pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Đồng bằng sông Cửu Long giữa hạn mặn: Trong khốn khó tình người nảy nở
Năm nay, nước mặn xâm nhập vào sâu hơn, sớm hơn ở các huyện cả phía Đông lẫn phía Tây tỉnh Tiền Giang. Nhưng gay gắt nhất, khốc liệt nhất vẫn là các huyện gần biển như Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công. Có thời điểm độ mặn được đo tại tuyến kênh Chợ Gạo lên đến 8,1g/l (rất mặn, cao hơn ½ độ mặn trung bình của nước biển).
Bà Lê Thị Kiều Chinh – Chủ tịch Hội LHPN huyện Gò Công Tây - đưa phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam tận mắt chứng kiến cảnh trơ đáy của các tuyến kênh chính như: kênh N8, kênh Hòa Đồng.
"Mấy năm trước, vào thời điểm này, các tuyến kênh đầy ắp nước. Giờ đây, các công trình ngăn mặn, ngăn được nước biển vào nhưng nước ngọt từ nguồn không có nên ra nông nỗi như vậy đó" - bà Võ Thị Kim Phụng, một người cao tuổi ở thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, cho hay.
Từ trước tết nguyên đáng đến nay, bà con khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Chỉ xuống lòng kênh không còn nước, bạc trắng vì muối măn, chi chít những đường nứt nẻ, bà buông lời nửa bông đùa nửa xót xa :"Hồi nào giờ, nói tới miền Tây, ai cũng liên tưởng đến hình ảnh sông nước ngập tràn nhưng có mấy người biết rằng, giờ nó khô khốc và nứt toác thế này. Các xã phía sát biển còn thiếu nước khủng khiếp hơn. Nước uống thiếu, nước tắm rửa cũng không".
Nghe bà Phụng nói, giữa trưa nắng gắt, bỗng dưng nhìn đáy kênh thấy mặn chát ở đầu lưỡi còn trong lòng sao đắng ngắt!
Bà Phụng không ngoa tí nào. Đến xã Long Bình, ai ai cũng chỉ nói về nước. Nước đối với họ là thứ quý giá nhất vào lúc này. Tại các điểm cấp, còn cả giờ đồng hồ nữa, xe mới chở nước tới nhưng 2 bên con đường liên ấp đã có cả hàng trăm phụ nữ, trẻ em 12 – 18 tuổi đứng đợi. Người thì 2 tay 2 can nhựa, người thì kéo chiếc xe "rùa" chất trên đó 2 – 3 can.
Khi cuối con đường thấp thoáng chiếc xe tải (loại 5 tấn chở 3 thùng 6 m3 nước) qua khỏi rặng tre là bà con nhất loạt vỗ tay, reo mừng như ngày hội lớn. Phó chủ tịch UBND xã Long Bình Nguyễn Quốc Tuấn luôn có mặt kịp thời cùng cán bộ phụ nữ theo dõi việc cấp nước cho người dân.
"Chúng tôi ấn định ngày 2 buổi, cấp nước cho dân thời điểm ngoài giờ để chính quyền và đoàn thể phân công nhau đến từng điểm kiểm tra chất lượng nước, đồng thời nhắc nhở người dân nhường nhịn nhau khi nhận và sử dụng thật tiết kiệm".
Phó chủ tịch UBND xã Long Bình Nguyễn Quốc Tuấn
Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết, đợt hạn mặn năm nay, toàn tỉnh có 13. 104 hộ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng (tập trung ở 3 huyện: Tân Phú Đông, Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công).
Mới đây, ngành chức năng đã khẩn trương thi công lắp đặt 967 điểm đưa nước từ nơi khác về cấp miễn phí cho người dân được 5.765 m3. Các đoàn thể cũng đã nỗ lực vận động thêm các nguồn tài trợ mua nước về giúp dân.
Riêng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang, không chỉ vận động mạnh thường quân mua nước sinh hoạt cấp cho dân mà còn từ nguồn lực của mình cùng với doanh nghiệp thêm 75 triệu đồng mua bình, thùng chứa nước giúp 90 hội viên. "Và sắp tới , chúng tôi sẽ tiếp tục vận động tổ chức Liên minh Na Uy cấp thêm 250 thùng nước nữa (loại 3.000/ thùng) trong gói hỗ trợ trị giá 1.125.500.000 đ để giúp thêm 250 phụ nữ trữ nước ngọt sinh hoạt." - bà Đặng Thị Ngọc Điệp (Phó Chủ tịch Thường trực hội LHPN tỉnh Tiền Giang) cho biết.
Trong một căn nhà bốn bề vách tôn, nóng như thiêu đốt nhưng chị Phan Thị Hồng Cẩm (Xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) luôn tươi cười. Chị bị khiếm khuyết hình thể từ khi mới lọt lòng, di chuyển trong nhà cũng rất khó khăn.
Nguồn sống là tiền lời từ việc bán bán, kẹo. Một ngày, chị chỉ kiếm được 20.000 đ, lo cái ăn cho con gái duy nhất đã khó nên không thể mua sắm vật dụng chứa nước sinh hoạt. Vì vậy chuyện vệ sinh cá nhân của 2 mẹ con rất hạn chế. Nhờ hội phụ nữ tặng 1 thùng, loại 1.000 lít để trữ nước, chị Cẩm như được đổi đời. Cái khó trong vệ sinh, trong nấu nướng đã được giải quyết.
Chị nói: "Lúc trước tôi chưa có thùng chứa. Tôi chỉ hứng trong xô nên không đủ xài. Vệ sinh phụ nữ rất bất tiện. Nay, hội phụ nữ cho cái thùng này, nó tiện cho mẹ con tôi rất nhiều".
Bám sát địa bàn, chứng kiến từng hoàn cảnh, mỗi cấp Hội ở Tiền Giang còn năng động tìm kiếm thêm nguồn giúp phụ nữ nghèo trên tinh thần "lá lành đùm lá rách". Như Hội LHPN xã Long Bình, đã có trên 500 bình nước uống mang đến tận tay phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết An (Chủ tịch Hội LHPN xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) thổ lộ: "Hội chúng tôi ưu tiên cho phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn. Khi được vận động, các doanh nghiệp hay mạnh thường quân biết vậy nên rất thương cảm và không ngần ngại góp kinh phí cùng chung tay. Dù trong thời điểm này, việc làm ăn của họ cũng có những khó khăn nhất định trong bối cảnh bị tác động bởi hạn hán và dịch bệnh".
Trong nỗi khốn khó, tình người nảy nở và nhanh chóng lan tỏa qua từng ngày.
Nhận nước từ những tấm lòng tràn đầy chia sẻ yêu thương, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như chị Cẩm không thể cầm được nước mắt.
Ngoài kia, vị mặn đắng dưới lòng kênh của một vùng mênh mông sông nước ngày nào giờ đã dịu vơi.