Đồng thời tìm kiếm cứu nạn 2 máy bay trên biển

17/06/2016 - 15:32
Mảnh vỡ từ chiếc CASA-212 tham gia tìm kiếm Su-30 được trục vớt sáng 17/6, sau hơn 20 tiếng biến mất khỏi màn hình radar ở vùng biển gần đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng).
Tàu cảnh sát biển 2008 của Bộ tư lệnh Hải quân vùng 1 đã trục vớt được nhiều mảnh vỡ và vận dụng của chiếc CASA-212, gồm: mảnh thân máy bay bị vò nát có dòng chữ "Cảnh sát biển Việt Nam", bánh lốp của máy bay, một chiếc giầy, chiếc balô đựng vật dụng cá nhân, đồ cứu hộ đi cùng phi công, áo phao…

Ngoài ra, còn một số mảnh vỡ nghi là các bộ phận của cánh máy bay đang trôi dạt trên biển, lực lượng tìm kiếm tiếp tục trục vớt.

Nguồn: QPVN

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết: "Nguyên nhân ban đầu được xác định do thời tiết diễn biến xấu bất thường nên đoàn đã xin hạ độ cao và gặp nạn".

Trưa 16/6, chiếc CASA cất cánh từ Hà Nội đến điểm phát hiện áo phao nghi của phi công Trần Quang Khải (tham gia chuyến bay Su-30 đang bị mất tích) thì bị mất tín hiệu trên vùng biển Hải Phòng.

Đi trên máy bay CASA-212 có 5 người cấp úy, 4 người cấp tá. Cầm lái chính là đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918, Quân chủng phòng không không quân.
casa-bien-mat.jpg
Vị trí CASA-212 mất liên lạc
Các phi công có mặt ngoài đại tá Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 còn có: thượng tá Nguyễn Đức Hảo, Phi đội trưởng Lữ đoàn 918; thiếu tá Nguyễn Văn Chính, Chính trị viên phi đội Phi công cấp 3 Lữ đoàn 918 và thiếu tá Nguyễn Ngọc Chu, phi công kiêm dẫn đường Lữ đoàn 918. Còn lại các nhân viên tuần thám trên không, cơ giới trên không, kỹ thuật hàng không.
case5.jpg
Bánh càng sau của máy bay CASA được trục vớt 
case4.jpg
 Mảnh vỡ từ chiếc CASA-212 tham gia tìm kiếm Su-30 được trục vớt 
case3.jpg
 Vật dụng từ máy bay CASA được trục vớt
Trước đó, sáng 14/6, đội hình tiêm kích Su-30 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Đến 7h29, chiếc Su-30MK2 số hiệu 8585 bỗng biến mất khỏi màn hình radar cùng hai phi công là thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi) và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi).

Một ngày sau, thiếu tá phi công Nguyễn Hữu Cường được tàu cá của ngư dân cứu sống tại vùng biển Nghệ An, cách nơi nghi máy bay gặp nạn khoảng 28 hải lý về phía đông bắc đảo Mắt. Anh Cường hiện đã được đưa về đất liền an toàn. Thượng tá Trần Quang Khải vẫn bặt vô âm tín sau 3 ngày tìm kiếm.

Anh Cường cho hay, khi máy bay cách mục tiêu 15 km, anh nghe tiếng nổ ở buồng lái. Hai anh em bung dù cách nhau khoảng 3 km, rơi cách nhau 6 km, anh Cường ở gần bờ hơn. Anh Cường khẳng định khi đáp xuống mặt biển, hai phi công vẫn nhìn thấy dù của nhau.
vi-tri-phi-cong-duoc-cuua-5942-1465969382.jpg
Vị trí tìm kiếm phi công còn lại cách vị trí phát hiện phi công Cường khoảng vài km2. 
Khi lực lượng tìm kiếm phát hiện vật thể màu vàng nghi là áo phao hoặc dù của phi công Khải ở nam đông nam đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), chiếc CASA trên đường tìm kiếm đến gần khu vực trên, chuẩn bị hạ độ cao thì bị mất liên lạc.

Vị trí máy bay biến mất khỏi hệ thống tại tọa độ 19o25'40"N-107o19'54"E, cách nam tây nam đảo Bạch Long Vỹ khoảng 44 hải lý.

Ngay khi sự cố xảy ra, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ tư lệnh Quân khu 3, Quân chủng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển tìm mọi biện pháp triển khai tàu cao tốc đến khu vực máy bay mất liên lạc, đồng thời báo cho tàu, thuyền, ngư dân trên vịnh Bắc Bộ tham gia cứu nạn.

Chiến dịch tìm kiếm phi công Su-30 và chiếc CASA mất tích được huy động lên đến 2.700 người thuộc các lực lượng của Quân khu 4, biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, phòng không không quân, chưa kể ngư dân đang đánh bắt ở các vùng biển từ Hà Tĩnh đến Hải Phòng. Hơn 250 phương tiện gồm 14 máy bay, 183 tàu… quần thảo cả ngày lẫn đêm trên vùng trời, vùng biển.

Ngay sau khi nhận được thông tin từ phía Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trung Quốc cũng đã cử tàu cơ động từ Nam Hải có mặt tại khu vực máy bay CASA-212 gặp nạn vào lúc 5h sáng 17/6 để hỗ trợ tìm kiếm.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng đã chủ trì cuộc họp Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cùng các đơn vị liên quan trong toàn quân bàn biện pháp xử lý. Mục tiêu là tiếp tục tìm kiếm phi công Su-30MK2 Trần Quang Khải và tìm kiếm máy bay CASA-212 với phương châm huy động toàn bộ lực lượng cả trong và ngoài quân đội nỗ lực tìm kiếm cả ngày lẫn đêm, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện.

CASA-212 là dòng máy bay vận tải quân sự đa dụng thế hệ thứ tư, được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ tuần thám biển, tuần tra biên giới... CASA có thể hạ độ cao xuống 100 m so với mặt biển, được trang bị các thiết bị cho tầm kiểm soát 80 km và có khả năng tìm kiếm, theo dõi mục tiêu bất kể ngày, đêm. Dưới thân máy bay được trang bị camera "mắt thần".

Chiếc CASA mất tích là máy bay thứ ba được trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển do hãng Airbus sản xuất. Việt Nam hiện có 3 chiếc CASA-212 mang số hiệu 8981, 8982, 8983.

Còn máy bay Su-30MK2 là phiên bản nâng cấp của Su-30 do Nga sản xuất. Việt Nam đã thực hiện 3 hợp đồng mua máy bay chiến đấu đa năng Su-30 MK2, với số lượng 32 chiếc. Su-30 MK2 có thể hạ mục tiêu trên không, trên đất liền và trên biển. Máy bay được trang bị tên lửa điều khiển, bom điều chỉnh trên không. Vũ khí của Su-30 MK2 ngoài pháo 30 mm có tốc độ 1.800 phát/phút, còn có các loại tên lửa đối không, đối đất/hải, tên lửa phát hiện sóng radar với tầm bắn tối đa 110 km. Đây là tai nạn với dòng máy bay Su-30 lần đầu được công bố ở Việt Nam.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm