 thủ tục thì Bộ chỉ làm 62 thủ tục, còn lại 87 thủ tục giao cho địa phương.

Đặc biệt, Bộ Y tế cũng đang triển khai cơ chế 1 cửa Quốc gia. Trong đó, có liên thông cơ chế Hải quan một cửa quốc gia. Hiện tại, Bộ đã kết nối được 5 lĩnh vực, gồm an toàn thực phẩm, khám chữa bệnh qua cổng 1 cửa quốc gia. “Dự kiến, trong năm 2018, sẽ hoàn thành trên phạm vi toàn quốc cơ chế một cửa quốc gia đối với 5 lĩnh vực thuộc Bộ Y tế”, ông Quang cho hay.

Cũng theo ông Quang, những thủ tục một cửa quốc gia Bộ đang thực hiện dưới hình thực dịch vụ công cấp độ 4. Ví như lĩnh vực y tế dự phòng 6 thủ tục; an toàn thực phẩm là 5 thủ tục; trang thiết bị là 9 thủ tục hành chính. Dự kiến, đến năm 2020, các vấn đề liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu thì được quá cảnh thực hiện thông qua cơ chế 1 cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công cấp độ 4 và thu phí điện tử.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm