pnvnonline@phunuvietnam.vn
Chính trị - Xã hội
Đồng hành đưa nguồn vốn chính sách đến các cấp Hội cơ sở
Tỉnh Bắc Kạn hiện nay có tổng số hơn 56.000 hội viên phụ nữ đang sinh hoạt tại 1.303 chi hội cơ sở. Trong trạng thái bình thường mới, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh tiếp thục thực hiện "mục tiêu kép" vừa quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa tận dụng các cơ hội, nỗ lực góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Triển khai hoạt động ủy thác tín dụng chính sách với Ngân hàng Chính sách xã hội, thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận số 06 ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo Hội phụ nữ các cấp gắn việc quản lý vốn vay có hiệu quả, không có xâm tiêu; vận động 100% hộ vay thực hiện tiết kiệm tiền gửi theo quy định… gắn vào chỉ tiêu đánh giá thi đua cuối năm.
Trong đó, hoạt động kiểm tra, giám sát được triển khai nghiêm túc tại tất cả các cấp hội phụ nữ trong tỉnh.
Đối với cấp tỉnh: Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp Hội thực hiện công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn vay tại các cấp Hội. Trong 7 tháng năm 2022, Hội LHPN tỉnh làm trưởng đoàn kiểm tra giám sát theo kế hoạch của Ban đại diện tại huyện Chợ Mới và thực hiện kiểm tra được 07 huyện, 14 xã, phường, thị trấn, 24 tổ TK &VV, 125 hộ vay vốn.
- Ở Hội LHPN các huyện/thành phố: Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra giám sát nguồn vốn tại các cơ sở Hội. Kết quả đến 31/7/2022 các đơn vị đã tổ chức kiểm tra được 96 xã,160 tổ tiết kiệm và vay vốn, 821 hộ vay vốn. Hội LHPN thường xuyên phối hợp tốt với Chi nhánh NHCSXH cùng cấp tổ chức kiểm tra, giám sát các tổ tiết kiệm, vay vốn, hộ gia đình vay vốn và đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn tại các hộ gia đình...
- Ở Hội phụ nữ cấp cơ sở: Đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát tại các tổ tiết kiệm và vay vốn và hộ vay ngay từ đầu năm. Hội phụ nữ cơ sở đã chủ động kiểm tra, giám sát tại các tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý; kiểm tra định kỳ và kiểm tra sau vay đúng quy định; tham gia đầy đủ các buổi giao ban định kỳ tại xã, chủ động lồng ghép kiểm tra các hoạt động công tác Hội với hoạt động vay vốn ủy thác; phối hợp với cán bộ NHCSXH tổ chức kiểm tra, giám sát các tổ tiết kiệm và vay vốn và hộ gia đình vay vốn; đôn đốc nợ quá hạn, lãi tồn tại các hộ gia đình, thường xuyên cập nhật thông tin hộ vay, báo cáo tình hình vay vốn cho Hội cấp trên.
* Qua kiểm tra cho thấy: Các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, nhiều hộ gia đình đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả, cho thu nhập ổn định.
Tính đến 31/7/2022 Hội phụ nữ tỉnh quản lý 514 Tổ tiết kiệm và vay vốn (giảm 14 tổ so với năm 2021) với 19 chương trình cho vay. Tổng dư nợ là 868.279,23 triệu đồng (tăng 78.520,07 triệu đồng so với thời điểm 31/12/2021) với 14.153 hộ vay (tăng 79 hộ so với năm 2021) trong đó nợ quá hạn là: 823,39 triệu đồng chiếm tỷ lệ 0,09%. (tăng 17,11 triệu đồng so với thời điểm 31/12/2021), lãi tồn: 1.518,85 triệu đồng, tăng 481,72 triệu đồng so với thời điểm 31/12/2021.
Thời gian tới, Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đặc biệt là các các chính sách tín dụng thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của chính phủ đến toàn thể hội viên phụ nữ và người dân trong tỉnh để mở rộng khách hàng vay vốn qua tổ Hội.