pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đồng hành cùng phụ nữ biên cương: Một mô hình, nhiều chuyển hóa nhìn từ xã biên giới

Đồn Biên phòng Quảng Nhâm (Bộ đội Biên phòng thành phố Huế) và đại diện UBND xã Quảng Nhâm trao cây giống tặng các gia đình.
Phát triển nền tảng tinh thần bằng mô hình cụ thể
Quảng Nhâm, một xã biên giới của huyện A Lưới (TP Huế), nằm giữa rừng Trường Sơn, với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Tà Ôi và Pa Cô. Từ một địa bàn từng đối mặt với nhiều khó khăn về đời sống, hạ tầng, giáo dục và nhận thức xã hội, Quảng Nhâm giờ đây đang trở thành điển hình trong việc triển khai mô hình truyền thông cộng đồng và phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác tư tưởng, góp phần củng cố quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.
Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 21/3/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã xác định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước". Trong đó, việc phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ - những người gìn giữ, truyền tải và lan tỏa giá trị văn hóa trong gia đình và cộng đồng - là điều kiện không thể thiếu. Ở Quảng Nhâm, điều đó được hiện thực hóa bằng mô hình "Tổ truyền thông cộng đồng" - một hoạt động thuộc Dự án 8 ("Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em") trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030.
Tám tổ truyền thông cộng đồng, tương ứng với 8 thôn của xã, được thành lập với 74 thành viên nòng cốt. Họ là chi hội trưởng phụ nữ, người có uy tín trong thôn, cán bộ y tế, công an viên, bí thư chi bộ. Với hình thức truyền thông linh hoạt - từ cuộc họp thôn, buổi sinh hoạt hội, đến truyền thông nhóm nhỏ tận nhà - các tổ đã tổ chức được hơn 54 buổi truyền thông chuyên đề, thu hút trên 9.000 lượt người tham dự chỉ trong hai năm. Nội dung truyền thông tập trung vào các vấn đề nóng tại địa phương: tảo hôn, bạo lực gia đình, phòng chống buôn bán người, bảo vệ trẻ em, hôn nhân cận huyết, môi trường sống an toàn và bình đẳng giới.
Từ truyền thông đến sinh kế và pháp luật
Luật Bình đẳng giới (năm 2006) và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007, sửa đổi năm 2022) đã khẳng định quyền của phụ nữ trong việc tham gia các hoạt động xã hội, được bảo vệ khỏi mọi hình thức phân biệt và bạo lực. Thực thi các quy định pháp luật ấy ở vùng cao, nơi nhận thức xã hội còn hạn chế, đòi hỏi sự kiên trì và sáng tạo. Tổ truyền thông của Hội LHPN xã Quảng Nhâm chính là lực lượng đi đầu trong cuộc chuyển hóa âm thầm nhưng bền bỉ ấy.
Một trường hợp tiêu biểu là chị Hồ Thị K. (thôn A Đên), trước đây là nạn nhân của bạo lực gia đình kéo dài. Nhờ tiếp cận thông tin từ tổ truyền thông và được hỗ trợ kết nối với Hội LHPN xã, chị đã dũng cảm lên tiếng, được bảo vệ theo quy định của Luật và nay trở thành thành viên tích cực của tổ truyền thông, trực tiếp tuyên truyền cho các chị em cùng hoàn cảnh.
Ngoài truyền thông, các tổ còn lồng ghép hoạt động tư vấn, hỗ trợ pháp lý, hướng dẫn phụ nữ khởi nghiệp, phát triển sinh kế. Dưới sự đồng hành của Đồn Biên phòng Lâm Đớt và các đoàn thể khác, Hội LHPN xã đã xây dựng thành công 4 mô hình sinh kế như tổ trồng chuối, nuôi gà, chăn nuôi tổng hợp, góp phần tăng thu nhập trung bình hộ gia đình từ 1,2 triệu đồng lên gần 2,5 triệu đồng/tháng (số liệu năm 2023).
Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động từ năm 2018, đã thực sự trở thành chất xúc tác cho những chuyển biến ở Quảng Nhâm. Không chỉ hỗ trợ sinh kế, chương trình còn tập trung vào mục tiêu nâng cao nhận thức chính trị, hiểu biết pháp luật và khơi dậy tinh thần chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới, gìn giữ an ninh - quốc phòng trong mỗi hội viên phụ nữ.
Phát biểu tại buổi làm việc với xã Quảng Nhâm tháng 4/2024, đồng chí Trần Thị Kim Hoa - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế) - nhấn mạnh: "Phụ nữ chính là cầu nối giữa Đảng với nhân dân. Những tổ truyền thông cộng đồng như ở Quảng Nhâm phải tiếp tục được nhân rộng để tạo ra những hạt nhân tư tưởng vững vàng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ngay từ cơ sở".
Từ 2021-2024, Hội LHPN xã Quảng Nhâm liên tục được Trung ương và tỉnh Hội tặng bằng khen. Đặc biệt, mô hình tổ truyền thông cộng đồng của xã đạt giải Nhất cấp huyện và giải Ba cấp tỉnh trong Hội thi mô hình xóa bỏ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em. Đây không chỉ là phần thưởng mà là minh chứng rõ nét cho hiệu quả thực tiễn và sức lan tỏa của mô hình.

Tặng mô hình sinh kế cho các hộ gia đình xã Quảng Nhâm
Kết quả lan tỏa
Kết quả ấy cũng là lời khẳng định cho tính đúng đắn của chủ trương "Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả" được Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Thực tiễn ở Quảng Nhâm cho thấy, mô hình truyền thông cộng đồng không chỉ là công cụ phổ biến kiến thức, mà còn là một thiết chế chính trị đặc biệt - nơi các hội viên phụ nữ thực sự trở thành chủ thể tư tưởng, có khả năng tự tổ chức, tự phản biện, và tự điều chỉnh hành vi cộng đồng theo hướng tiến bộ.
Những buổi truyền thông giữa đại ngàn, những chị phụ nữ tay còn chai sạn vì ruộng nương nhưng vẫn đứng lên nói về bình đẳng giới, phòng chống xâm hại trẻ em, không phải là hình ảnh tuyên truyền sắp đặt. Đó là hiện thực sống động của một phong trào phụ nữ đang chuyển mình, tự thân tạo dựng nên trận địa tư tưởng vững vàng giữa vùng biên cương đầy thử thách.
Từ một mô hình nhỏ ở Quảng Nhâm, có thể rút ra bài học thực tiễn: xây dựng Đảng về tư tưởng - chính trị phải bắt đầu từ những thực thể sống động trong đời sống nhân dân. Mỗi người phụ nữ, nếu được trang bị kiến thức, pháp luật và niềm tin vào Đảng, sẽ là một "pháo đài tư tưởng" ngay trong gia đình và cộng đồng.
Trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 28-NQ/TW tiếp tục khẳng định: "Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc". Quảng Nhâm và các địa phương có mô hình tương tự đang góp phần trực tiếp vào việc hiện thực hóa chiến lược ấy.
Cần tiếp tục nhân rộng mô hình "tổ truyền thông cộng đồng" trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và hải đảo. Cần có cơ chế tài chính ổn định, tập huấn thường xuyên, và lồng ghép hiệu quả với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giáo dục, y tế, bình đẳng giới. Bởi suy cho cùng, tư tưởng không phải là khái niệm trừu tượng - mà là cách một người dân hiểu pháp luật, tin vào chính quyền, tôn trọng lẽ phải, yêu quê hương, và hành động vì cộng đồng. Khi người phụ nữ vùng cao - từ chỗ ngại ngần, tự ti - đã có thể tự tin truyền đạt điều đúng, hành động vì điều tốt, thì đó chính là dấu hiệu rõ nhất của sự chuyển hóa tư tưởng.
Từ mô hình, đến chính sách, từ thực tiễn, đến niềm tin. Quảng Nhâm đang viết nên một chương mới trong trận địa tư tưởng giữa rừng già Trường Sơn.