Đồng bằng sông Cửu Long: Cần xây dựng thương hiệu phát triển du lịch vùng

06/09/2019 - 16:39
Nếu tỉnh nào ở đồng bằng sông Cửu Long cũng có sản phẩm du lịch na ná nhau, cùng là “sông nước, vườn hay văn hóa” thì rất khó phát triển. Du khách thường chỉ đi đến 1-2 tỉnh là đã xem như đã đi hết đồng bằng sông Cửu Long.
Ngày 5/9, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM năm 2019, UBND TPHCM đã tổ chức diễn đàn kết nối du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.
 
Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
 
Ông Nguyễn Quang Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, vùng đồng bằng sông Cửu Long có vị trí thuận lợi để thu hút khách du lịch quốc tế. Có nhiều tiềm năng để kết hợp với TPHCM tạo ra không gian du lịch đặc sắc, khác biệt, thúc đẩy sự lan tỏa kinh tế du lịch từ TPHCM đi các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long.
 
Tuy nhiên, ông Dương thừa nhận, mặc dù có tiềm năng du lịch phong phú nhưng du lịch toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa thực sự phát triển, còn thiếu các điểm đến có tính đặc trưng cao, đẳng cấp, sản phẩm du lịch gần giống nhau giữa các tỉnh trong vùng. Du khách thường chỉ đi đến 1-2 tỉnh là xem như đã đi hết đồng bằng sông Cửu Long.
 
“Đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu một chiến lược phân vùng và liên kết du lịch. Mặc dù có sự cố gắng và nỗ lực của các tỉnh nhưng do còn thiếu cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết. Do vậy sự liên kết giữa các địa phương trong vùng, hình thành các tuyến nội vùng, liên kết với các địa phương bên ngoài, nhất là TPHCM còn hạn chế”, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho hay.
 
 
du-lich.jpg
Du khách thường chỉ đi đến 1-2 tỉnh là xem như đã đi hết đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh minh họa.

 

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong những năm qua, nhận thức chưa đầy đủ nên trên thực tế chưa phát huy hết và đúng tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Việc quy hoạch phát triển chưa có tính kết nối đồng bộ, thiếu phối hợp và chưa tập trung vào các dự án trọng điểm cho cả vùng và Thành phố.
 
Theo ông Tuyến, du khách đến đồng bằng sông Cửu Long năm 2018 đạt khoảng 40 triệu lượt khách, tăng 17%, trong đó du khách quốc tế có khoảng 3,4 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu du lịch của vùng đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017,  một sự tăng trưởng vượt bật trong hai năm qua. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của một vùng đất giàu văn hoá đặc trưng, khác biệt và chưa tương quan với nguồn nhân lực của vùng.
 
Cần xây dựng thương hiệu du lịch chung cho vùng
 
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, sự liên kết du lịch giữa TPHCM với các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích lớn, văn hóa phong phú hơn TPHCM rất nhiều. Cho nên, nếu kết hợp được thì sẽ thay đổi được tình hình du lịch.
 
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, muốn làm du lịch tốt thì phải có doanh nghiệp tiên phong. Thực tế cho thấy, hiện TPHCM có 1.200 doanh nghiệp lữ hành. Chính điều này góp phần kéo 7,5 triệu khách quốc tế đến thành phố trong năm 2018. Nhưng hiện nay, số doanh nghiệp du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế. Muốn phát triển du lịch thì làm thế nào để các doanh nghiệp du lịch của thành phố và đồng bằng sông Cửu Long phải phối hợp, liên kết lại.
 
du-lch.jpg
Việc hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM với đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết - Ảnh minh họa.

 

Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, để liên kết du lịch TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì phải hình thành nên một hội đồng phát triển du lịch có lãnh đạo chính quyền, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành để xây dựng nên chương trình hợp tác giai đoạn 2020-2025. Để làm được điều này, ông Nhân đề nghị các doanh nghiệp TPHCM và đồng bằng sông Cửu Long cùng ngồi lại với nhau để có chương trình, kế hoạch phát triển cụ thể.
 
Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch giúp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long rà soát, chuẩn hóa và nâng cấp các di tích văn hóa đã được công nhận để làm điểm nhấn du lịch.  Bên cạnh đó, cần xây dựng thương hiệu chung của các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long thay vì mỗi nơi xây dựng thương hiệu riêng, khó tạo điểm nhấn với du khách. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến kết nối, điều tiết giao thông để phục vụ du lịch.
 
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, việc hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM với đồng bằng sông Cửu Long là rất cần thiết. Trong đó, để việc hợp tác đạt được hiệu quả thì phải nghiên cứu cơ chế, mô hình hợp tác hiệu quả. Cùng với đó, trong thời gian chờ hoàn thiện hạ tầng giao thông, các địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tế để có chiến lược phát triển du lịch cho vùng.
 
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, nếu địa phương nào cũng có sản phẩm du lịch na ná nhau, cùng là “sông nước, vườn hay văn hóa” thì rất khó phát triển. Do đó, mỗi tỉnh, thành phải xác định, xây dựng được sản phẩm đặc thù cho địa phương mình, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch của cả vùng.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm